Kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5: Những Anh hùng trên chiến trường Điện Biên

Chiều 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch ấy, tỉnh Bắc Giang có hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đóng góp sức người, sức của. Nhiều người lính đã xông pha ngoài mặt trận, chiến đấu anh dũng đến trận đánh cuối cùng. Trong số đó có 4 đồng chí được phong tặng danh hiệu cao quý-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Đã 69 năm trôi qua kể từ ngày cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, song bản anh hùng ca thuở trước vẫn vọng vang trong trái tim của những người lính Cụ Hồ.

Anh hùng LLVTND Chu Văn Mùi kể chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi gặp Anh hùng LLVTND Chu Văn Mùi ở xã Thượng Lan (Việt Yên) trong một chiều hè tháng 5. Ông Mùi nay đã ở tuổi 95, từng là lính Sư đoàn 308 Đại đoàn quân tiên phong – Sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Ông đã tham gia 7 chiến dịch lớn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các cương vị: Chiến sĩ xung kích, pháo thủ, Tiểu đội trưởng súng cối, Tiểu đội trưởng thông tin…

Trong tác phẩm viết về Điện Biên Phủ của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá 4 ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 (từ ngày 30/3 đến 3/4/1954) là “diễn biến chiến đấu hết sức gay go”.

Thời điểm ấy, ông Mùi là tổ trưởng tổ điện thanh nhận được lệnh về A1 nối lại đường dây với Sở chỉ huy Trung đoàn 102 (nay là Trung đoàn Thủ đô) nhằm chặn đường tiếp viện của địch từ Mường Thanh ra.

Ông kể: Từ mặt trận phía Tây Nam sang phía Đông Điện Biên, tổ điện thanh đã phải vượt qua bao nguy hiểm, khôn khéo lừa địch, có lúc trườn như rắn, bò lăn trên những quãng đường, những bãi trống mà địch đã bố trí hỏa lực, sẵn sàng nhả đạn. Có lúc phải giả vờ chết chờ lúc địch ngớt bắn rồi chạy vọt lên. Khó khăn, hiểm nguy là thế nhưng ông vẫn vừa bình tĩnh quan sát để chỉ huy chiến đấu, vừa mở máy vô tuyến điện liên lạc gọi pháo yểm trợ, vì vậy nhiều cuộc phản kích của địch bị pháo ta chặn lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Có một tình huống mà ông Mùi không bao giờ quên. Đó là khi đang làm việc, bộ pin trong máy yếu dần, sóng phát không chuẩn, đường dây thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Ông đã tìm cách tiếp cận một chiếc dù mà địch tiếp tế đêm hôm trước, bò lên kéo được sợi dây dù vào hầm. Thật may mắn trong dù có một hộp pin PA 70 (loại pin sử dụng cho máy BC1000 USA mà ông đang dùng).

Khi pin được thay thế, sóng điện phát lên khỏe hẳn, chiếc máy đang giọng ẹt ẹt bất ngờ kêu oang oang, các máy của Đại đoàn đều liên lạc được tín hiệu từ đồi A1. Thế nhưng chính tiếng máy phát mạnh ấy đã khiến các đồng chí trong Đại đoàn nghi ngờ rằng “chỉ có máy địch mới có thể phát mạnh được như vậy” nên ra lệnh cho các máy khác không được liên lạc với máy của ông Chu Văn Mùi do nghi ngờ ông bị địch tóm được rồi dùng để đối phó với quân ta.

Sau bao lần nghe ông khẩn khoản, Trưởng ban thông tin Nguyễn Sỹ Nhượng đã phải kiểm tra và thử lại bằng rất nhiều mật mã, ám hiệu, ký hiệu mà trước đó lính thông tin phải thuộc làu làu. Thấy ông nói không sai một từ, mọi người mới tin ông vẫn đang chiến đấu ngoan cường. Nhận được lệnh tiếp tục chiến đấu, ông Mùi thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục thông tin liên lạc để giữ vững trận địa, bảo vệ thương binh, đánh lùi một đợt phản kích của địch.

Góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ còn có dũng sĩ đánh bộc phá Nguyễn Văn Ty (SN 1931), quê ở xã Ninh Sơn (Việt Yên), lấy vợ ở xã kế bên Quảng Minh cùng huyện. Ông là một trong những tấm gương điển hình về lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Trong trận đánh Đồi Độc Lập rạng sáng 15/3/1954, ông Ty phụ trách tiểu đội bộc phá. Trời tối đen như mực, lại mưa tầm tã, địch tập trung hỏa lực bắn dữ dội.

Tiểu đội của bạn bị chệch hướng, ông kịp thời điều chỉnh hướng đồng thời chỉ huy tiểu đội mình đánh liên tục nhiều quả bộc phá, phá các lớp rào. Đến hàng rào cuối cùng thì bất ngờ một quả lựu đạn nổ ngay trước mặt. Ông quên đau đớn, cố lau máu đang chảy tràn trên mặt, dùng tay căng mắt phải để quan sát chỉ huy người thứ chín lên đánh quả bộc phá cuối cùng, phá tan lớp hàng rào còn lại. Không may bộc phá bị rơi ngòi nổ, ông mạo hiểm dùng lựu đạn buộc vào thay thế. Hết lựu đạn và bộc phá, ông xung phong băng qua lửa đạn chạy về tiểu đoàn lấy thêm rồi chỉ huy tiểu đội đánh đến quả bộc phá cuối cùng, mở cửa cho đơn vị xông lên.

