Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4

Tướng Nguyễn Đức Huy.

Theo tướng Nguyễn Đức Huy, đội quân ô hợp Trung Quốc năm 1979 không chỉ cướp bóc, sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng.

Đội quân ô hợp chuyên cướp bóc, phá hoại

Sinh năm 1931, ở tuổi 88 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Vị tướng già nói bản thân đi qua cả 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: chống Pháp, chống Mỹ, sau đó chiến đấu ở Campuchia nhưng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc in sâu trong tâm trí ông nhất.

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy.

“Đừng bao giờ quên ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam và 10 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng, kiên cường của quân, dân ta sau đó, nhất là ở Vị Xuyên”, ông nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần trong cuộc trò chuyện.

Theo lời kể của tướng Nguyễn Đức Huy, sáng 17/2/1979, khi đang học ở Học viện Quốc phòng, ông bất ngờ nhận được tin báo, Trung Quốc đã huy động 600.000 quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới nước ta.

Tiếp đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – Trung tướng Lê Trọng Tấn đến Học viện Quốc phòng, nói chuyện với các học viên về diễn biến cuộc tấn công này, trong đó nhấn mạnh các đơn vị đang đứng chân ở biên giới bằng mọi giá phải chặn được đối phương, không cho địch tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.

Đồng thời, các quân đoàn chủ lực của chúng ta đang nhanh chóng từ Campuchia trở về bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tướng Huy nhớ lại, sau khi các đơn vị chủ lực thần tốc rút quân về và triển khai lên phía Bắc vào cuối tháng 2/1979, lớp học của ông cũng chuẩn bị balô trở về Sở chỉ huy chiến đấu chống quân xâm lược. Cá nhân ông được điều làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, tập kết xong lực lượng, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 do tướng Huy chỉ huy, hành quân lên tỉnh Cao Bằng để đánh địch vào những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3/1979.

“Sư đoàn 325 lúc đó có chừng 2.000 quân nhưng trong hơn chục ngày chiến đấu từ đầu tháng 3 đến khi Trung Quốc rút quân hết, đơn vị chúng tôi chiến đấu căng thẳng, quyết liệt.

Trên đường địch rút chạy, chúng tôi đã tiêu diệt khá nhiều, bắt sống hơn 20 quân Trung Quôc thuộc quân đoàn 5 Tứ Xuyên ở khu ngã ba Dân Chủ – huyện Hòa An và huyện Thông Nông (Cao Bằng), bàn giao cho phía sau”, tướng Huy nhớ lại.

Theo tướng Huy, khi Trung Quốc sử dụng 600.000 quân, huy động nhiều hỏa lực, xe tăng để tấn công lực lượng của ta ngăn chặn chủ yếu chỉ là dân quân, bộ đội địa phương nên địch mới có thể tiến nhanh vào sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

Có những điểm ở Cao Bằng, chỉ trong một ngày, quân Trung Quốc đã tiến đến 30-40 km. Tuy nhiên, cùng với bộ đội địa phương, lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ đã anh dũng chiến đấu chặn bước tiến của đối phương, gây cho chúng những tổn thất nặng nề.

Là vị chỉ huy trực tiếp giao tranh với quân Trung Quốc, ông nhận xét, đây là một đội quân ô hợp, không được tôi luyện qua chiến đấu mà chỉ mục tiêu “lấy đông áp đảo”.

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 3.

Ông cho hay, thực tế, quân Trung Quốc chỉ tham chiến trên chiến trường vào những năm từ 1953 trở về trước còn về sau đội quân này không trực tiếp chiến đấu như quân đội Việt Nam thời điểm đó. Do đó, năng lực, kỹ, chiến thuật, chiến đấu, chỉ huy của họ kém hơn quân đội ta rất nhiều.

Ông dẫn chứng, khi đi kiểm tra lại các tuyến đường Trung Quốc rút quân năm 1979 nhận thấy, nếu giả dụ chúng ta chỉ có 1 trung đoàn, tiểu đoàn đủ quân chặn ở điểm cao Trà Lĩnh (Cao Bằng) có thể hàng nghìn, vạn quân Trung Quốc bị tiêu diệt, không thể qua được.

“Cụ thể, trực tiếp tôi đi xem những vị trí quân Trung Quốc dừng lại có thể thấy, họ đào cách nhau chừng 2 – 3m một hầm cá nhân, rất nông, nhỏ. Do đó, chỉ cần quân ta đánh chặn quyết liệt trên các điểm cao là có thể tiêu diệt rất đông quân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vũ khí trang bị của binh lính Trung Quốc cũng không có gì mới, lạc hậu chỉ có súng AK, K50…”, tướng Huy kể.

Nguyên Phó Tư lệnh quân khu 2 cho biết thêm, tính từ ngày Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới nước ta cho đến ngày rút quân chỉ hơn nửa tháng. Nhưng trong nửa tháng đó, đội quân ô hợp này không chỉ cướp bóc, sát hại dã man đồng bào ta mà còn gây ra những sự tàn phá kinh hoàng, khó tưởng tượng.

