Hồi những năm 1997, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) từng bị khởi tố do tiêu thụ một chiếc xe máy do trộm cắp mà có.
Ngày 27/11, TAND TP HCM mở phiên xét xử các bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, 43 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) và Trần Phương Bình (59 tuổi, cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á) cùng 24 bị cáo liên quan vụ án thiệt hại .
Ngoài bản án 9 năm tù do TAND TP Hà Nội tuyên về tội “Làm lộ bí mật nhà nước” hồi cuối tháng 7, thì trước đó, khi 21 tuổi, Vũ đã từng bị khởi tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Vụ án này được Công an TP Đà Nẵng khởi tố. Tuy nhiên, VKSND TP Đà Nẵng sau đó không truy tố Vũ ra tòa vì cho rằng ông này phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo.
Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Hồi giữa tháng 11/1997, cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng thể hiện vào ngày 8/8/1996, đối tượng Trần Tường Duy lấy trộm một xe máy tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Thời điểm đó, chiếc xe máy này có giá trị khoảng 32 chỉ vàng. Sau đó, Duy mang xe đi sơn lại màu và gắn biển số giả để dùng.
Đến tháng 9/1996, Duy bán chiếc xe trên cho Phan Văn Anh Vũ với giá 2,5 triệu đồng. Đến tháng 3/1997, anh trai của Vũ kẹt tiền đã mượn chiếc xe mang đi cầm với số tiền 5 triệu đồng. Công an sau đó phát hiện chiếc xe này do phạm tội mà có nên nên đã thu hồi để trả lại cho chủ nhân.
Hồ sơ thể hiện rõ, chiếc xe nói trên do Vũ mua là tài sản do trộm cắp mà có, Cơ quan điều tra khởi tố Vũ tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Tuy nhiên, do Vũ khai báo thành khẩn nên được quyết định đình chỉ điều tra.
Ông Trần Phương Bình bị áp giải đến phiên xử.
Trong phiên xử đại án Ngân hàng Đông Á, Vũ “nhôm” đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt 12,73% cổ phần của ngân hàng, gây thiệt hại cho đơn vị này hơn 200 tỷ đồng.
Cụ thể, hồi năm 2013, ngân hàng Đông Á hoạt động sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Trần Phương Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn tài chính.
Do đó, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á thống nhất bán cho Vũ “nhôm” 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, ông Vũ trở thành cổ đông lớn nhất có quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng Đông Á.
Để mua lại số cổ phần nói trên, Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của chính ngân hàng Đông Á. Đối với 200 tỷ còn lại, Vũ phải ký chứng từ nộp khống cho ngân hàng Đông Á. Ông Bình sau đó chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi khống, chuyển tiền vào tài khoản của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.
Sau đó, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ thất bại đã chuyển trả cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khoản tiền 600 tỷ đồng và lãi phát sinh. Cáo trạng thể hiện ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng, như vậy ngân hàng Đông Á bị thiệt hại hơn 200 tỷ.
Vũ “nhôm” là ai ?
Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) là một đại gia bất động sản. Ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và là cổ đông của nhiều công ty khác.
Ngày 21/12/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà riêng của ông Vũ ở Đà Nẵng sau đó ra quyết định truy nã vì ông này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nhập cảnh qua Singapore.
Ngày 2/1/2017, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Cửa khẩu Singapore tạm giữ Vũ “nhôm” do vi phạm Luật di trú. Hai hôm sau, cơ quan chức năng tiếp nhận, bắt giữ Vũ theo quy định pháp luật.
Ngày 7/2, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để làm rõ những sai phạm liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
Hồi tháng 4, Vũ tiếp tục bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đại án thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Ngày 30/7, TAND Hà Nội tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.
Đến ngày 9/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục khởi tố bị can đối với Vũ về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.