Hà Nội không phải đón trận bão kinh hoàng như Nhật Bản vừa hứng chịu nhưng người dân vẫn đi trữ nước, “chở” cả siêu thị về nhà. Cơn bão nhiệt đới không tới nhưng thay vào đó, họ phải gồng mình hứng chịu cơn bão nước bẩn sau cơn bão không khí bẩn và độc thủy ngân.
Phải nói rất lâu rồi, người dân Hà Nội mới thấy lại cảnh dòng người lũ lượt rủ nhau đi xách nước từ xe bồn chở nước, không khác gì khung cảnh thời bao cấp. Người ta chia sẻ bức ảnh đó rất nhiều trên mạng xã hội, không phải với tâm trạng hồ hởi “thương nhớ ngày xưa” – thay vào đó là cảm xúc buồn rầu xen lẫn tức giận, thất vọng: Vì ô nhiễm nguồn nước sông Đà, nước sinh hoạt tại nhiều khu vực bị nhiễm styren (là chất có trong dầu thải) nên cực chẳng đã mới phải xếp hàng rồng rắn lấy nước như vậy!
Kỳ cục hơn, có nhiều nơi, họ cấp nước cho người dân vào lúc… nửa đêm! Vài gia đình phải dán tờ giấy trước cửa với dòng chữ “Vui lòng không làm phiền”. Rồi còn chán ngán hơn khi nhiều người đi lấy nước xong lại đổ hết nước đi, vì nước “được cho là sạch” để cung cấp cho các nhà phải chịu nước bẩn hóa ra bẩn không kém. Không khác gì mua bực thêm vào người.
Khổ, khổ như dân Hà Nội giữa “tâm bão” ô nhiễm vậy.
Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng nhận nước sạch từ xe bồn được ví von như… thời bao cấp – Ảnh: Facebook
“Cơn lũ” ô nhiễm và sự mong mỏi “thông tin chính thức” như nắng hạ chờ mưa
Gọi là một cơn lũ cũng không sai. Cơn lũ ấy mở đầu bằng vụ việc cháy Nhà máy bóng đèn Rạng Đông vào ngày 28/8/2019 tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng thông tin về việc lượng thủy ngân bị đốt cháy và bốc hơi ra ngoài không khí, mức độ nguy hiểm và nhiễm độc thủy ngân đã gây hoang mang dư luận. Nếu xét trên quy mô của một cơn lũ, vụ việc chỉ như một dòng lũ “nhỏ” – dù không ai muốn dùng từ nhỏ nhưng so với hai vụ việc sau đó thì quả thật “chưa nhằm nhò”.
Cháy nhà máy Rạng Đông được cho là gây ảnh hưởng tới dân cư trong một khu vực vài km quanh nhà máy. Nhiều người dân Hạ Đình phải chuyển nhà, đóng kín cửa suốt ngày đêm, con cái học trong khu vực cũng phải chuyển trường vì lo lắng cho sức khỏe do nhiễm độc thủy ngân. Thành phố Hà Nội được một phen hết hồn.
Vụ cháy kinh hoàng tại Nhà máy bóng điện – phích nước Rạng Đông nhìn từ trên cao.
“Bão” ô nhiễm di chuyển tới Hà Nội ngày một nhanh và mạnh hơn khi chỉ trong vòng từ giữa tháng 9 tới hiện tại, người Hà Nội đã không kịp hoàn hồn vì đợt ô nhiễm bụi không khí cao kỷ lục cùng câu chuyện ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của một địa bàn rất rộng tại Hà Nội dường như chưa từng có tiền lệ. Liên tục nhiều ngày, chỉ số ô nhiễm không khí đo được trên các ứng dụng báo cáo số liệu quan trắc môi trường lên mức cao kỷ lục, có thời điểm đứng đầu thế giới (dù không phải mọi lúc).
Nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm nghiêm trọng với lượng styren cao hơn mức cho phép. Vụ việc được cho là do có người đổ trộm dầu ra suối Trâm, Hòa Bình vào đêm 8/10. 8 ngày đã trôi qua, độ an toàn của nguồn nước vẫn còn là điều nghi vấn. Mùi hôi của nước vẫn còn đó; dùng nước chết mà không dùng nước thì cũng chết – tất nhiên theo nghĩa bóng. Khi công ty nước sạch sông Đà tuyên bố “ngừng cấp nước vô thời hạn”, người dân chỉ biết méo mặt. Giờ tính sao?
Lớp bụi mờ bao phủ cả thành phố trong suốt nhiều ngày đã qua.
Một vụ việc xảy ra, người dân Hà Nội vẫn còn trụ vững. Hai sự việc rồi ba sự việc tiếp diễn, cả thành phố đang gồng mình để vượt khổ ô nhiễm thời hiện đại. Có lẽ khổ nhất vẫn là dân Hạ Đình – khu vực vừa phải chịu trận vụ Rạng Đông, giờ cũng nằm trong danh sách khu vực bị cắt nước tạm thời. Tuy nhiên, nỗi khổ lần này, người dân Hạ Đình được chia sẻ bởi dân cư ở nhiều quận như Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, quận Thanh Trì chia sẻ. Nên buồn hay nên vui?
