Không phải 5 tỷ USD tiền phạt, đây mới là điều Facebook lo sợ nhất

Facebook không thiếu tiền nhưng các điều khoản trong thỏa thuận kèm theo giữa mạng xã hội này với Ủy ban Thương mại Mỹ mới là thứ có thể gây nguy hiểm với công ty về sau này.

Ủy ban Thương mại Mỹ FTC mới đây đã bỏ phiếu phạt Facebook 5 tỷ USD, do kết quả của cuộc điều tra kéo dài về vi phạm quyền riêng tư của mạng xã hội này, liên quan tới vụ bê bối Cambridge Analytica hồi tháng 3 năm ngoái. Con số 5 tỷ USD này sẽ lập kỷ lục về khoản tiền phạt lớn nhất từng được áp dụng đối với một công ty công nghệ. Đơn vị giữ kỷ lục trước là Google, với khoản tiền phạt 22,5 triệu USD năm 2012.

Nhưng một khoản tiền phạt hàng tỷ USD sẽ không gây tác động nhiều tới Facebook. Bởi công ty này đã thu về hơn 15 tỷ USD trong quý vừa qua. Như vậy số tiền phạt chỉ tương đương với một tháng kinh doanh. Chưa kể công ty vẫn luôn có 45 tỷ USD tiền mặt trong tay. Mặt khác, con số này cũng tương đương 9% tổng doanh thu của năm 2018 , được ghi nhận ở mức 55,83 tỷ USD.

Trên thực tế, Facebook từ lâu đã chuẩn bị cho khoản tiền phạt khổng lồ này, Hồi đầu năm nay công ty tuyên bố đã chuẩn bị 3 tới 5 tỷ USD để đối phó với bất cứ khoản phạt nào từ FTC. Có thể nói câu chuyện phạt tiền khổng lồ này có thể làm rung chuyển bất kỳ một công ty nào khác, ngoại trừ Facebook. Cổ phiếu của mạng xã hội thậm chí đã tăng một chút sau khi các báo cáo được đưa ra.

Nhưng, quyết định của FTC không chỉ có đơn giản như vậy. Nó có một điểm mấu chốt nghiêm trọng được áp đặt như một phần của thỏa thuận. Theo WSJ, tồn tại một thỏa thuận dự kiến ​​sẽ bao gồm các hạn chế khác của chính phủ về cách Facebook đối xử với quyền riêng tư của người dùng. Tất nhiên các chi tiết cụ thể vẫn chưa được hé lộ rõ ràng.

Không phải 5 tỷ USD tiền phạt, đây mới là điều Facebook lo sợ nhất - Ảnh 1.

FTC từng đề nghị Mark Zuckerberg phải “chịu trách nhiệm cá nhân” về bê bối của Facebook.

Các báo cáo trước đây đã gợi ý rằng một số thành viên FTC muốn buộc Mark Zuckerberg phải “chịu trách nhiệm cá nhân” về hành động của Facebook. Đây được xem là một kiểu khiển trách đặc biệt và khá hiếm hoi, áp dụng đối với một CEO vốn từ lâu đã nổi tiếng là nhạy cảm về các hình ảnh công khai trước công chúng. Ngoài ra, các rò rỉ trước đó liên quan tới cuộc điều tra cho thấy ủy ban có thể yêu cầu Facebook từ nay về sau phải cho phép liên bang hoặc FTC được quyền phê duyệt, hoặc chấp thuận trước khi ra mắt một sản phẩm mới.

Nếu có, những đề xuất đó sẽ là một phần của thỏa thuận cuối cùng và các quy tắc này có thể có tác động sâu vào hoạt động của công ty. Facebook từng hoạt động theo phương châm “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”, nhưng nếu bị đeo lên chiếc gông xiềng kiểm soát này, các kế hoạch triển vọng của công ty sẽ luôn bị trì hoãn. Đó là còn chưa kể tới sự giám sát của chính phủ, thứ mà Zuckerberg tuyên bố sẽ “luôn hoan nghênh”.

Và nếu không có gì khác, hãy nhớ rằng không có gì ngăn FTC mở một cuộc điều tra khác trong tương lai, nếu đảm bảo được các điều kiện và bằng chứng phù hợp.

Tham khảo Business Insider