Ảnh: Reuters
Trong bức thư, cố vấn Nhà Trắng không đưa ra được nhiều lời bào chữa, lý do chính yếu cho quyết định từ chối hợp tác điều tra của ông Trump.
Bức thư dài 8 trang của Nhà Trắng
Cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ đang trở nên gay cấn hơn, đặc biệt khi Nhà Trắng gửi một bức thư dài 8 trang tuyên bố sẽ không hợp tác với cuộc điều tra luận tội – một tuyên bố mà Vox nhận định là lời khước từ sẽ mở ra một cuộc chiến pháp lý đầy rủi ro.
Được đăng tải vào tối 8/10, bức thư của Nhà Trắng lên án quá trình luận tội bằng những ngôn từ khá gay gắt.
“Tổng thống Trump và chính quyền của ông ấy không thể tham gia vào cuộc điều tra vi hiến và đầy tính đảng phái của các ông”, cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone tuyên bố trong bức thư.
“Các ông đã tiến hành những quá trình của mình một cách bí mật. Các ông đã vi phạm quyền tự do dân sự và phân lập quyền lực”, lá thư nêu rõ, “Toàn bộ việc này vi phạm Hiến pháp, pháp luật và tất cả những tiền lệ trước kia”.
Nhà Trắng cáo buộc Đảng Dân chủ sử dụng việc luận tội làm công cụ, không chỉ “đảo ngược quá trình dân chủ”, mà còn “tác động” tới cuộc bầu sắp tới, dẫn lại lời của nghị sĩ Al Green. Hồi tháng 5 ông này từng bày tỏ lo ngại rằng: “Nếu chúng ta không luận tội Tổng thống, ông ấy sẽ tái đắc cử”.
Bức thư cũng nhấn mạnh rằng các thành viên trong ủy ban thuộc Đảng Cộng hòa không được trao quyền triệu tập nhân chứng tương xứng với các thành viên lãnh đạo thuộc Đảng Dân chủ và chỉ trích tiến trình này là bất công và “một phía”.
Trong bức thư dài 8 trang, Nhà Trắng cho rằng: Đi theo quá trình điều tra dưới “lập trường vi hiến hiện tại” sẽ “gây hại lâu dài tới nhánh Hành pháp và tổn thất lâu dài tới chế độ phân lập quyền lực”.
Từ chối điều trần của Đại sứ Mỹ tại EU
Tác động từ hướng đi của Nhà Trắng trong vụ việc này có thể cảm nhận được rõ nét khi Đại sứ Mỹ tại châu Âu Gordon Sondland từ chối xuất hiện trong cuộc điều trần kín với Ủy ban Thượng viện. Theo Vox, Sondland dính dáng khá sâu vào nỗ lực của ông Trump trong việc đề nghị chính quyền Ukraine mở cuộc điều tra nhằm vào đối thủ chính trị của ông.
Được biết, Sondland đã khẳng định ông sẵn sàng tham gia điều trần cho tới khi Bộ Ngoại giao yêu cầu ông không được làm như vậy.
Đảng Dân chủ đã phản ứng bằng cách triệu tập Sondland vào ngày 8/10 (phiên điều trần dự kiến trước đó vốn là tự nguyện). Họ đã đặt ra hạn chót cho Sondland vào tuần tới và nếu ông này từ chối thì có thể bước đi tiếp theo của Đảng Dân chủ sẽ là đề nghị tòa án vào cuộc, buộc Sondland phải tuân thủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland. Ảnh: Reuters
Không rõ tình huống này sẽ lặp lại như thế nào với các nhân chứng sau đó.
Gordon Sondland là một đồng minh thân cận của ông Trump nhưng các quan chức chính phủ khác có thể vẫn sẽ xuất hiện và tham gia điều trần – kể cả khi điều này khiến họ phải đứng trước nguy cơ mất việc.
(Người thổi còi đã châm ngòi cho toàn bộ sự vụ lần này hiện đang thảo luận về việc ra làm chứng).
Thách thức đối với quyền giám sát của Quốc hội Mỹ
Vox cho rằng: Rõ ràng bức thư của Nhà Trắng là thách thức đối với khái niệm giám sát quyền lực của Quốc hội đối với nhánh hành pháp. Trong bức thư dài 8 trang, cố vấn Cipollone không đưa ra được nhiều lời bào chữa, lý do chính yếu cho quyết định từ chối đáp ứng yêu cầu từ Hạ viện của ông Trump, ngoài phàn nàn rằng Tổng thống Mỹ không thích cách tiến hành điều tra luận tội cho tới thời điểm này.
Ví dụ, cố vấn Nhà Trắng có những khiếu nại về tiến trình luận tội, chỉ ra rằng Hạ viện Mỹ không tổ chức một cuộc bỏ phiếu chính thức để bắt đầu tiến trình, rằng một số hoạt động diễn ra trong bí mật, rằng bản ghi lời khai chưa được công bố và ông Trump không được trao quyền kiểm tra chéo nhân chứng.
Tất cả những việc này, Cipollone cho là nhân tố khiến cuộc điều tra luận tội “vi hiến”.
Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ cho phép Hạ viện nước này “quyền duy nhất” (sole power) luận tội quan chức. Điều này có nghĩa là Hạ viện Mỹ có quyền tự do giám sát và điều hành quá trình luận tội theo cách của mình.
Nhánh hành pháp Mỹ thường phản ứng trước các yêu cầu giao nộp tài liệu hoặc điều trần từ Quốc hội Mỹ, nhưng thông thường chuyện này xảy ra trên cơ chế tùy từng vụ việc và thông thường các thỏa thuận sẽ đạt được sau một số động thái cho và nhận.
Thế nhưng, lần này, từ chối hợp tác với yêu cầu điều tra luận tội lại cứng rắn hơn nhiều. Và theo cách này hay cách khác, có lẽ chuyện này sẽ phải kết thúc ở tòa án.