So với những người hướng ngoại, đối tượng đàn ông sở hữu tính cách hướng nội hay có tâm lý bất ổn có nguy cơ dễ rơi vào tình trạng nghiện game, thích được “chìm đắm” trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống ngoài đời
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rối loạn chơi game hay nghiện game là một rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi hành vi chơi dai dẳng, tái diễn, dù là trực tuyến hay ngoại tuyến, và được coi là một bệnh lý. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tình trạng nghiện game được cho là có liên quan tới đối tượng nam giới có tính cách hướng nội hoặc có tâm lý bất ổn.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại đại học Old Dominion và Đại học Antioch, New England, được công bố mới trên Journal of Addictions & Offender Counselin cho thấy, tình trạng nghiện game có sự khác biệt đáng kể so với nghiện rượu hay nghiện ma túy. Theo đó, các nhà khoa học chỉ ra rằng, nghiện game tác động tới một số phần khác nhau của não bộ con người và chỉ xảy ra với một vài đối tượng nhất định.
Để có được kết quả này, các nhà khoa học đã tập hợp một nhóm game thủ để tiến hành nghiên cứu. Những game thủ này sẽ phải thực hiện bài kiểm tra tính cách, hay các bài kiểm tra nhằm xác xác định họ có bị rối loạn khi chơi game hay không, đồng thời tìm hiểu xem điều gì thúc đẩy họ chơi game.
Kết quả, thông qua bài kiểm tra tính cách, các nhà khoa học đã phát hiện ra mối tương quan đặc biệt giữa bệnh nghiện game với những đối tượng có giới tính là nam, thuộc tuýp người sống nội tâm hoặc có một số bệnh lý về tâm thần. Nói cách khác, so với những người hướng ngoại, những người hướng nội hay tâm lý bất ổn có nguy cơ dễ rơi vào tình trạng “chìm đắm” trong game mà quên đi cuộc sống ngoài đời
Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều sự thật thú vị về đối tượng nghiện game.
Một số tình nguyện viên tham gia đợt nghiên cứu cho biết, họ thích chơi các tựa game trực tuyến vì khía cạnh cộng đồng, vốn cho phép những game thủ này có thể giao lưu kết bạn với những người khác thông qua Internet.
Trong khi đó, với đối tượng nghiện game, những người này thường có máu ăn thua, chơi game chỉ để tìm cảm giác thỏa mãn khi đạt được một thành tích nào đó trong thế giới ảo. Nguyên nhân là do khi chơi game, phần não bộ con người thường tiết ra một chất khiến chúng ta có được cảm giác sung sướng – giống như khi chúng ta đạt được một thành tựu nào đó trong cuộc sống.
Với kết quả thu được từ những cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng, nó sẽ cải thiện sự hiểu biết của y học về các rối loạn liên quan đến công nghệ, bao gồm chứng nghiện game, qua đó tìm ra những phương pháp điều trị tốt hơn cho những đối tượng gặp phải tình trạng này.
Tham khảo Futurism