“Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở, sự an toàn của trẻ em đều đặt cả vào tay người lớn”

Cũng như những người khác, họ không cho con mình học trường công lập vì muốn những điều tốt nhất, tiện nghi nhất, hiện đại nhất dành cho con. Nhưng trên cõi đời này, không có bất kì một nơi nào là an toàn tuyệt đối. Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đủ, tiện nghi, hiện đại đến mức mọi thứ đều có thể trở nên dễ dàng nhờ các loại dịch vụ.

Giáo dục cũng nằm trong số đó.

Những trường quốc tế mọc lên như nấm như một cuộc đua về giáo dục. Nhưng cuối cùng, những bậc phụ huynh vẫn phải có một cơn thót tim sau sự việc xảy ra với cháu bé 6 tuổi trường Quốc tế Gateway tử vong với nguyên nhân ban đầu được cho là bị bỏ quên trên xe chuyên chở tới trường.

Cậu bé đã chết, điều này không thể thay đổi được. Mọi phân tích, đánh giá, đổ lỗi cho bất kỳ ai cũng chỉ mang tính hình thức. Nỗi đau của người nhà cháu bé là không gì có thể so sánh, không lời nào có thể diễn tả nổi. Những phụ huynh khác nhìn vào sự việc mà giật mình quay ra nhìn con của mình, rà soát lại sự an toàn trong hệ thống trường nơi con đang học, bắt đầu hỏi nhau về những chiếc điện thoại gắn định vị dành cho trẻ nhỏ, chia sẻ những bài viết về kỹ năng sống, thoát hiểm trong không gian hay oto đóng kín… Họ có thể sẽ phải rùng mình khi nghĩ lại những trải nghiệm không hay nào đó từng xảy ra với con họ mà chỉ vì chút bất cẩn chủ quan, suýt nữa con họ cũng đã gặp nạn.

Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở, sự an toàn của trẻ em đều đặt cả vào tay người lớn - Ảnh 1.

Khi sự việc đau lòng xảy ra với người khác, phụ huynh mới giật mình nhìn lại sự an toàn của con mình.

Một sự việc đau lòng xảy ra, đau lòng thay nó phải làm cái chức năng bất đắc dĩ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người khác, lấy đó làm bài học, để cẩn thận hơn.

Khi bỏ ra một số tiền lớn để chọn một ngôi trường cho con, hẳn gia đình cháu bé đã phải nâng lên, đặt xuống, tìm hiểu rất nhiều. Không chỉ là tiền, nó còn là niềm tin. Cũng như những người khác, họ không cho con mình học trường công lập vì muốn những điều tốt nhất, tiện nghi nhất, hiện đại nhất dành cho con. Nhưng trên cõi đời này, không có bất kì một nơi nào là an toàn tuyệt đối. Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở. Như bao nhiêu điều khác trong cuộc sống này, mọi thứ chỉ là tương đối, có cái rủi ro ít, có thứ rủi ro nhiều. Trẻ con lại càng dễ gặp nguy hiểm nhất bởi thể lực còn kém, sức khỏe yếu, nhận thức và kĩ năng sống chưa phát triển hết, khả năng tự bảo vệ bản thân còn yếu. Nuôi con mới khó làm sao nên những bậc làm cha làm mẹ yêu thương con muốn giữ cho con an toàn thì chỉ có thể bằng cách sát sao, quan tâm bằng hết khả năng của mình.

Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở, sự an toàn của trẻ em đều đặt cả vào tay người lớn - Ảnh 2.

Muốn giữ cho con an toàn thì chỉ có thể bằng cách sát sao, quan tâm bằng hết khả năng của mình.

