Kinh nghiệm xương máu từ vùng dịch

Cuộc gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 18/10, không chỉ có những lời cảm ơn tri ân mà còn là cuộc báo cáo những kinh nghiệm xương máu của những thầy thuốc về từ vùng tâm dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt thứ 4.

Những thầy thuốc không nói nhiều về mình. Họ đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường; không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng.

Một trong những bài phát biểu đáng chú ý là của bác sĩ (BS) Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, GĐ BV Hồi sức cấp cứu Bình Dương. Ông cảnh báo đáp án cho câu hỏi “hệ thống y tế của các tỉnh đã qua làn sóng dịch thứ 4 cần phải làm gì?” là vô cùng khó, không giống nhau vì mỗi tỉnh có vị trí khí hậu, mật độ dân số, độ phủ vaccine… khác nhau.

Như tại Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số, số lượng ca mắc trong cộng đồng có lúc lên tới 5.000 – 6.000 ca mỗi ngày, trong khi chỉ có BV Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 với 30 giường thở máy. Thế nhưng tỷ lệ tử vong tại Bình Dương vẫn thấp hơn tại TP HCM.

Theo một số ý kiến, không phải vì nơi này chống dịch giỏi hơn nơi kia, mà chỉ vì lý do… may mắn. Nguyên nhân đến từ thực tế dân số Bình Dương là dân số rất trẻ, cả triệu công nhân trong độ tuổi sung sức nhất từ khắp các tỉnh, thành về làm việc sinh sống, nên sức tự đề kháng, sức tự chống chịu trước Covid-19 cực cao.

Từ kinh nghiệm sau những tháng ngày trực tiếp đối mặt với COVID-19, BS Hiếu có một số đề xuất táo bạo:

Thứ nhất, xoá bỏ các khu cách ly tập trung, hình thành mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà theo cấp xã, khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp.

Thứ hai, tách đôi BV với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19.

Thứ ba, khu điều trị COVID-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và Khu hậu Covid-19. Bộ máy nhân sự y tế cần được chính thức bổ nhiệm, lương thưởng rõ ràng, cơ chế tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Thứ tư, cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Thứ năm, chú trọng tiêm vaccine. Thứ sáu, tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Thứ bảy, “nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 chỉ như cúm mùa, vậy sao ta phải sợ?”.

BS Hiếu cho rằng: “Bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn bất cập, từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề”.

Cũng vẫn lời BS Hiếu: “Qua dịch COVID-19, chúng ta đã thấy được những giá trị cốt lõi của con người, đó là sự đùm bọc, che chở nhau trong hoạn nạn”.

Những thầy thuốc chân chính không nói nhiều về mình. Có thể không cần báo công, quan trọng nhất là làm sao đừng để có những mất mát như đã xảy ra. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu ngắn gọn, lực lượng y tế tham gia chống dịch đã “có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được. Phần thưởng lớn nhất là truyền thống của ngành Y được nhân dân ghi nhận”.

 

Theo Minh Khang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/kinh-nghiem-xuong-mau-tu-vung-dich-d168935.html