Đây là ý kiến của ĐBQH Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội diễn ra ngày 31/5.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục tiến hành Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Tại phiên thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Toàn cảnh phiên họp ngày 31/5. Ảnh quochoi.vn
Kiến nghị miễn học phí và tiền ăn trưa cho học sinh mầm non vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn
Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho biết, hiện nay trẻ mẫu giáo 3 – 6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ tiền ăn trưa và miễn học phí theo quy định. Nhưng trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xác đặc biệt khó khăn để cha mẹ các em yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)
Đại biểu cũng cho rằng, tăng trưởng những tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu chững lại, gây áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Theo đại biểu, bên cạnh nguyên nhân Chính phủ đã nêu có nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đó là một số nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội thực hiện chưa tốt, trong đó chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục hồi và phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái)
Về chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, hiện nay, nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên Tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước…
Các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030. Đội ngũ giáo viên này đảm bảo đạt được kết quả theo quy định. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tháo gỡ vướng mắc về PCCC
Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đại biểu cho rằng, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023, bình quân 1 tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.
Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy, giai đoạn này, doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà roát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí,…
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Tường Vân
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/kien-nghi-mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-mam-non-vung-dac-biet-kho-khan-d194309.html