Kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm – Kỳ 1: Ngăn bệnh sợ trách nhiệm

Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa bước vào nhiệm kỳ 2020 – 2025 với những thách thức rất lớn đến từ việc hàng loạt cán bộ nhiệm kỳ trước bị kỷ luật; nền kinh tế tăng trưởng âm do đại dịch Covid-19. Vậy nhưng sau gần 4 năm, toàn tỉnh đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo bệ phóng vững chắc cho khát vọng phát triển. Đây chính là dấu ấn từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên. 

Kỳ 1: Ngăn bệnh sợ trách nhiệm

Sau khi hàng loạt cán bộ bị khởi tố, tâm lý “chim sợ cành cong” đâu đó đã len lỏi vào tâm thế của nhiều cán bộ. Công việc ở một số sở, ngành và địa phương bị đình trệ vì tư tưởng sợ sai. Ngay lập tức, Thường trực Tỉnh ủy đã có những biện pháp “giải tỏa” kịp thời.

Tạo niềm tin cho cán bộ

Khi năm 2024 chuẩn bị kết thúc cũng là lúc Đảng bộ tỉnh nhìn lại gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong gần 4 năm, tỉnh đã đạt được hàng loạt cột mốc và dấu ấn lớn chưa từng có, với Nghị quyết số 09 Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng như việc thông qua các quy hoạch, tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư đã tạo nên tiếng vang rất lớn. Điều này tạo bệ phóng vững chắc cho sự bứt phá của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toàn kiển tra công trình đường bộ cao tốc Vân Phong – Nha Trang.

Tuy nhiên, để có được những kết quả như vậy, ít ai biết rằng, ngay ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ, hầu như không khí làm việc ở các sở, ngành đều hết sức căng thẳng. Sau hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, những công việc quan trọng hầu như không lãnh đạo nào dám giải quyết ngay. Một việc bình thường cũng có thể mất thời gian cả tháng vì phải đưa ra tập thể họp biểu quyết hoặc có văn bản xin ý kiến cấp trên. Điều này tạo tâm lý sợ sai dây chuyền, công việc bị đình trệ. Cùng với đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong công việc, vẫn còn hiện tượng cán bộ thiếu chủ động, tự giác trong nghiên cứu giải quyết, tham mưu. Đôi khi còn có tình trạng chờ văn bản giao việc hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị khác. Tại cuộc họp với Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam (thời điểm đó là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã thẳng thắn chia sẻ: “Sau khi có kết quả của thanh tra, kiểm tra, anh em cán bộ như chim sợ cành cong, ai cũng sợ sai. Việc gì cũng xin ý kiến cấp trên. Nếu Thường trực Tỉnh ủy không có biện pháp trấn an công việc sẽ ùn ứ; cán bộ không yên tâm làm việc”.

Lãnh đạo tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng về quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm.

Xác định, nếu để tình trạng “sợ trách nhiệm” kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo, lãnh đạo tỉnh đã tập trung rà soát những bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn; cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Để trấn an tư tưởng của cán bộ, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và động viên tinh thần làm việc của cán bộ, đảng viên. Còn nhớ, việc đầu tiên của nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, (nay là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) khi mới luân chuyển về tỉnh là đến làm việc trực tiếp từng sở, ngành quan trọng của tỉnh. Qua đó, một mặt ông nắm bắt được các “điểm nghẽn” trong chỉ đạo, điều hành công việc chung của các sở ngành, một mặt khích lệ, động viên cán bộ trong công việc. Ông Nguyễn Hải Ninh khẳng định: “Có làm sẽ có sai, chỉ có không làm mới không sai. Nếu tất cả vì cái chung, vì sự phát triển của tỉnh, vì lợi ích của nhân dân thì không có gì phải sợ”.

Lãnh đạo tỉnh tham dự lễ chào cờ tháng 9.

Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai, cụ thể hóa chủ trương của Đảng nhằm giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện Kết luận 14. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn tổ chức chương trình gặp mặt các cán bộ điều động, luân chuyển để trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trong quá trình công tác với các cấp lãnh đạo. Để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó khăn thì cách nhìn nhận, đánh giá cán bộ cũng được Tỉnh ủy triển khai phù hợp; xóa tư tưởng “an phận” vì “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận công chức, viên chức. Từ đó, giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng nếu mình hành động vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng đắn.

Ông Hà Quốc Trị – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm, thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện chặt chẽ, khách quan, đúng quy định, đặc biệt chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thực hiện nghiêm tinh thần phê và tự phê

Song song với việc khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, thực hiện nghiêm túc và thường xuyên việc tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm. Trong đó, các cấp ủy đều thực hiện việc gợi ý nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể, cá nhân cán bộ diện cấp ủy quản lý. Tập thể, cá nhân cán bộ có nội dung gợi ý kiểm điểm tự phê bình và phê bình đều phải báo cáo giải trình trước khi tiến hành kiểm điểm. Nội dung gợi ý kiểm điểm tập trung vào công tác quản lý đất đai, xây dựng, khoáng sản ở địa phương. Sau kiểm điểm, căn cứ các hạn chế, khuyết điểm đã được các tập thể, cá nhân nhìn nhận, đánh giá, hầu hết các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy đã ban hành kế hoạch để khắc phục, xác định, phân công rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cơ quan liên quan, đề ra lộ trình cụ thể để sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm. Lấy kết quả việc thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm làm tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm tiếp theo của các tập thể, cá nhân.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thường kỳ và xem xét kỷ luật cán bộ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ nặng nề của mình trong việc triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 55 của Quốc hội. Chưa bao giờ tỉnh phải giải quyết một khối lượng công việc lớn như vậy. Do đó, đây là giai đoạn cần phải thay đổi tư duy, lề lối làm việc. Để thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần tự giác và có trách nhiệm với công việc.

Trong nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các địa phương để có những chỉ đạo kịp thời.

Bên cạnh đó, Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phải tăng cường chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, tuyệt đối không được buông lỏng quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Địa phương nào để xảy ra sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Trong đó điển hình là việc xử lý trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ huyện Cam Lâm vì đã để xảy ra những vi phạm trong việc hiến đất, phân lô tách thửa, tạo sự quan tâm đặc biệt đối với dư luận. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025; cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 – 2021; cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với bà Lê Phạm Thùy Ngân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị Tỉnh ủy trình cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lương Dự – nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm; ông Nguyễn Hữu Hảo – Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020 – 2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, chú trọng cải tiến quy trình, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Qua đó, đã phát huy được trí tuệ, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự lan tỏa trong các cơ quan của hệ thống chính trị tỉnh. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Trung ương và thực tiễn công tác của địa phương.

Một cuộc họp của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Mối quan hệ công tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND, Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng như với các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng và các cơ quan tham mưu Tỉnh ủy ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ, kỷ cương, đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động trong Đảng bộ và của cả hệ thống chính trị tỉnh.

Theo ông Nguyễn Khắc Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý qua kết quả thực hiện nhằm nâng cao tinh thần chủ động, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của tỉnh. Quy định này sẽ góp phần tháo gỡ, giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp, khó khăn ở cơ quan, đơn vị, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực; đồng thời, sẽ từng bước đổi mới công tác đánh giá cán bộ, trên cơ sở tham khảo thông tin thực chứng về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, sẽ thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ, phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, đưa công tác cán bộ đi vào thực chất, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong đó, có chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị định số 73 của Chính phủ để áp dụng thực hiện trong khối Nhà nước tại tỉnh.

ĐÌNH LÂM – VĂN KỲ

Nguồn Báo Khánh Hòa:https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202409/kich-hoat-tinh-than-dam-nghi-dam-lam-faa21f3/