Chỉ trong 24 giờ, 2 thông tin tiêu cực về trẻ em đã khiến dư luận dậy sóng. Một bé trai 11 tuổi bị hành hung dã man, suýt bị xâm hại tình dục khi ở “trại hè tu học” và một em bé 6 tuổi tử vong trên xe bus đến trường do bị “bỏ quên”. Những nơi an toàn nhất, sao lại trở thành những hiện trường đau thương…
Bố mẹ gửi con đến những chốn an toàn, nhưng trứng đã giao nhầm cho ác?
Hôm qua, một ngày ngỡ như bình thường của tháng 8 thực sự là ngày sóng gió cảm xúc với những ai quan tâm đến các vấn đề trẻ em. Đầu giờ chiều, người dùng mạng nhốn nháo trước tin cơ quan cảnh sát xác nhận đang thụ lý, điều tra vụ việc cháu bé 11 tuổi ở Bình Thuận có dấu hiệu bị bạo hành nghiêm trọng.
Hồi tháng 6, mẹ bé tự nguyện gửi con tham gia một khóa “tu mùa hè 3 tháng” tại một am nhỏ địa phương. Đến sáng 16/7, “sư thầy” nhận dạy dỗ bé gọi mẹ bé lên “trả con” với lý do bé hư hỏng, xem phim đồi trụy. Khi gặp con trai mình, chị mới sốc vì thấy những vết thương, bầm tím, nhiều nơi rỉ máu và lở loét khắp cơ thể bé – dấu hiệu khó chối cãi việc bé đã bị bạo hành trong thời gian dài.
Đáng nói, trước đó, con trai chị đã gọi điện mách mẹ chuyện “sư thầy” quấy rối tình dục, ôm siết bé làm bé khó chịu. Cậu bé tha thiết xin mẹ hãy đưa mình về nhà. Nhưng tin lời giải thích của “sư thầy” rằng đó chỉ là hành động quý mến, tạo cảm giác an toàn, thân thiết cho các bé khi không ở gần bố mẹ, chị phớt lờ cảnh báo của con và dỗ bé ở lại.
Sự việc vỡ lở, người ta và cả mẹ bé mới biết, nơi người mẹ ấy gửi con chỉ là nơi thờ tự tự phát không được Giáo hội Phật giáo công nhận, người đàn ông với vẻ ngoài đạo mạo ấy cũng không phải một sư thầy, mà chỉ là một cá nhân “tu tại gia”.
Chuyện chiều chưa qua, thì đến tối, dư luận lại được một phen nháo nhào khi một cháu bé lớp 1 bị phát hiện tử vong trên xe đưa đón của một trường quốc tế ở Hà Nội, giả thuyết ban đầu được đưa ra là do bé bị “bỏ quên” trên xe ô tô từ 7h sáng đến 16h chiều.
Bất cứ ai có lương tâm có lẽ sẽ đau thắt ruột thắt gan khi dõi theo dòng thông tin, nhìn những hình ảnh, đoạn video cuối cùng của em bé ấy, em bé 6 tuổi là con duy nhất của gia đình, mới đi học buổi thứ 2 đã chết oan uổng. Khi được phát hiện, người bé cứng đờ, nằm dưới sàn gần cửa xe, có lẽ vì tử vong quá lâu mới được phát hiện.
Nhiều người muốn tin rằng, em bé ấy đã có một cái chết “bình lặng”, con đã ngủ quên, ngủ một giấc thật sâu và lịm đi trong cơn ngạt rồi mất. Nhưng những dấu hiệu chấn thương bên ngoài cơ thể em bé lại chứng minh một điều khác. Các chuyên gia phỏng đoán, khi một mình trên xe, dưới cái nắng khủng khiếp ngoài trời và sự nóng bức, ngột ngạt do thiếu không khí bên trong xe và tâm lý hoảng loạn tột độ khi không có ai bên cạnh giúp đỡ, con đã ra đi theo một cách đau đớn, tức tưởi…
Hai đứa bé, một vừa được bố mẹ đón lên từ quê để bước vào môi trường giáo dục tiên tiến và văn minh, với kỳ vọng trở thành công dân toàn cầu; một được gửi vào cái nơi ngỡ như sẽ được an nhiên để tu tính, học cách sống an lành, cuối cùng, tất thảy đều là những cơn ác mộng khủng khiếp. Một bé thì mất mạng, và cái vẫy tay chào buổi sáng bố tạm biệt con người đến trường, người đi làm, trở thành lời chào âm dương cách biệt, một bé thì được mẹ đón về, thương chấn nát tan cả thể xác lẫn tâm hồn, mà không biết bao giờ mới có thể lành nổi.
Những cánh cổng trường, cổng am đã trở thành cổng địa ngục, thành quỷ môn quan, nơi tưởng như an lành nhất hóa thành chốn thương đau, với hai đứa trẻ, vì mẹ em trao con nhầm cho con quỷ đeo mặt nạ người lành, và vì sự quên đầy tắc trách của người làm giáo dục.