Có điều gì chung trong tất cả các vụ việc trên? Sự mong mỏi “thông tin chính thức” từ các cơ quan chức năng của người dân để đổi lại họ nhận được sự im lặng rất lâu. Người dân có thể chấp nhận việc đường nước sông Đà vỡ nhiều lần, nhưng lần này, Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước sạch sông Đà, còn nói không chắc công nghệ có thể xử lý được dầu thải.
Chị Thu Hà, một người dân sống trong khu vực quận Thanh Xuân chia sẻ: “Chưa khi nào, vợ chồng tôi phải mua nước bình 20 lít về để tắm cho con, nước gì cũng phải đun sôi thật kỹ. Đời sống sinh hoạt đảo lộn, khổ lắm“.
Vợ chồng chị Thu Hà không phải ngoại lệ. Có khoảng 270,000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội phải chịu ảnh hưởng từ vụ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn. Nghe xong bài phát biểu của ông Tốn, họ cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong chứ biết nói gì?
Người dân tại Khu đô thị làng Việt Kiều Châu Âu xếp hàng trong đêm để nhận nước sạch từ xe bồn chở nước – Ảnh: Hùng Phạm
“Khủng hoảng” khẩu trang và cuộc “càn quét” siêu thị
Những ngày qua, thị trường mua sắm ở Hà Nội nhộn nhịp nhất không phải thời trang thu đông mà lại là khẩu trang – máy lọc không khí. Còn hôm nay, người ta đổ xô đi mua nước đóng chai và bắt đầu lùng sục các loại máy lọc nước. Cách đây một tuần, khẩu trang thực sự “cháy hàng”, nhiều người còn ấp ủ kế hoạch mùa sau đi buôn khẩu trang. Dù vậy, không ai trách người bán khẩu trang nếu có đắt lên một chút. Họ cần lắm rồi vì không khí quá bụi. Gia đình chị Hoàng Chi (30 tuổi, Cầu Giấy) cho biết chưa năm nào, các con ốm nhiều như vậy.
“Cả nhà mình mệt mỏi vì ra đường quá bụi. Ngoài lúc đi làm, vợ chồng tôi không dám bước chân ra khỏi nhà nhiều. Đi tìm khẩu trang cho các con mà hàng nào cũng hết. Thậm chí nhắn tin mua hàng online cho một người bạn quen còn được nhắn lại “Con tao ốm quá, không có thời gian nhập hàng, thông cảm nhé”. Nhìn đâu cũng thấy trẻ con ốm, mọi năm có giao mùa cũng không nhiều như thế này“, người mẹ chia sẻ đầy bức xúc.
Người dân Thủ đô “kết bạn” với khẩu trang tránh bụi mịn.
Cuộc “khủng hoảng” khẩu trang cũng chính là cuộc khủng hoảng niềm tin của người trẻ vào các vấn đề môi trường ở Hà Nội. Khi không khí là thứ chúng ta hít vào mỗi ngày, không phải muốn tránh xa là tránh xa được. Phố xá vắng vẻ hơn dù là buổi tối, ngày cuối tuần cũng không mấy ai ra ngoài đường, khẩu trang thành vật bất ly thân, thậm chí là đeo 2 cái! Nam Huy (23 tuổi) sống gần hồ Tây cho biết, vào những ngày ô nhiễm nhất, đi qua hồ Tây mà cậu cảm tưởng như đang hít một đống bụi mịn vào cơ thể.
“Trước cơn “ác mộng” mang tên bụi mịn, dù có không muốn lo lắng cũng không được. Bọn em không có chuyên môn để biết xem số liệu như nào là chuẩn, thông tin nào là chính xác nhất – nhưng cứ nhìn bụi ngoài trời đi, đi đường về nhà thì cay xè mắt. Không phải ô nhiễm thì đó là gì?“.
Khẩu trang, máy lọc không khí bỗng đắt hàng những ngày không khí ô nhiễm.
Khẩu trang – máy lọc không khí tạm thời đi qua nhường lại cho bình nước – máy lọc nước ùa tới. Chiều hôm 16/10, trên khắp các trang báo đều chia sẻ thông tin người dân đổ xô đi mua nước sạch, loại gì cũng lấy, 1 lít, 5 lít hay 20 lít cũng hết veo. Người ta có cảm giác như người Hà Nội trữ nước để tránh bão. Chở theo rất nhiều lốc nước đóng chai về nhà, chị Diệu Thu (35 tuổi) cho biết:
“Không biết sẽ ngừng cấp nước tới lúc nào nên cứ mua về cho chắc. Thời buổi này thì giá như nào cũng mua thôi. Mua sớm chứ mấy hôm nữa khéo còn không có hàng“. Nghe giọng chị có vẻ hào hứng nhưng cũng như bao người khác, họ đều đang hoang mang lo lắng, thấy chới với xen lẫn chút sợ hãi. Đó đều là những con đường hít vào phổi, uống trực tiếp vào cơ thể, còn điều gì nguy hiểm hơn thế nữa?
