So với các ngành kinh tế, ngành dịch vụ thương mại đang có sự phục hồi mạnh mẽ và duy trì được đà tăng trưởng cao từ những tháng cuối năm 2022 đến nay. Đặc biệt những tháng đầu năm đang là cao điểm của dịch vụ du lịch Ninh Bình, do đó Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm soát thị trường, nhất là đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm về gian lận thương mại.
Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, các mặt hàng thiết yếu cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống các cửa hàng tiện ích tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng, tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với mặt hàng xăng dầu, mặc dù có những thời điểm biến động bất thường nhưng không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tạo khan hiếm hàng, không phát sinh vấn đề nổi cộm. Đến nay, các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã hoạt động bình thường, không còn hiện tượng khan hiếm nguồn cung, thị trường thông suốt phục vụ sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Ông Phan Thế Anh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để đảm bảo ổn định thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, Cục quản lý thị trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết và lễ hội; kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo ATVSTP…
Qua đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra 186 vụ vi phạm về gian lận thương mại trong quý I năm 2023, Cục đã xử lý 172 vụ thuộc thẩm quyền; tổng số tiền thu phạt đạt trên 3 tỷ đồng.Trong đó, phát hiện, xử lý 1 vụ vi phạm đối với hành vi phạm kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; 33 vụ kinh doanh hàng nhập lậu các mặt hàng như: mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em…; xử lý 5 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ chủ yếu về các mặt hàng: quần áo, giầy thể thao; phát hiện và xử lý 15 hành vi vi phạm không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; xử lý 3 hành vi vi phạm về ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; phát hiện và xử lý 1 hành vi vi phạm về kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị; 124 vụ vi phạm chủ yếu là các hành vi vi phạm quy định dấu hợp quy; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;…
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch thường niên, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với các mặt hàng trọng điểm như mặt hàng thuốc lá và xăng dầu. Qua đó đã kiểm tra 2 vụ, xử lý 1 vụ, phạt tiền 2.000.000 đồng, tịch thu 10 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu 555 Gold về hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Đối với mặt hàng xăng dầu đã kiểm tra 8 vụ, xử lý 3 vụ, phạt tiền 110.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 54.236.336 đồng về các hành vi thương nhân phân phối xăng dầu có hành vi bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối, ngừng bán hàng không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Từ đầu năm đến nay Cục Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ thị trường xăng dầu đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các Đội Quản lý thị trường đã kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tổ chức cho các cơ sở ký cam kết “Không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không tái phạm”. Số lượng các cơ sở ký cam kết là 139 cơ sở, đồng thời giám sát các cơ sở đã ký cam kết.
Để ổn định thị trường, nhất là trong thời gian cao điểm của ngành du lịch Ninh Bình, ông Phan Thế Anh nhấn mạnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra nhằm đấu tranh chống các hành vi như: vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác. Chú trọng kiểm tra các mặt hàng: Điện tử, điện lạnh, quần áo, chăn ga gối đệm phục vụ nhân dân trong những tháng cuối năm, thuốc lá nhập lậu, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc tân dược…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết và tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Với sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và Cục Quản lý thị trường tỉnh nói riêng, hàng hóa trên thị trường Ninh Bình, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người đã được đảm bảo từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kiem-soat-chat-che-thi-truong-dam-bao-quyen-loi-nguoi-tieu/d20230406151324868.htm