Vụ việc này có lẽ sẽ trở thành nỗi ám ảnh cho các bố các mẹ sáng sáng đưa con ra trạm đón xe mà không biết liệu con mình có “bị” giống như con người ta không; và những phụ huynh định trao tay con cho một trại hè, một học kỳ ở nơi xa cho con học kỹ năng sống, học Toán, học Tiếng Anh, học cách trở thành một đứa trẻ tự tin và nhiều trải nghiệm. Những người mẹ như tôi sẽ càng thêm sợ sự bất cẩn của người khác có thể xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình, sẽ đắn đo mỗi lần ký đơn đồng ý cho con đi dã ngoại, học ngoại khóa?
Làm sao yên lòng khi những việc tưởng không thể xảy ra, những sự vụ hoang đường như thế này lại vẫn có thể xảy ra? Nhưng rồi có một sự thật là, con chúng ta vẫn cần phải sống, phải được lớn lên, dù thế giới xung quanh chúng là hoa hay bốn bề đao kiếm. Làm sao giấu được chúng mãi trong lòng mình bình an đến tận khi chúng trưởng thành?
Bóng tối sẽ tràn vào những nơi an toàn nhất, nếu chúng ta im lặng
Xã hội không thể không có trẻ con. Những sự vụ kinh khủng xảy đến với con trẻ, đặc biệt ở những chốn “an toàn” là tiếng chuông báo động dành cho người lớn, là yêu cầu bức thiết về sự thức tỉnh và tấm gương soi tỏ lòng người.
Người ta cứ bảo tháng Bảy là tháng mở ngục, ngày cô hồn quỷ đói được lên dương gian, nhưng dường như ma quỷ vẫn ở quanh loài người, trà trộn với mặt người. Những chuyện trẻ con bị xâm hại tình dục, bị bỏ quên trên xe ô tô, xe bus ở các xã hội Âu, Mỹ, Nhật cũng có nhiều. Gần nhất có vụ một bà mẹ làm con chết trên xe vì mải sex với bồ, một bà mẹ mải đi siêu thị mà đứa trẻ chết vì nóng. Người ta tìm ra hẳn thuật ngữ “chứng quên trẻ em trên xe ô tô”, nghiên cứu biểu hiện tâm lý của những kẻ có “bệnh ấu dâm” để lý giải.
Nhưng nếu lấy những lý do này để biện minh cho sự thờ ơ, tắc trách thì không thể chấp nhận nổi. Làm sao mà “quên” có thể là lý do cho những biểu hiện vô trách nhiệm, vô cảm và tắc trách đến thế với sự an nguy của một con người? Người ta có thể quên check inbox, quên một cuộc hẹn, nhưng sao có thể quên 1 đứa trẻ trên xe, có thể bỏ mặc 1 sinh mệnh khác đến chết?
Làm sao có thể bao biện là “quên” khi cả một dây người lớn loanh quanh, đổ tội cho kẻ khác, đổ tội cho những lý do khách quan mà không dám thừa nhận sự tắc trách của mình?
Làm sao có thể lấy cớ “không kiềm chế được nóng giận” để giải thích cho hành vi bạo hành dã man làm tàn tạ thân thể một đứa trẻ như “nhà sư” giả mạo khai? Khi bị điều tra, hắn đã đổ vấy tội cho đứa bé 11 tuổi, rằng “vì bé hư nên mới bị đánh”, và “bé chỉ bị chấn thương phần mềm” như thể đó là một việc quá tay bắt nguồn từ một ý tốt? Làm sao có thể coi việc đưa 10 triệu tiền thuốc men (nhưng mẹ bé từ chối nhận) là sự đền bù cho những tổn thương thân xác và tâm hồn, khi em bé kể rằng nhiều lần bị ép xem phim sex, bị tấn công tình dục, bị giày vò bằng đòn roi vì không thỏa mãn kẻ thủ ác?
Hôm qua là một ngày quá đen tối. Và sẽ còn nhiều nhiều ngày đen tối nữa nếu chúng ta chỉ cứ làm việc của mình vẫn cứ cẩu thả niềm tin và để mặc những đứa trẻ thiếu rất nhiều những kiến thức phòng vệ cơ bản.
Việc chúng ta cần làm là cùng nhau cất lên những tiếng nói công chính để góp phần tẩy chay những con quỷ mang mặt nạ người đã chà đạp đến các em bé khỏi cộng đồng chúng ta; là lên tiếng đòi quyền được an toàn cho chúng ta và con chúng ta.
Việc chúng ta cần làm là bắt tay vào dạy cho con em những kĩ năng sinh tồn cần thiết nhất, phù hợp với nhịp sống thời đại để những chuyện đau lòng như ngày hôm qua sẽ không còn tái diễn và chẳng ai còn phải trách cứ, tự vấn nhau “Tại sao? Tại sao?”.
Sau tất cả, là đừng xát muối thêm vào lòng cha mẹ đứa trẻ vừa khấp khởi đi học được hai ngày, con chữ còn chưa kịp đọc hay người mẹ cả tin tự tay trao con cho quỷ. Sáng bố mẹ chào con đến trường, chiều về đã cách biệt âm dương. Cả mạng xã hội có thể xót thương, nhưng xét cho cùng, người đau lòng nhất vẫn là bố mẹ của những đứa trẻ cơ mà.