Ngày 1/4/1953, lực lượng Pháo Phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời đã đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội pháo phòng không (còn gọi pháo cao xạ) luôn thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ: Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Ngày 1/4/1953, tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Trung đoàn pháo phòng không chủ lực đầu tiên của quân đội ta là Trung đoàn 367 được thành lập với 6 Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 367 đã ra quân chiến đấu, lập chiến công đầu và xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm. Việc đưa pháo lên chiến trường núi rừng hiểm trở, phải vượt qua nhiều đèo cao, vực sâu với biết bao vất vả, hy sinh đối với bộ đội ta.
Ngày 1/2/1954, khi cùng đồng đội di chuyển pháo, dây kéo pháo bị đứt, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn lưng cứu khẩu pháo cao xạ 37 ly nặng hơn 2 tấn, không để pháo lăn xuống vực và đã anh dũng hy sinh. Khẩu pháo do Anh hùng Tô Vĩnh Diện cứu, sau đó được đồng đội sử dụng tham chiến trong chiến dịch Điện Biên, bắn rơi 3 chiếc máy bay và bắn bị thương 13 chiếc máy báy khác của địch.
|
Bộ đội Pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.
|
Chiến công đầu của Trung đoàn 367 là trận đánh lúc 8 giờ ngày 14/3/1954. Theo đó, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 đã bắn rơi chiếc máy bay Moran của quân Pháp. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn trúng gần 200 máy bay của quân Pháp, trong đó bắn rơi 52 chiếc, bị thương 127 chiếc khác, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “Điên Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu mới, ngày 21/9/1954, Đại đoàn pháo Cao xạ 367 ra đời tại tỉnh Cao Bằng, từ đó lực lượng pháo phòng không phát triển thành nhiều Trung đoàn. Pháo phòng không đã phát triển thành Binh chủng lớn. Các đơn vị của Binh chủng cơ động chiến đấu trên khắp các chiến trường, cùng các lực lượng phòng không của quân và dân ta giăng thành lưới lửa bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Chiến công của Binh chủng Pháo phòng không có sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Có 7 Trung đoàn phòng không được thành lập, trong đó 5 trung đoàn tên lửa, 2 trung đoàn pháo cao xạ cùng nhiều đơn vị khác triển khai chiến đấu trên địa bàn tỉnh.
|
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, khi các trận đánh diễn ra cam go, ác liệt, bộ đội pháo phòng không luôn vững vàng bám ụ pháo, bám trận địa hiên ngang bắn máy bay thù. Tại trận đánh ngày 18/11/1965 ở tỉnh Quảng Bình, trong đạn bom khói lửa, đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội đã nhảy lên bờ công sự truyền quyết tâm cho bộ đội, hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn”. Lúc bị thương, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ đạo, động viên bộ đội chiến đấu và anh dũng hy sinh tại trận địa. Tiếng hô của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã trở thành khẩu lệnh chiến đấu, khẩu hiệu tiến công trên các trận địa pháo phòng không. Noi gương Nguyễn Viết Xuân, đã có nhiều tấm gương điển hình và nhiều trận chiến đấu điển hình đánh thắng máy bay Mỹ của bộ đội ta.
Tính từ ngày 5/8/1964 đến 30/4/1975, bộ đội pháo phòng không đã bắn rơi 1.502 máy bay hiện đại các loại của địch, cả những siêu pháo đài bay B52 của không quân Mỹ. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, bộ đội pháo phòng không đã bắn rơi nhiều máy bay, đặc biệt trong đó đã bắn rơi 2 chiếc B52. Điển hình là trận đánh đêm ngày 26/12/1972 của Đại đội 174 pháo cao xạ 100 ly thuộc Trung đoàn 252 ở Hải Phòng đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B52 và một đơn vị pháo cao xạ 100 ly của Khu Việt Bắc ở tỉnh Thái Nguyên bắn rơi 1 chiếc B52 của không quân Mỹ, góp chiến công chung cùng Hà Nội làm lên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng.
Ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 1/1976 Binh chủng Pháo phòng không đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 15 Trung đoàn, 16 Tiểu đoàn và nhiều cán bộ, chiến sĩ pháo phòng không được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
|
Khẩu đội 3, đại đội 1, đoàn X, pháo cao xạ sẵn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu.
|
Chiến công của Binh chủng Pháo phòng không có sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Có 7 Trung đoàn phòng không được thành lập, trong đó 5 trung đoàn tên lửa, 2 trung đoàn pháo cao xạ cùng nhiều đơn vị khác triển khai chiến đấu trên địa bàn tỉnh. Nhiều trận đánh phối hợp hiệp đồng, lập công xuất sắc của quân và dân ta thiêu cháy máy bay thù. Nổi bật là trận đánh lúc 6 giờ sáng 21/12/1972 tại trận địa Đống Gạch, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang), Đại đội 515 thuộc Trung đoàn 240 đã bắn rơi 1 chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ, là 1 trong 5 chiếc F111 bị bắn rơi trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Khi lớp lớp bộ đội pháo phòng không về Bắc Giang quần nhau với giặc, mưa nắng dạn dày, Hội mẹ chiến sĩ làng Đa Mai chong đèn thức thâu đêm vá áo cho bộ đội. Hình ảnh cao đẹp của người Bắc Giang đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẽ lên bằng lời ca, nốt nhạc trong bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” – Một tượng đài của tình quân dân cá nước còn vang mãi với thời gian.
Thái Hoà
Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/quoc-phong/402055/ky-niem-70-nam-ngay-truyen-thong-bo-doi-phao-cao-xa-1-4-1953-2023-vang-mai-nhung-chien-cong.html