Thực tế chứng minh rằng làm cho kinh tế Mỹ vĩ đại trở lại không hề dễ dàng như trong suy nghĩ của một số chính trị gia.
Tổng thống Trump từng lập luận rằng ông hoàn toàn không có lỗi lầm gì bởi nền kinh tế đang quá “vĩ đại”. Tuy nhiên, hãy nhìn lại lời tuyên bố của ông rằng kinh tế Mỹ sẽ có thể tăng trưởng không phải 3% mà là “4%, 5% hay thậm chí 6%” mỗi năm.
Những con số mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái, bằng chính tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 10 năm kể từ khi Đại suy thoái chấm dứt. Và con số được dự báo sẽ còn giảm xuống.
Giống như nhiều lời hứa khác của Tổng thống Trump, niềm hi vọng và hoài bão của ông cũng phải đối mặt với thực tại phũ phàng. Thực tế chứng minh rằng làm cho kinh tế Mỹ vĩ đại trở lại không hề dễ dàng như trong suy nghĩ của một số chính trị gia.
Cất cánh
Tháng 12/2017, khi ông Trump ký vào Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm (TCJA), đảng Cộng hòa đang “bay cao”. Với gói cắt giảm thuế khổng lồ, họ đạt được 1 chiến thắng hành pháp quan trọng giúp hiện thực hóa một trong những ưu tiên hàng đầu khi tranh cử 1 năm trước. Đảng Cộng hòa và ông Trump hân hoan tin rằng kinh tế Mỹ sẽ có thể cất cánh.
Đúng là kinh tế Mỹ đã khởi sắc mạnh mẽ, nhưng chỉ là trong 1 thời gian chứ không phải mãi mãi. Tăng trưởng GDP thực chạm mốc 3,5% mùa xuân năm 2018, và đã có lúc dường như ông Trump hoàn toàn đúng về những tác động vượt trội mà chính sách cắt giảm thuế sẽ đem lại.
Tuy nhiên, niềm vui đó không kéo dài lâu. Tốc độ tăng trưởng quay lại mức 2,9%, và sau đó thậm chí là 1,1%. Kể từ khi gói cắt giảm thuế có hiệu lực, kinh tế Mỹ tăng trưởng trung bình 2,5%, ngang bằng với mức 2,6% của 6 quý trước khi đạo luật cắt giảm thuế được thông qua.
Tăng trưởng GDP Mỹ qua các năm
Gần như mọi dự báo từ các chuyên gia kinh tế cao cấp, Cục dự trữ liên bang, Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ, IMF, OECD – nhưng không phải là Nhà Trắng – đều cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% mỗi năm trong tương lai gần. Với tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động tiềm năng sụt giảm từ 1% mỗi năm xuống chỉ còn khoảng 0,2%, sẽ cần đến năng suất rất tốt mới có thể giúp nước Mỹ đạt mức tăng trưởng 2%.
Không thể xoay chuyển cục diện
Gói cắt giảm thuế gần như đã không thể thay đổi bất cứ điều gì. Giống như bạn ném 1 hòn đá cuội xuống hồ nước: ban đầu sẽ tạo ra âm thanh rất to và khiến nước tung tóe, thậm chí tạo ra một vài làn sóng, nhưng sau đó mặt nước tĩnh lặng trở lại và chẳng có gì thay đổi. Jason Furman, chuyên gia kinh tế trưởng của ông Barack Obama, cho biết ông và đồng nghiệp Robert Barro tin rằng về dài hạn gói cắt giảm thuế chỉ có thể giúp GDP Mỹ tăng trưởng thêm 0,04% mỗi năm.
Bất chấp những bằng chứng cho thấy cắt giảm thuế không đem lại hiệu quả to lớn như dự tính, Nhà Trắng vẫn đang kiên định với dự báo GDP tăng trưởng 3% mỗi năm trong 10 năm tới.
Thuế được cắt giảm mạnh với kỳ vọng sẽ giúp “sạc đầy” tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị, R&D, phần mềm.. để tăng năng suất. Hiện kinh tế Mỹ rất cần năng suất tăng mạnh, bởi vì yếu tố quan trọng khác để tăng GDP – tăng trưởng lực lượng lao động – đang yếu.
Nhưng thực tế là đợt cắt giảm thuế khủng đã tác động không quá nhiều và quá lâu lên môi trường kinh doanh. Trong 6 quý kể từ khi Mỹ cắt giảm thuế, đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp đã tăng trưởng 4,4% (điều chỉnh theo năm), so với mức 4,7% của 6 quý trước thời điểm giảm thuế.
Các doanh nghiệp đã dùng số tiền dôi ra để chia cho các cổ đông thay vì tái đầu tư. Và dữ liệu từ Cục thống kê cho thấy 1 tác dụng không mong muốn nhưng khá dễ đoán: người giàu lại càng giàu thêm.
Giá dầu mới là yếu tố quyết định
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc (và ông Trump cũng phát động chiến tranh thương mại với nhiều nước khác) không phải là nguyên nhân lớn nhất khiến kinh tế Mỹ chậm lại. Thuế và sự bất ổn có thể khiến bầu không khí thêm ngột ngạt, nhưng tác động lên GDP là rất nhỏ. Nguyên nhân lớn nhất nằm ở phản ứng với giá dầu giảm.
Trong quý II, đầu tư của doanh nghiệp giảm 1%. Đây là quý giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2016, khi giá dầu thấp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong hoạt động khoan dầu.
Điều tương tự đang diễn ra. Đầu tư vào các mỏ dầu và các cơ sở khai thác khác đã giảm 7,7% trong năm qua vì giá dầu giảm từ 70 USD xuống còn hơn 50 USD. Năm 2018, khi giá dầu tăng, đầu tư cũng tăng 14%.
Điều đó có nghĩa là giá dầu có tác động lớn hơn đến sự trồi sụt của hoạt động đầu tư nếu so với chính sách cắt giảm thuế. Nói như Alexander Arnon của Penn-Wharton Budget Model, giá dầu là nhân tố chính quyết định lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của ông, việc giá dầu tăng từ mức 50 USD tại thời điểm cuối năm 2017 lên 70 USD vào cuối năm 2018 lý giải làn sóng đầu tư tăng trưởng trong năm 2018. Điều ngược lại diễn ra khi giá dầu giảm từ hơn 100 USD năm 2014 xuống còn gần 30 USD năm 2016.
Tất cả những câu chuyện kể trên cho thấy làm cho nền kinh tế vĩ đại trở lại là việc không hề dễ dàng. Kể cả khi đó là đợt cắt giảm thuế trị giá 1.000 tỷ USD và ngân sách thâm hụt nặng thì nền kinh tế cũng chỉ có thể lóe sáng trong chốc lát mà thôi.
theo Market Watch