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 4.

Mô phỏng hình vẽ “Sơ đồ cuộc tiến công xâm lược của quân Trung Quốc (ngày 17-2)”, đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số 6348, ra ngày 18-2-1979. Đồ họa: Mạnh Quân.

“Như ở Cao Bằng, sau khi đánh đuổi địch xong, tôi trực tiếp đi kiểm tra thị xã Cao Bằng thấy gần như toàn bộ thị xã đã bị phá hủy, chỉ có duy nhất một ngôi nhà cấp 4 còn nguyên vẹn. 

Chúng tôi đã tới để tìm hiểu tại sao lại như thế? Khi bước vào ngôi nhà, chúng tôi mới hiểu lý do thấy trên tường có một bức ảnh Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông được chủ nhà cắt từ mấy họa báo gài lên bức vách. Có lẽ, vì điều này mà ngôi nhà không bị phá hủy (?).

Dọc lên thị xã Trà Lĩnh lúc đó, toàn bộ đường sá, cầu cống, cột điện thoại cũng bị quân Trung Quốc áp bộc phá vào phá hết”, tướng Huy kể.

Sau khi rời Cao Bằng, qua thị xã Lào Cai, tướng Huy cũng thấy một cảnh tan hoang. Toàn bộ nơi đây bị quân thù tàn phá tan tành, tất cả các công trình – từ trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân, cầu cống, cột điện đều bị phá hủy…Cả thị xã chỉ còn lại một nhà thờ coi là nguyên vẹn nhưng thực chất đã bị phá gần hết.

“Ngay mỏ Apatit Lào Cai mới được Liên Xô (cũ) hỗ trợ về máy móc cũng bị quân Trung Quốc phá, cướp trang thiết bị đưa về nước. Với thị xã Lạng Sơn cũng tương tự như vậy. Có thể nói cả 3 thị xã Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn lúc đó đã bị quân Trung Quốc phá sạch, san bằng không còn gì cả”, tướng Huy hồi tưởng.

Ông cũng chỉ rõ thực tế lúc đó, trong số hàng chục vạn quân đưa sang xâm lược Việt Nam, ngoài một số ít quân chủ lực còn có hàng vạn dân binh đi theo và do đói, nghèo nên qua địa bàn nào, gặp được thứ gì của dân ta là họ cướp sạch từ gạo, nồi niêu, xoong, chảo…

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 5.

“Với những gì tôi được trực tiếp chứng kiến ở Cao Bằng và các địa phương khác có thể thấy, quân Trung Quốc thời điểm đó đã thực hiện chính sách 3 sạch là “cướp sạch, phá sạch, giết sạch” ở những nơi đi qua.

Những hình ảnh ở Tổng Chúp (Cao Bằng) khi hàng chục người dân vô tội bị quân Trung Quốc sát hại hay ở pháo đài Lạng Sơn, khi tràn vào được, quân Trung Quốc dùng rơm, rạ hun chết hàng trăm người dân ta là sự tàn bạo không thể tưởng tượng”, tướng Huy nhắc lại.

“Chúng ta không truy kích quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 vì muốn hòa bình”

Tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh, trong cuộc chiến tháng 2/1979 phải nhìn nhận rõ rằng, chưa có đơn vị chủ lực nào của ta phải chạm trán với quân Trung Quốc.

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 6.

Tướng Huy thắp hương cho các đồng đội hy sinh ở Hà Giang. Ảnh do ông cung cấp.

Đồng thời, nhiều người đặt vấn đề khi lực lượng chủ lực của chúng ta đã sẵn sàng nhưng quân Trung Quốc lại rút lui, vậy tại sao không tổ chức truy kích?

Theo tướng Huy, quân ta có đủ điều kiện về độ thiện chiến, kinh nghiệm tác chiến, trang bị… nhằm truy kích khi địch rút để gây tổn thất cho chúng.

Ký ức chiến tranh năm 1979: Quân Trung Quốc cướp phá khiến cả TX Cao Bằng chỉ còn 1 ngôi nhà cấp 4 - Ảnh 7.

“Chúng ta không làm vậy bởi đây là động thái tiếp nối truyền thống cha ông ta. 

Nhân dân Việt Nam chiến đấu là để quân xâm lược phải rút khỏi bờ cõi lãnh thổ nước ta. Chúng ta không truy kích khi quân xâm lược rút chạy vì chúng ta muốn hòa bình, chúng ta không muốn gây chiến”, tướng Huy nêu rõ.

Ông nhấn mạnh thêm, đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và Việt Nam đã chiến thắng khi buộc quân địch phải rút quân, giữ vững toàn vẹn chủ quyền, biên giới lãnh thổ.

“Chúng ta không kích động hằn thù dân tộc và luôn vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhưng cũng không được quên những lần nhân dân, quân đội Việt Nam buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cuộc chiến tranh chống quân bành trướng xâm lược năm 1979 hay trận hải chiến Gạc Ma 1988… là những bài học xương máu cần nhắc nhớ trong mỗi người con đất Việt này”, tướng Huy chia sẻ.