Hình ảnh minh họa. Nguồn: TASS.
Hai tác giả Sam Greene (người Anh) và Graeme Robertson (người Mỹ) đã sử dụng hình ảnh khiêu vũ để giải thích lí do tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin sụt giảm.
“Nếu như Tổng thống Nga Vladimir Putin có nỗi sợ, thì có lẽ nỗi sợ ấy là viễn cảnh người Nga ‘quên cách nhảy’ theo điệu nhạc của ông”, hai tác giả Sam Greene và Graeme Robertson bình luận trong một bài viết được đăng tải trên trang The Moscow Times.
Ông Sam Greene là giám đốc của Viện nghiên cứu về Nga tại trường King College London (Anh), còn ông Graeme Robertson là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ).
Sau đây là phần lược dịch từ nội dung của bài viết trên.
Ông Putin sợ điều gì?
Nếu như Tổng thống Nga Vladimir Putin có nỗi sợ, thì có lẽ nỗi sợ ấy là viễn cảnh người Nga “quên cách nhảy” theo điệu nhạc của ông. Đó có thể là một lối nói ẩn dụ khá lạ lùng, nhưng nó có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lí do tỉ lệ ủng hộ ông Putin giảm sâu đến vậy.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Levada, tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin đã giảm xuống còn 64% vào tháng 1 năm nay, và kể từ đó đến nay tỉ lệ này vẫn tiếp tục duy trì ở mức đó.
Con số 64% so với lãnh đạo nhiều quốc gia khác là khá cao, nhưng thực chất lại kém hơn 25% so với tỉ lệ ủng hộ ông Putin vào thời điểm đạt đỉnh (được ghi nhận vào tháng 6/2015), và chỉ cao hơn so với thời điểm tỉ lệ này chạm đáy 3% (được ghi nhận vào tháng 11/2013).
Thậm chí, đánh giá của người dân về tình hình chung của đất nước còn đáng báo động hơn thế: Nhiều người đã đưa ra câu trả lời kém lạc quan đối với câu hỏi liệu nước Nga có đang đi đúng hướng hay không (kết quả khảo sát được ghi nhận vào đầu năm 2019). Đây là lần đầu tiên có tình trạng này kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Chúng tôi không biết và cũng không thể biết chính xác lí do vì sao lại có sự thay đổi đột ngột đến vậy trong quan điểm của người dân về Tổng thống Putin nói riêng và về nước Nga nói chung.
Chúng tôi chỉ có thể nói về cảm xúc và nỗi lo lắng của hàng chục triệu người dân Nga, và điều đó cũng rất khó xác định. Quả thực, chính con người ta nhiều khi cũng không thể hiểu nổi vì sao tâm trạng mình thay đổi.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể vạch ra một số biểu đồ về những chuyển biến tại nước Nga hiện nay.
Chúng tôi đã mất 6 năm, thực hiện hàng loạt khảo sát, tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu và phân tích dữ liệu từ các trang mạng xã hội để làm được điều đó. 6 năm.
Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu Tổng thống Putin trên lập trường của người dân Nga, theo cách họ biết về ông ấy, và cố gắng giải thích việc vị Tổng thống này có thể kéo dài tuổi thọ chính trị của mình không chỉ qua những hành vi của chính ông, mà còn qua hành vi của xã hội rất đa dạng của nước Nga.
Một trong những kết luận lớn nhất của chúng tôi là việc ông Putin được yêu mến không có nhiều liên quan tới tình cảm của người Nga đối với con người ông, cũng giống như mối quan hệ giữa những người Nga với nhau.
Hầu hết các phân tích về chính trị và xã hội Nga thường nhấn mạnh phần chính trị và bỏ qua phần xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều lí do cho thấy các yếu tố xã hội có vai trò quan trọng trong việc định hình cả nội dung lẫn động lực của đời sống chính trị Nga. Để hiểu được những lí do này, hay cùng quay trở lại sàn nhảy.
Mối liên hệ giữa người dân Nga và việc khiêu vũ
Khi chúng ta khiêu vũ, chúng ta có thể trở nên yêu mến người nhạc sĩ sáng tác ra điệu nhạc chúng ta đang nghe, không phải vì chúng ta có mối quan hệ gần gũi với người nhạc sĩ ấy, mà bởi âm nhạc của người đó cho phép chúng ta cảm nhận được một sự gần gũi thú vị với những người khác – với bạn nhảy của chúng ta, và với tất cả những người khác trên sàn nhảy.
Sau này, khi chúng ta nghe lại giai điệu đó, chúng ta sẽ vô thức nhớ lại cảm giác gần gũi trên sàn nhảy – sự kết nối khó quên đó – có lẽ cảm xúc ấy chỉ thoáng qua, nhưng nó vẫn mạnh mẽ và xúc động y như khi ta ở trên sàn nhảy.
Tương tự như vậy, ông Putin trở thành nhân vật gần gũi với hàng triệu người Nga, không phải vì ông ấy đã thiết lập một mối liên hệ cá nhân nào đó với họ, mà bởi vì loại “nhạc” ông chơi khiến họ cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn lao, thú vị, và thậm chí là có chút nguy hiểm.
Tổng thống Vladimir Putin. Nguồn: AP.
