Tạo áp lực cho con trẻ là cần thiết, nhưng đừng khiến chúng trở nên bị lao lực tinh thần làm cho tâm hồn trở nên bị khuyết tật và dễ dàng chọn cái kết tiêu cực để giải phóng bản thân.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Những đứa trẻ có ước mơ và hoài bão của riêng mình. Chúng sẽ thế nào khi ước mơ ấy bị dẫn dắt một cách quá mức bởi người lớn? Tôi từng đọc tự truyện của một chủ hiệu bánh nổi tiếng có đoạn viết rằng: Mình vô tình đọc nhật ký của mẹ. Mẹ mong rằng mình sẽ đậu vào trường đại học danh tiếng. Mẹ giống nhiều người lớn khác, luôn mong muốn điều phi thường. Nhưng mình phải xin lỗi mẹ thôi. Mẹ đã bao giờ biết khả năng thật sự và mong muốn đích thực của mình chưa? Mình muốn trở thành một thợ làm bánh.
Trong tự truyện cậu bé mà sau này là chủ hiệu bánh nổi tiếng cho biết đã phải đấu tranh như thế nào để không phải đi thi đại học, để được học nghề, mà lại là nghề làm bánh, ở đó người thợ thường là nữ.
Để được học nghề, cậu đã phải nhiều đêm chầu chực ở lò bánh, nài nỉ chủ tiệm bánh xin làm không công với đủ thứ việc để lén học nghề. Trong khi mẹ cậu ngày càng thất vọng, vỡ vụn ước mơ, thì cậu ngày càng nâng tay nghề làm bánh của mình lên. Cho đến một ngày cậu được tuyển vào một hiệu bánh nổi tiếng, rồi đoạt giải tại hội thi tay nghề, sau đó nhiều người đã đặt bánh cậu làm. Cậu thành công từ đó, rồi từng bước trở thành ông chủ. Nếu cậu tuân theo sự lựa chọn của mẹ, có lẽ cậu cũng sẽ tốt nghiệp một trường đại học nào đó, nhưng có thể chỉ trong vai trò một người làm công, thậm chí là không xin được việc làm.
Cậu đã thành công bằng sự lựa chọn kiên định của mình. Thế nhưng trong cuộc sống không phải đứa trẻ nào cũng may mắn thành công với con đường riêng theo ước mơ của mình. Mâu thuẫn thường xảy ra bởi người lớn luôn có những ước mơ của người lớn, còn con trẻ thì lại muốn sống đúng với suy nghĩ của mình, và đã có những cái kết buồn.
Những ngày gần đây liên tục xuất hiện thông tin về học sinh tự tử, những đứa trẻ bỏ nhà ra đi để lại thư cho người lớn với nội dung không vượt qua được áp lực, kỳ vọng mà người lớn đặt ra, nhất là trong chuyện học hành.
Tạo áp lực cho con trẻ là cần thiết, nhưng đừng khiến chúng trở nên bị lao lực tinh thần làm cho tâm hồn trở nên bị khuyết tật và dễ dàng chọn cái kết tiêu cực để giải phóng bản thân. Những sự việc đau lòng liên tục đến trong ít ngày qua là sự xót xa đến tột độ cho gia đình, nhà trường và cả xã hội. Nhưng trong cái mất có cái được, bên cạnh nỗi đau, chúng ta nhận được nhiều lời thức tỉnh, cảnh báo.
Hãy chọn áp lực phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, lứa tuổi, thì mới biến áp lực thành động lực được. Thay cho việc lựa chọn thay con, hãy định hướng cho chúng nên làm gì. Bởi những đứa trẻ khác nhau thì tính cách, năng lực, phẩm chất cũng sẽ khác nhau. Chúng đâu được sinh ra như những sản phẩm đồng loạt từ máy móc để có công năng giống nhau, sức chịu đựng giống nhau và cái đích đến giống nhau. Một xã hội phát triển sẽ có nhiều ngành nghề và từng ngành nghề lại phù hợp với từng cá nhân, chứ không phải con nhà người ta làm được mà tại sao con mình lại không.
Trang bị kiến thức và kỹ năng cho con trẻ để chúng tự lựa chọn con đường phù hợp cho mình sẽ tốt hơn rất nhiều sự áp đặt. Đó là điều cha mẹ nên làm khi mà các em đang chuẩn bị bắt đầu bước vào một mùa tuyển sinh đại học và trung học phổ thông.
Hạnh Nhiên
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/khong-lua-chon-thay-con/184893.htm