Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45, Phan Thiết- Dầu Giây

Ngày 29/4, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu, cụ thể: điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) và điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (thuộc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45).

Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45, Phan Thiết- Dầu Giây

Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án.

Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Bình Thuận có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương được thụ hưởng 2 dự án; cùng dự có các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát và nhân dân có dự án đi qua.

Về phía tỉnh Ninh Bình dự lễ khánh thành có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo sở, ban, ngành, các huyện, thành phố có dự án đi qua.

Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 2020 đoạn Mai Sơn Quốc lộ 45 Phan Thiết Dầu GiâyCác đại biểu dự lễ khánh thành.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Trong đó, Dự án thành phần Mai Sơn – QL45 dài 63,37 km và Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km sẽ chính thức đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023.

Đối với Dự án thành phần Mai Sơn – QL45, có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong đó, trên địa phận tỉnh Ninh Bình có chiều dài khoảng 14,35 km, đi qua địa phận các huyện Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp; Dự án có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn kết nối với đường tỉnh 477 thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn QL45 – Nghi Sơn, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Dự án thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế vận tốc 80km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe với tổng mức đầu tư dự án 12.111 tỷ đồng. Chủ đầu tư Bộ GTVT; Ban QLDA Thăng Long được giao là đại diện chủ đầu tư.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã khái quát quá trình đầu tư các dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây.

Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 2020 đoạn Mai Sơn Quốc lộ 45 Phan Thiết Dầu GiâyThứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại lễ khánh thành.

Theo đó, 2 dự án triển khai thi công vào giai đoạn 2020-2022 với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động cán bộ, công nhân đến làm việc, đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Ảnh hưởng của xung đột chính trị thế giới nên giá nhiên, nguyên vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, việc đồng loạt triển khai nhiều dự án với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp) làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án.

Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT xác định việc sớm hoàn thành các Dự án thành phần cao tốc là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Bộ GTVT đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của Bộ; đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.

Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10/9/2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ Giao thông Vận tải đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30/4/2023.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, sự ủng hộ của nhân dân vùng dự án, đến cuối tháng 4/2023, 2 dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến; đồng thời các chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục liên quan (hồ sơ hoàn thành công trình của các hạng mục, quy trình bảo trì, báo cáo thẩm tra an toàn giao thông giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác, phương án tổ chức giao thông…), làm việc với Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023.Việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A đoạn qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Sau khi đưa 2 dự án vào khai thác sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại bảo đảm hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Tại buổi lễ đại diện các nhà thầu, các địa phương đã bày tỏ sự tự hào được tham gia vào công tác thi công, thực hiện dự án, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu hoàn thành kết cấu hạ tầng giao thông trong cả nước. Trong suốt hơn 2 năm triển khai thi công, các đơn vị nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn để các dự án được thi công theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình. Dự án hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của các địa phương, mở ra cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 2020 đoạn Mai Sơn Quốc lộ 45 Phan Thiết Dầu GiâyThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành 2 dự án thành phần, tại điểm cầu Bình Thuận. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng khi 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Phan Thiết – Dầu Giây được hoàn thành. Sự kiện càng có ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này để tăng cường thông thương, tạo không gian phát triển mới, giúp hạ giá thành logistic và hàng hóa, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của chủ đầu tư, các nhà thầu, các địa phương có dự án đi qua. Quyết tâm của các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh COVID-19 và biến động giá cả bất thường. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương sự ủng hộ của bà con nhân dân đã nhường đất canh tác, nhường nơi ở để triển khai dự án.

Thủ tướng Chính phủ cũng nêu ra nhiều bài học trong thi công, xây dựng cao tốc, sự phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương; việc huy động máy móc, áp dụng công nghệ mới; việc thưởng, phạt khi nhà thầu vi phạm hoặc về trước tiến độ, bảo đảm chất lượng; việc phòng chống tiêu cực trong thi công và kết nối hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Để dự án đi vào vận hành hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tổ chức quản lý, điều hành hiệu quả các đoạn cao tốc đã hoàn thành; các đoạn đường kết nối trong khu vực; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, quản lý các tuyến đường; phát huy tối đa lợi ích đường cao tốc mang lại bằng việc quy hoạch các khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư mới kết nối với cao tốc; các địa phương quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt có trách nhiệm hỗ trợ sinh kế cho người dân đã nhường đất cho dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu rút kinh nghiệm trong triển khai thi công, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí trong thực hiện các dự án về sau.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Thủ tướng và các đại biểu dự tại 2 điểm cầu đã thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành dự án.

Khánh thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 2020 đoạn Mai Sơn Quốc lộ 45 Phan Thiết Dầu GiâyDự án được đưa vào khai thác, sử dụng sẽ rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Anh Tú

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khanh-thanh-duong-bo-cao-toc-bac-nam-phia-dong-giai-doan/d20230429111815951.htm