Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Thực hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ hệ sinh thái và tạo lập môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân. 

Minh chứng lớn nhất cho chủ trương đúng đắn của tỉnh trong chiến lược hành động vì môi trường sạch đó là 4 Nhà máy đốt rác phát năng lượng đang dần hiện hữu, trong năm 2023 này sẽ chính thức đi vào hoạt động, giải quyết hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và lượng chất thải tồn đọng nhiều năm ngoài môi trường ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, xử lý triệt để các loại chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải trong chăn nuôi. Các huyện Yên Phong, Tiên Du và thành phố Từ Sơn đầu tư được một số lò đốt công suất nhỏ để xử lý cấp bách một phần rác thải sinh hoạt của địa phương và khu vực lân cận khi không có khu xử lý chất thải tập trung. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Các phong trào làm sạch ruộng đồng, làm sạch đường làng ngõ xóm; chống rác thải nhựa; toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình, sử dụng vi sinh bản địa IMO… được phát động mạnh mẽ và đi vào nền nếp, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, là tiền đề để xây dựng Nông thôn mới văn minh.
Hiện tại, cơ bản các điểm tập kết rác thải tại các địa phương được áp dụng các biện pháp đánh đống, phun chế phẩm vi sinh, hạn chế phát tán mùi và dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Các địa phương được trang bị thùng chứa phân loại rác thải, thùng chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và rác thải đồng ruộng; lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực đô thị, nông thôn. Các KCN trong tỉnh đầu tư hệ thống xử lý nước thải bài bản, đạt chuẩn và bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững. Môi trường làng nghề, CCN làng nghề được quan tâm chỉ đạo, kiên quyết xử lý những tồn đọng ô nhiễm môi trường nhiều năm ở một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác phát năng lượng thị xã Thuận Thành.

 

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025 có sự chuyển biến tích cực của các cấp ủy Đảng, cán bộ và các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững 3 trụ cột Kinh tế- Môi trường- Xã hội, đáp ứng mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức cần cấp thiết giải quyết: Việc triển khai các Dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng chậm so yêu cầu đặt ra của tỉnh; ô nhiễm môi trường làng nghề còn nhiều nan giải; các Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê và làng nghề bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Hanaka chậm; công tác triển khai xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh trường học bị hư hỏng, xuống cấp chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế; chậm trong triển khai trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác nên việc ngăn ngừa phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh chưa thực sự hiệu quả; một số địa phương chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề…
Trước thực tế đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục duy trì hiệu quả các phong trào chống rác thải nhựa, làm sạch ruộng đồng, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO). Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung phát năng lượng; rà soát, bổ sung quy hoạch khu vực xử lý chất thải xây dựng cho mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 khu xử lý. Vận hành hiệu quả các điểm tập kết rác thải còn nhu cầu sử dụng; tiếp tục áp dụng biện pháp xử lý tại chỗ đối với điểm tập kết còn rác tồn đọng, tiến tới xử lý triệt để rác thải sinh hoạt ở điểm tập kết trong thời gian sớm nhất. Tập trung đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý; lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các CCN đã đi vào hoạt động. Bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng. Đặc biệt, cần tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ môi trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm, các cơ sở có nguồn thải lớn, xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn môi trường, dần hình thành lối sống xanh văn minh, hiện đại.

Hoài Anh

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-kinh-te/-/details/20182/khong-anh-oi-moi-truong-lay-kinh-te