Ngày 17/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo trong nước quốc tế về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chủ trì buổi họp báo có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà…
Tại buổi Họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022).
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tại kỳ họp này Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại diện các Ủy ban của Quốc hội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác nhân sự; chuẩn bị các nhóm nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 4; việc thực hiện 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam; hoạt động giám sát đối với thị trường chứng khoán; về xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu; một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Về quy trình chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 sẽ chuẩn bị sớm nhóm nội dung chất vấn. Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội; căn cứ thống kê hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; căn cứ vào kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; căn cứ vào những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; căn cứ vào báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Từ đó, lựa chọn 6 nhóm vấn đề thuộc 6 lĩnh vực (nội vụ, xây dựng, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, thanh tra và lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp). Sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, 6 nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lựa chọn 5 vấn đề; tiếp đó xin ý kiến đại biểu Quốc hội chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề khác mới hơn có thể sẽ thay đổi.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc chuẩn bị sớm các nội dung chất vấn để đại biểu, các bộ ngành nghiên cứu, xem xét nghiên cứu kỹ, đảm bảo chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sâu hơn, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.
Chí Kiên (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/ky-hop-thu-4-se-xem-xet-thong-qua-7-du-an-luat-3-du-thao-nghi-quyet-d185476.html