Chắc hẳn vẫn chưa nhiều người quên vụ việc thương tâm của bé N.L 9 tuổi sống tại Nhật cách đây 2 năm. Như bao trẻ em khác ở Nhật – một đất nước nổi tiếng bởi sự an toàn, với hệ thống giáo dục được đánh giá cao hàng top thế giới, cháu N.L cũng đi bộ một mình tới trường như bao bạn bè khác. Nhưng vào một ngày không may mắn, cháu bị bắt cóc, hãm hiếp, giết chết bởi chính người trong tổ giám sát học sinh đi học – hội trưởng hội phụ huynh của trường. Và những trường hợp như cháu cũng không phải chưa bao giờ xảy ra ở đất nước này.

Có nhiều người sẵn sàng bỏ hết công việc sang một bên để đưa đón con đi học bởi đơn giản là họ không thể tin bất cứ ai khác ngoài bản thân mình. Nhưng không phải ai cũng có thời gian đưa đón con đi học, sao sát trong mọi hoàn cảnh. Hơn nữa, những trường hợp như cháu bé 6 tuổi là gần như hy hữu, khi cả một hệ thống với 4 khâu chính đều đã… bỏ quên cháu cả một ngày trời.

Hàng ngày, vẫn có rất nhiều xe bus của các trường khác đưa đón trẻ em đi học an toàn. Và những sự việc đáng tiếc khác đã xảy ra với bất kì trẻ em nào từ sự thiếu cẩn thận của người lớn cũng không phải xác suất lớn. Nhưng nó vẫn xảy ra, không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới. Riêng ở Mỹ, cứ mỗi năm lại có 38 trẻ em chết vì bị bỏ quên trên xe oto.

Không có bất kì hệ thống nào không có kẽ hở, sự an toàn của trẻ em đều đặt cả vào tay người lớn - Ảnh 3.

Đôi khi chính chúng ta còn không thể tin vào bản thân mình thì không bao giờ nên trao hoàn toàn niềm tin cho những người khác đảm bảo sự an toàn cho con của mình.

Chỉ là qua sự việc thế này, người ta lại phải củng cố lại niềm tin của mình ở nơi mình đang gửi gắm con em hay đánh giá lại sự sao sát của mình đối với con cái. Một chân lý không thể chối cãi, đó là sự an toàn của trẻ em đều đặt cả vào tay người lớn. Cẩn tắc vô áy náy, mọi hành động kiểm tra, rà soát lại, theo dõi đều không thừa. Và người ta cũng sẽ phải hiểu rằng những đứa trẻ hạnh phúc nhất không phải những đứa được học ở trường đắt tiền nhất, mặc quần áo đẹp nhất, nhiều đồ chơi nhất. Những đứa trẻ hạnh phúc nhất là những đứa được cha mẹ, gia đình yêu thương, quan tâm, chăm sóc chu đáo nhất.

Dù trường quốc tế hay công lập, con còn nhỏ hay đã lớn, thì sẽ không thừa nếu chúng ta chỉ bỏ ra vài phút ngắn ngủi nhắn cho con một cái tin hỏi “Con đã vào lớp chưa?”. Ở một cảnh huống bao quát hơn, thì việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường hay cô giáo phụ trách nên được diễn ra thường xuyên. Cha mẹ luôn cần biết con mình đang ở đâu, làm gì và ở trường học, người có trách nhiệm cung cấp thông tin này ngoài cô giáo còn là cả một hệ thống đã được lên quy trình sẵn. Khi có sai lầm xảy ra, thì lỗi đều từ nhiều phía. Trong cuộc sống thường nhật bận bịu, và nhất là khi chẳng ai lại nghĩ tới những điều xấu xa có thể xảy tới với gia đình mình, nên sẽ không ít người không thấy những hành động, câu hỏi sát sao đó dành cho con là thực sự cần thiết.

Đôi khi chính chúng ta còn không thể tin vào bản thân mình thì không bao giờ nên trao hoàn toàn niềm tin cho những người khác đảm bảo sự an toàn cho con của mình. Bận thì ai cũng bận, nhất là trong xã hội hối hả này. Nhưng bận gì đi chăng nữa thì cũng chẳng điều gì quan trọng bằng con cái.