Câu chuyện đã vượt xa khỏi phường Hạ Đình, vài quận phía tây Hà Nội mà trở thành vấn đề của toàn thành phố. Người ta đùa vui: Nói không phải mê tín chứ khéo năm nay quận Thanh Xuân có “hạn” – nhưng chắc chắn đây không phải là cái “hạn” của người dân Thanh Xuân. Đó là vấn đề của cả Hà Nội. Khổ vì sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khổ vì đời sống sinh hoạt bị xáo trộn, khổ vì lo lắng cho một tương lai, chẳng phải là xa, khi các vấn đề ô nhiễm môi trường cứ nối tiếp nhau.
Nước sạch đóng chai tại các siêu thị hết veo khi người dân ùn ùn kéo đến mua về sử dụng thay nước sinh hoạt.
Những người trẻ băn khoăn đi hay ở lại?
Trên nhiều diễn đàn, các cộng đồng Facebook, người trẻ lại thở than, hỏi nhau câu chuyện: “Tốt nghiệp đại học ở Hà Nội rồi, giờ đi đâu làm bây giờ?“. Họ không chỉ có động lực về kinh tế, tìm một môi trường mới để trải nghiệm. Hầu như ai cũng mang trong mình nỗi lo về môi trường và gánh nặng sức khỏe của bản thân và gia đình.
“Năm sau em tốt nghiệp đại học, nghĩa là chỉ còn vài tháng nữa thôi nhưng em cũng đang tìm cơ hội xin việc ở thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Thực ra em thích Đà Nẵng hơn, cơ hội việc làm chắc ít nhưng môi trường sạch hơn Hà Nội“, Minh Tâm, 22 tuổi hiện đang học đại học tại Hà Nội chia sẻ.
Nước sạch cung cấp miễn phí cho người dân, hoá ra cũng không… sạch.
Từ Hạ Đình cách đây một tháng, nhiều người đã rao bán nhà, số khác thì thuê nhà xa hẳn khỏi khu đó hay tìm nhà người thân ở nhờ. Một xu hướng chuyển dịch mới đang diễn ra, dù rất nhỏ và âm thầm; trên thế giới có các cuộc khủng hoảng và di cư vì vấn đề biến đổi khí hậu thì ở Việt Nam, nhiều người cũng tìm cách rời khỏi khu vực ô nhiễm. Chưa bao giờ, cụm từ “về quê” lại được bàn tán rôm rả và không chỉ mang tính chất đùa vui như vậy.
“Mẹ mình bảo mình về quê thì cho cả mảnh đất vườn sau nhà rộng mênh mông. Trước mình giãy đành đạch không chịu về, mà giờ nghĩ về đó làm giáo viên cũng được, không giàu có như ở thành phố nhưng chắc chắn sẽ sạch và trong lành hơn“, Hồng Liên là bạn học của Minh Tâm cũng nghĩ tới việc rời khỏi Hà Nội sau khi tốt nghiệp. Đến một thời điểm nhất định, người ta nhận ra lương có thể thấp chút, cuộc sống có thể bớt sôi động hơn nhưng được sống khỏe mạnh mới là điều quan trọng nhất.
Ở Hà Nội năm 2019, người dân vẫn phải xếp hàng xách từng xô nước – một màn tái hiện thời bao cấp bất đắc dĩ – Ảnh: Hùng Phạm.
Những ngày này rồi cũng sẽ qua đi, nhiều người dân Hà Nội cũng sẽ quên đi ý định chuyển nhà, tìm một công việc mới hay đi bất cứ đâu. Cảnh tượng người dân kỳ cạch đi xin nước, đem tất cả vật dùng trong nhà ra để xách, hứng giữa các khu đô thị hiện đại bậc nhất Hà Nội chắc cũng sẽ không còn nhưng ký ức về những “tâm bão” ô nhiễm như vậy sẽ chẳng thể biến mất. Tuy vậy, “nỗi khổ” của người dân Hà Nội sẽ chưa thể biến mất khi đây mới chỉ là ảnh hưởng về mặt ngay tức khắc, còn để biết những thay đổi, hậu quả về sức khỏe thì còn là câu chuyện của nhiều năm về sau.
Nếu có điều gì tích cực, hy vọng người dân Hà Nội sẽ có thêm nhiều bài học “sống chung với lũ” và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những vấn đề sau này.
Vì không ai muốn quay lại thời bao cấp để sống giữa thế kỷ 21.