Phải nói thật vô cùng khó tin khi tới tận bây giờ Không quân Mỹ hóa ra vẫn đang giữ những chiếc tiêm kích MiG-21 huyền thoại trong kho vũ khí.
Theo trang web cơ hội kinh doanh liên bang, Không quân Mỹ đang có kế hoạch chuyển một trong những máy bay chiến đấu MiG-21 do Liên Xô sản xuất tới Bảo tàng hàng không ở căn cứ Robins.
Các nội dung được đăng trên website cho biết, Không quân Mỹ đang tìm kiếm một nhà thầu di dời chiếc máy bay từ căn cứ quân đội Mỹ tại Aberdeen (bang Maryland) tới căn cứ Robins.
Cũng theo yêu cầu từ Không quân Mỹ, các nhà thầu phải đảm bảo rằng các thành phần hệ thống, linh kiện không được phép bị cắt, hư hỏng trong quá trình tháo, vận chuyển và ráp lại.
Sau khi được đưa tới căn cứ Robins, Không quân Mỹ yêu cầu phía nhà thầu phải thực hiện lắp ráp lại hoàn chỉnh chiếc máy bay với đầy đủ chức năng.
Ngoài việc bàn giao chiếc MiG-21, Không quân Mỹ cũng chuyển cho bảo tàng hàng không Robins máy bay cường kích hạng nhẹ A-7D Corsair.
Đây là thông tin tương đối bất ngờ vì hóa ra suốt chừng ấy năm Không quân Mỹ vẫn còn lưu giữ những chiếc tiêm kích MiG-21 mà họ có được từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới phục vụ hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm tìm cách đối phó.
Hiện vẫn chưa rõ chiếc tiêm kích MiG-21 mà họ sắp chuyển giao cho bảo tàng có được từ nguồn nào.
MiG-21F-13 trong “biên chế” Không quân Mỹ.
Theo các tài liệu được giải mã sau này, những năm 1960, hàng chục chiếc MiG-21 đã được Không quân Mỹ mua từ nhiều nguồn bí mật.
Ví dụ, năm 1967, trong cuộc chiến tranh 6 ngày, 6 chiếc tiêm kích MiG-21 của Algeria bị Israel “bắt sống” ngay tại sân bay Ai Cập. Bốn trong 6 chiếc MiG sau đó được Israel gửi tới Mỹ.
Không quân Israel cũng bàn giao cả chiếc MiG-21F-13 “007” nổi tiếng mà họ có được trong chiến dịch Have Doughnut đánh cắp từ Không quân Iraq gây chấn động thời bấy giờ.
Ít nhất 13 chiếc MiG-21F13 đã được Không quân Mỹ mua từ Indonesia vào đầu những năm 1970.
Năm 1978, Không quân Mỹ tiếp tục mua thêm ít nhất 16 chiếc MiG-21MF từ Ai Cập theo chương trình CONSTANT PEG.
Năm 1986, khoảng một tá MiG-21 tiếp tục được nhập từ Trung Quốc (có thể là phiên bản J-7) và Indonesia.
Những chiếc MiG-21 dĩ nhiên được Mỹ mổ xẻ, nghiên cứu, huấn luyện không chiến giả định một cách tỉ mỉ nhằm tìm ra điểm yếu để đối phó với các máy bay MiG của KQND Việt Nam. “Đối thủ” đã khiến người Mỹ “nóng mặt và nhiều phen “xấu hổ” suốt từ 1965 đến tận 1972.
Video Không quân Mỹ bay thử nghiệm tiêm kích MiG-21 những năm 1960-1970