Không ký hợp đồng lao động: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Bước sang độ tuổi trung niên hoặc vì lý do cá nhân, nhiều lao động lựa chọn không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) để hưởng mức lương cao khi làm thời vụ.  Tuy nhiên, đây chỉ là cái lợi trước mắt; về lâu dài họ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi không tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước.

Chọn làm thời vụ để có lương cao theo ngày

Mới đây, chị Nguỵ Thị H. (SN 1995), xã Tư Mại (Yên Dũng) đến bộ phận giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để hỏi về thủ tục hưởng trợ cấp khi mất việc làm. Tuy nhiên, chị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách bởi không có HĐLĐ.

Cán bộ công đoàn phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật lao động cho công nhân Công ty TNHH Sungwoo Vina (KCN Đình Trám).

Được biết, sau 3 năm làm việc ở một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời ở KCN Vân Trung thì chị lập gia đình. Giữa năm 2022, chị H sinh con, công ty cũng ít việc, thu nhập giảm nên chị xin nghỉ việc để tìm công việc mới gần nhà hơn. Theo lời bạn bè giới thiệu, chị xin vào làm thời vụ tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Hằng ngày, chị làm việc trong dây chuyền sản xuất như các công nhân chính thức khác, tiền công được trả theo ngày với mức 300 nghìn đồng/ngày.

Khi được hỏi vì sao lựa chọn không ký HĐLĐ, chị H chia sẻ: “Vì điều kiện gia đình nên tôi chưa chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với một DN nào. Làm ngày nào hưởng ngày ấy, lại được trả lương cao, không phải trừ tiền đóng BHXH như bây giờ cũng tốt. Vì thế, dù bộ phận nhân sự công ty hướng dẫn ký hợp đồng ngắn hạn hoặc dài hạn, tôi vẫn chọn làm thời vụ”.

Cũng có chung lựa chọn như chị H, chị Nguyễn Thị L. (SN 1982), quê ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ hiện làm thợ phụ (cắt chỉ, dọn dẹp) tại một DN may trên địa bàn huyện Yên Dũng. Mức lương chị đang hưởng là 320 nghìn đồng/ngày, tiền công tăng ca sẽ thỏa thuận trực tiếp. Đến nay, chị đã “nhảy” việc qua một số công ty với các công việc thời vụ khác nhau mà không ký bất kỳ HĐLĐ nào. DN tiếp nhận cũng không vi phạm quy định khi chỉ nhận lao động thời vụ như chị L vào làm việc trong thời hạn dưới 30 ngày (không phải ký HĐLĐ, lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc) để thực hiện các đơn hàng gấp.

Chị L cho biết, hai vợ chồng đến Bắc Giang làm công nhân được hơn 3 năm thì trong một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cùng cố gắng bám trụ để có thêm thu nhập, gửi về quê nuôi các con, chồng chị thì gắn bó với một DN trong KCN Song Khê – Nội Hoàng, còn chị chấp nhận việc không được đóng bảo hiểm hay hưởng các chế độ liên quan để nhận mức lương cao theo ngày. Hơn nữa, ở độ tuổi ngoài 40, lại không có bằng cấp nên chị sẽ khó tìm được công việc ổn định, phát sinh tâm lý “ăn xổi”.

Đừng tự đánh mất quyền lợi cá nhân

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội(LĐTBXH), tính đến hết năm 2022 (hiện nay chưa đến kỳ tổng hợp), toàn tỉnh có hơn 19,5 nghìn lao động thời vụ do DN cho thuê lại lao động cung ứng. Số lao động này đang làm việc trong 195 DN thuê lại lao động (108 DN trong tỉnh, còn lại ngoài tỉnh). Lao động thời vụ hầu hết làm việc trong lĩnh vực gia công, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông; thời hạn hợp đồng chủ yếu dưới 6 tháng (hơn 19,2 nghìn người); thu nhập bình quân của NLĐ đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 25 DN cho thuê lại lao động được cấp phép. Hằng năm, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Sở tổ chức kiểm tra 10 đơn vị. Các đơn vị cơ bản chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động cho thuê lại lao động, nhất là việc ký kết HĐLĐ.

Từ nhiều năm nay, Sở cũng không tiếp nhận thông tin khiếu nại nào của lao động về tình trạng DN tiếp nhận NLĐ vào làm việc nhưng không ký HĐLĐ nhằm trốn đóng BHXH và một số nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, với những người lựa chọn làm thời vụ trong thời gian dưới 30 ngày để nhận ngày công cao thì họ đang vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua nhiều quyền lợi lâu dài nếu làm việc có thời hạn, được ký HĐLĐ. Đó là chưa kể đến hậu quả khi lao động “nhảy” việc, gây mất cân bằng cung-cầu trong thị trường lao động.

Từ ngày 1/1/2021, khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thì không còn hợp đồng thời vụ như trước đây. Mọi quan hệ lao động với công việc dưới 36 tháng đều phải giao kết bằng HĐLĐ xác định thời hạn, kể cả những công việc chỉ thực hiện trong một vài tháng.

Từ ngày 1/1/2021, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thì không còn hợp đồng thời vụ như trước đây. Mọi quan hệ lao động với công việc dưới 36 tháng đều phải giao kết bằng HĐLĐ xác định thời hạn, kể cả những công việc chỉ thực hiện trong một vài tháng. Căn cứ Điều 2, Luật BHXH và Điều 43, Luật Việc làm, NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì hằng tháng sẽ phải dành 1,5% tiền lương để đóng BHXH, 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

Nếu chỉ ký từ 1 – dưới 3 tháng thì NLĐ vẫn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý sản xuất, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu), từ nhiều năm nay, DN không sử dụng lao động thời vụ bởi lao động có tư duy làm việc tạm thời, hết ngày nhận tiền, đi làm không đều.

Thực tế hiện nay, còn nhiều công nhân chọn làm thời vụ, không ký kết HĐLĐ vì được hưởng trọn tiền lương, không phải trích đóng các khoản bảo hiểm. Về lâu dài, họ chịu nhiều thiệt thòi khi không được hưởng các chính sách từ quỹ bảo hiểm, các khoản trợ cấp của DN cũng như công đoàn, chưa kể đến nếu không may gặp tai nạn lao động thì cũng không được hưởng quyền lợi nào.

Các chính sách hỗ trợ của nhà nước hai năm gần đây như giúp đỡ công nhân mất việc, tạm hoãn hợp đồng do dịch bệnh, gói hỗ trợ tiền thuê trọ… cũng chỉ chi trả cho nhóm lao động chính thức, có tham gia BHXH. Để khắc phục tình trạng này, tổ chức công đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng đến các khu nhà trọ, trong DN để mỗi NLĐ nhận thức, hiểu biết pháp luật, tránh tự đánh mất quyền lợi cá nhân khi không ký HĐLĐ.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, sở chủ động phối hợp với các ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong DN, tập trung vào nhóm DN cho thuê lại lao động; đề xuất xử phạt hoặc xử phạt theo thẩm quyền nếu phát hiện DN vi phạm, nhất là với hành vi không ký HĐLĐ với lao động làm việc từ 1 tháng trở lên nhằm trốn đóng BHXH.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/xa-hoi/402271/khong-ky-hop-dong-lao-dong-loi-truoc-mat-thiet-lau-dai.html