Sự dũng cảm của Anh hùng Nguyễn Văn Ty còn được biết đến khi ông bị thương ở chân phải, máu chảy nhiều, ông liền lấy chân trái đè lên vết thương cho bớt chảy máu để tiếp tục chiến đấu, tạo điều kiện cho các chiến xông thẳng vào đồn đánh chiếm điểm cao, tiêu diệt xong địch ông mới băng vết thương.

Những người lính Điện Biên năm xưa đã góp công đánh giặc, cùng nhân dân các dân tộc Tây Bắc và đồng bào cả nước làm nên một chiều hè ngày 7 tháng 5 lịch sử. Những năm tháng máu và hoa đó đã tô thắm trang sử vàng dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên toàn dân và quân ta tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xã Cảnh Thuỵ (Yên Dũng) có hai Anh hùng Điện Biên. Đó là ông Lưu Viết Thoảng (SN 1926) và ông Trần Đình Hùng (SN 1928). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thoảng được biết đến là một chiến sĩ công binh dũng cảm, có nhiều sáng tạo trong phá bom, mở đường. Ông đã dẫn đầu một tổ đào đường hầm đưa gần 1 tấn thuốc nổ đánh sập lô cốt cố thủ của địch trên đồi A1, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn cứ điểm này.

Thời gian mở đường chuẩn bị cho chiến dịch, ông làm tổ trưởng công binh, học tập cách phá bom. Có lần gặp loại bom mới, để tránh thương vong, ông Thoảng một mình tìm cách tháo gỡ bom để rút kinh nghiệm cho toàn đội. Không chỉ phá được 18 quả bom mà còn lấy được 3,525 tấn thuốc nổ cung cấp cho đơn vị phá đá mở đường.

Thời kỳ địch ném bom ác liệt đoạn đường đi Sơn La, ông được giao phụ trách một tổ bám trụ trên đường quan sát và đánh dấu vị trí bom rơi. Nhiều lần máy bay địch thả bom xong rồi quay đi, ông vừa ra vị trí bom rơi thì chúng vòng lại ném tiếp, ông vẫn bình tĩnh nằm trên đường để quan sát. Có lần địch ném 4 quả bom nổ chậm, ông đã dũng cảm dẫn đầu tổ, đào hố chui xuống đặt thuốc nổ phá bom, thông đường kịp thời.

Anh hùng LLVTND Trần Đình Hùng là chiến sĩ Đại đoàn 308. Ông tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của Đại đoàn và lập nhiều thành tích xuất sắc. Nhắc đến chiến công của ông là nhắc đến khẩu súng ĐKZ đã luôn kề vai sát cánh với ông. Khẩu súng này do Mỹ sản xuất, viện trợ cho quân Pháp từ năm 1950, là chiến lợi phẩm do ta thu được ở chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội ĐKZ của ông và 20 chiến sĩ bộ binh làm nhiệm vụ phòng ngự ở cứ điểm 106. Thấy lực lượng ta ít, một số đồng chí lo ngại, ông Trần Đình Hùng đi nhặt được 40 quả lựu đạn địch, phân phát và động viên anh em tiếp tục chiến đấu. Một tiểu đoàn địch có máy bay, đại bác yểm trợ tấn công, kính ngắm ĐKZ bị đạn pháo bắn hỏng, ông ngắm qua nòng súng hô cho xạ thủ bắn trúng giữa đội hình địch ngay phát thứ nhất. Lần nào địch xông lên cũng bị Khẩu đội bắn trúng.

Cũng trong chiến dịch này, chân súng ĐKZ bị hỏng, không ngần ngại ông đã lấy vải bạt lót nòng súng vác lên vai, bò lên bờ hào để đồng đội tiếp tục bắn diệt nhiều hỏa điểm và bộ binh địch. Khi bị thương vào đầu, vào tay, ông vẫn cố gắng chịu đựng để đồng đội bắn diệt được hỏa điểm địch mới chịu băng bó. Hành động dũng cảm của ông được đơn vị nêu gương học tập.

Trong số 4 anh hùng Điện Biên, nay chỉ duy nhất ông Chu Văn Mùi còn sống. Anh hùng Nguyễn Văn Ty hy sinh năm 1972 tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh hùng Lưu Viết Thoảng đã ra đi tại quê nhà năm 2008 ở tuổi 83. Anh hùng Trần Đình Hùng vừa qua đời ngày 28/4/2023, hưởng thọ 96 tuổi.

Những người lính Điện Biên năm xưa đã góp công đánh giặc, cùng nhân dân các dân tộc Tây Bắc và đồng bào cả nước làm nên một chiều hè ngày 7 tháng 5 lịch sử. Xin được tri ân những người anh hùng Điện Biên đã làm nên “một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa” lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ở thế kỷ XX.

Trong hành trình vạn dặm của lịch sử nước ta, âm vang Điện Biên mãi mãi là khúc nhạc tiến công, khúc nhạc chiến thắng. Những năm tháng máu và hoa tô thắm trang sử vàng dân tộc vẫn vẹn nguyên, trở thành nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên toàn dân và quân ta tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Báo Bắc Giang: http://m.baobacgiang.vn/bg/quoc-phong/404038/ky-niem-69-nam-ngay-chien-thang-dien-bien-phu-7-5-nhung-anh-hung-tren-chien-truong-dien-bien.html