Vào đỉnh điểm của các sự kiện tại Crimea và Donbass, người dân Nga không chỉ bắt đầu xem TV nhiều hơn, mà họ còn bắt đầu cùng nhau thảo luận thường xuyên và sâu sắc hơn về những điều đang diễn ra.
Đối với nhiều người, chuyện chính trị đã thay đổi từ một điều gì đó cá nhân, và đáng chán theo nhiều cách… trở thành một điều gần như thiêng liêng. Cuộc sống chính trị đã được nhuộm đẫm cảm giác kết nối, đoàn kết với những người khác và những cảm xúc dễ chịu như niềm tự hào, hy vọng và tin tưởng.
Nhưng tất nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó. Thứ kết nối người dân Nga cũng có thể chia rẽ họ: Một bộ phận không hài lòng trước cuộc xung đột ở Donbass, và mối quan hệ tan vỡ giữa Nga với Mỹ và châu Âu.
Trở lại năm 2013, các cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy rằng những người ít theo dõi tin tức trên TV có câu trả lời khác với đại đa số những người được hỏi. Cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm sự chia rẽ này thêm rõ rệt hơn.
Những chủ đề như tôn giáo hay LGBT có thể giật gân, nhưng đó là những chủ đề tương đối nhạy cảm và có thể tránh được trong các cuộc đối thoại với đồng nghiệp, người thân hay bạn bè nếu cần thiết.
Nhưng vào năm 2014, ai ai cũng bàn tán về Crimea và niềm háo hức của việc Crimea trở về với “đất mẹ”. Đối với một số người, thì đây lại là chủ đề khá buồn vì nó chỉ khiến họ càng thêm buồn bã vì tình trạng cô lập của mình.
Nhận thấy mình không thể thay đổi điệu nhạc, những cá nhân này đã chọn cách tặng tai nghe cho người khác, và cuối cùng là mỗi người lại trở về với mối quan tâm của riêng mình.
Vậy, điều gì đã thay đổi?
Âm nhạc chưa hề dừng lại, và trong hơn 4 năm qua, mọi người cố tìm cách lẩn tránh khủng hoảng kinh tế.
Tất nhiên, ngay cả bài hát hay nhất cũng có thể khiến người ta chán ngán, nếu như cứ tua đi tua lại nhiều lần. Và những người đã mệt mỏi với “khúc tráng ca Crimea” có thể sẽ bắt đầu nhìn nhận lại thái độ của mình đối với ông Putin và với đất nước.
Thế nhưng, nếu nguyên nhân khiến ông Putin được người dân yêu quý là cảm giác đoàn kết, vậy thì điều khiến họ quyết định ngừng ủng hộ ông chính là việc họ dần dần không còn cảm nhận được điều đó nữa.
Ông Putin hát quốc ca cùng những người ủng hộ hồi tháng 3/2018. Ảnh: Sputnik.
Giả thuyết của chúng tôi là, trong một thời điểm nào đó, người dân Nga đã bất giác ngước mắt lên nhìn xung quanh, và nhận ra rằng mọi người đang khiêu vũ lạc điệu.
Quyết định cải cách lương hưu chắc chắn là một phần lí do, cũng như những lời hứa trước thềm bầu cử về việc chấm dứt khủng hoảng và giúp người dân có thêm thu nhập đều chưa được thực hiện. Mọi người bắt đầu phát hiện ra mình có đôi điều không đồng ý với chính quyền, nhiều người hoang mang không biết họ nên tiếp tục vui mừng hay đã đến lúc bắt đầu lo lắng.
Sự hòa hợp biến thành mối bất hòa. Những nhịp điệu mọi người cùng nghe bị phá vỡ. Cảm giác đoàn kết bị thay thế bằng nỗi sợ cô đơn. Và người nhạc sĩ tại vũ hội đột nhiên trở thành người thừa.
Nếu giả thuyết của chúng tôi là đúng, thì mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ông Putin. Giờ đây, người dân Nga đã mất hứng thú với việc khiêu vũ, và bắt đầu quay lại với những mối bận tâm của riêng họ.
Có rất nhiều điều cần giải quyết, bởi cuộc khủng hoảng ở Nga không chừa bất cứ ai. Và nếu nền kinh tế phục hồi trở lại, thì tỉ lệ ủng hộ của ông Putin có thể sẽ tiếp tục ổn định, hoặc thậm chí là tăng trưởng thêm chút ít.
Viễn cảnh đó khá giống với tình hình tại thời điểm năm 2012-2013, khi người dân Nga chấp thuận ông Putin tùy hoàn cảnh, chứ không phải yêu mến ông ấy vô điều kiện.
Rất nhiều người có thể vẫn biết ơn ông Putin vì sự kiện Crimea và vì niềm vui khi nước Nga “rũ bùn trỗi dậy”, nhưng ngay cả những người hăng hái nhất cũng không thể sống mãi trong những kí ức vinh quang của quá khứ.
Mọi người muốn trải nghiệm cảm giác mới. Và chỉ có người dân Nga mới có thể lựa chọn loại nhạc khiến họ muốn quay lại sàn nhảy, và có lẽ là – nếu mọi việc suôn sẻ – thì họ sẽ tìm thấy trong mắt người khác một lí do mới để yêu mến người nhạc sĩ, cho dù đó là ai.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả.