Với giá cả phải chăng, mặt hàng phong phú từ quần áo giá rẻ đến đồ ăn vặt thơm ngon, chợ Nhà Xanh là điểm đến yêu thích của rất nhiều bạn sinh viên. Tuy nhiên, văn hoá chửi ở đây sẽ khiến vài bạn shock đó!
Không thể phủ nhận rằng, sinh viên đang là một trong những lực lượng đông đảo nhất sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn, chính vì vậy, những khu chợ sinh viên cũng lần lượt ra đời và trở thành nét đặc trưng mà chỉ sinh viên mới có. Một trong những điểm chợ nổi tiếng nhất đó là khu chợ Nhà Xanh nằm trên con đường Phan Văn Trường (Quận Cầu Giấy, Hà Nội). Không chỉ buôn bán nhiều mặt hàng giá rẻ, chợ còn sở hữu nhiều “đặc sản” không lẫn vào đâu.
Thưởng thức “đặc sản” “Lăm Mươi K”, “KMC”
Với những ai đã từng bước chân vào chợ Nhà Xanh, hẳn sẽ không quên được những âm thanh gây thương nhớ, được xem là nét đặc trưng của khu chợ nổi tiếng nhất quận Cầu Giấy này. Từ những chiếc loa be bé, câu mời chào: “50K, chỉ 50K thôi các anh chị ơi” cứ vang liên hoàn từ đầu chợ đến cuối chợ. Từ cửa hàng quần áo đến quầy bán giày dép, nữ trang, đồ nam, hàng mũ nón hay cả những cửa hàng không có mặt hàng nào trị giá 50.000 VNĐ cũng sử dụng tiếng rao như một lời mời gọi khách hàng.
Cùng với những mặt hàng 50.000 VNĐ, những món đồ có giá trị cao hơn cũng cực kì phổ biến, phần lớn đều được gắn mác “KMC” tức là “không mặc cả”. Ở chợ Xanh, tình trạng nói thách, hét giá cắt cổ đã tồn tại nhiều năm nay, và để giải quyết tình trạng này, những chủ cửa hàng bán đúng giá đã nghĩ ra cách để biển giá đi cùng “KMC” để thu hút những khách hàng còn hoang mang, không biết lựa chọn quầy hàng nào để không bị “chặt chém”.
Những mặt hàng có giá 50.000 VNĐ đã trở thành thương hiệu của chợ Nhà Xanh.
“Vào xem thôi thì không sao, chứ đã trả giá là phải mua, không mua thì kiểu gì cũng có chuyện”
Theo chia sẻ của một tiểu thương ở khu chợ Nhà Xanh, “Ở đây đa phần hàng đồ nam sẽ nói giá rất cao, mình vào xem thôi thì không sao chứ cầm vào hàng của người ta, trả giá là phải mua, nếu không mua thì kiểu gì cũng có chuyện, nên là cứ chỗ nào treo giá, để biển tử tế, không mặc cả thì mua chứ đừng vào mấy hàng không rõ ràng.”
Thử đồ mà không mua, bạn sẽ nghe chửi và có thể sẽ bị dọa đánh
Nếu đã quen những câu chửi mỉa mai sắc lẹm của những gánh hàng bún phở trên phố, thì đến với chợ Xanh, những câu chửi được buông ra thẳng thừng không ngần ngại, thậm chí vì những câu nói quá mạnh mẽ mà nhiều sinh viên không bao giờ dám bước chân vào khu chợ này lần hai.
Trước những câu mời “vào xem hàng em ơi” hay những cái kéo tay mạnh dạn của những nhân viên bán hàng, nếu không niềm nở đáp lại hoặc vẫy tay ra hiệu “không mua” mà cứ thể bỏ đi, thì chắc chắn bạn sẽ nhận được một câu chửi cực kì to và dõng dạc.
Ở trọ khá gần khu vực chợ Xanh, bạn Nguyễn T.M (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Có lần vào buổi trưa, mình không có ý định mua gì cả mà muốn đi qua chợ Xanh để đi ra đường Phan Văn Trường nên mình không để ý những lời mời của các anh bán hàng mà cứ thế đi thẳng, cho đến khi đi qua gian hàng quần áo thì nhận ngay được câu hỏi “Câm à?” từ một người nhân viên làm mình không khỏi giật mình, vì sợ quá mình đã đi thật nhanh và rẽ sang ngõ 130 Xuân Thủy cho đỡ sợ.”
Trên phố cổ có “bún mắng, cháo chửi” thì ở Chợ Xanh chẳng làm gì cũng sẽ được nghe chửi.
Muốn được trải nghiệm “cảm giác mạnh”, hãy thử một chuyến đến với chợ Xanh.
Nhưng bị chửi, bị đuổi vẫn chưa là gì so với những khách hàng bị dọa đánh, thậm chí là bị hành hung ngay tại gian hàng đang bán. Theo chia sẻ của T.P (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền): “Mình cũng có nghe kể về nhiều vụ đi chợ Xanh bị ép giá, nhưng không nghĩ là chính mình cũng gặp phải. Mình có ghé một tiệm giày thì chị bán hàng nói giá 350.000 VNĐ, mình có hỏi giảm xuống 200.000 VNĐ thì chị bán hàng nói hàng mới về nên bán 320.000 chứ không giảm được. Mình xin phép lần sau quay lại chứ không mua bây giờ thì chị rất hung hăng, kéo tay mình lại và dí hẳn chiếc giày vào mặt mình, mình có nói với chị là nên lịch sự vì quyền mua hay không là của mình nhưng chị nắm tay mình rất chặt và có ý định dọa đánh. Mình liền đẩy chị đó ra và hô hoán mọi người thì chị thay đổi hẳn thái độ và vào lại trong quán.
Mình có đi thêm một hàng khác để mua một đôi y hệt thì giá chỉ có 180.000 VNĐ và mình đã đồng ý mua. Và mình nghĩ sẽ không bao giờ quay lại chợ Xanh nữa vì quá sợ”.
Trước đây, chợ Nhà Xanh cũng đã từng có thời buôn bán rất lịch sự, tuy nhiên do “giá thuê mặt bằng ngày càng đắt, khách hàng cũng ngày một khó tính hơn, tiền thuê nhân viên cũng cao nên việc ép doanh số, buộc phải bán được hàng đôi lúc cũng trở thành áp lực cho các chủ cửa hàng ở đây”, một tiểu thương chia sẻ.
Muốn an toàn khám phá chợ Nhà Xanh, chỉ cần biết cách và có bạn đồng hành
Dù để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp, nhưng chợ Nhà Xanh vẫn là điểm đến của nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên quanh khu vực quận Cầu Giấy bởi ở đây vẫn có những cửa hàng giá cả phải chăng, mặt hàng phong phú, đa dạng, nhân viên niềm nở tiếp đón. Nhiều bạn cũng đã lựa chọn cho mình 1 quán quen để lần nào ghé chợ cũng sẽ qua cửa hàng này để tìm món đồ mình mong muốn.
Hãy lựa chọn cho mình 1 quán quen để an tâm khi mua hàng, hay rủ thêm nhiều bạn bè để bảo vệ lẫn nhau.
Theo chia sẻ của một sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, thường xuyên ghé khu chợ này mua đồ, khi vào chợ Xanh “nên rủ một nhóm bạn đi cùng để chẳng may có gì xảy ra sẽ không sợ bị bắt nạt, chỉ nên ghé những cửa hàng có ghi giá, đề biển đàng hoàng, chủ quán niềm nở. Đừng tỏ ra sợ hãi mà cứ giữ bình tĩnh thì sẽ không ai dám làm gì mình đâu. Nếu bị ép quá thì cứ dọa sẽ báo lên ban quản lý chợ và đội an ninh trật tự để người ta biết mình không dễ bị bắt nạt”.
Đi chợ tưởng chừng như là điều đơn giản, nhưng một khi đã chọn lựa bước chân vào những khu chợ đặc biệt như chợ Nhà Xanh thì việc chuẩn bị những kỹ năng tự vệ, phòng thân là điều rất cần thiết.
Không chỉ ở chợ Xanh mà khi đi tất cả các khu chợ khác, nên tìm hiểu thật kĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra
Không chỉ buôn bán mặt hàng may mặc, đồ gia dụng, chợ Nhà Xanh cũng là thiên đường ẩm thực của cả khu vực Cầu Giấy.
Dạo một vòng chợ, không khỏi ngạc nhiên vì ở đây món gì cũng có, nhất là những quán ăn vặt – điểm dừng chân lý tưởng của nhóm bạn sinh viên. Những cửa hàng bán viên xiên, xúc xích, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, hoa quả dầm lúc nào cũng tấp nập người mua, đứng xếp hàng chờ đến lượt. Các món nước giải khát như kem chanh, trà đào cam xả, trà tắc, trà chanh cũng đầy đủ không thiếu thứ gì.
Đặc biệt, khu chợ Nhà Xanh có rất nhiều con hẻm thông sang ngõ 130 Xuân Thủy – nơi sở hữu những món ăn vặt thần thánh như nem nướng, bánh gạo cay Hàn Quốc, tào phớ, gà bó xôi, bún chả,… đã từng được xuất hiện trên rất nhiều trang review đồ ăn ngon Hà Nội. Cứ khoảng 5h chiều trở đi, khu chợ Nhà Xanh và con ngõ này sẽ trở nên tấp nập lạ thường vì đó là giờ ăn vặt của sinh viên các trường Báo chí, Sư phạm, Ngoại ngữ và cả các trường THPT xung quanh.
Không chỉ buôn bán mặt hàng may mặc, đồ gia dụng, chợ Nhà Xanh cũng là thiên đường ẩm thực của cả khu vực Cầu Giấy. (Nguồn ảnh: Lozi)
Vậy cái tên chợ Nhà Xanh bắt nguồn từ đâu?
Chợ Nhà Xanh (chợ Xanh) theo cách lí giải của nhiều người sinh sống lâu năm ở khu chợ này, họ cho rằng theo khẩu ngữ chợ xanh tức là chợ tạm thường bán các loại rau quả. Trước đây chợ này đúng với tên gọi của nó nhưng ngày nay thay vì bán rau củ, chợ đã chuyển hoàn toàn sang bán quần áo, đồ ăn vặt và cái tên chợ Xanh theo thói quen vẫn được giữ gìn và gọi từ đó đến bây giờ.
Cũng có lí giải khác đó là vì ở ngay đầu chợ có ngôi nhà màu xanh nước biển cao sừng sững, vượt trội hơn hẳn những nhà xung quanh nên lấy luôn đó mà làm tên chợ, gọi là chợ Nhà Xanh. Tựu chung lại thì đây vẫn là một trong những địa điểm nên ghé thăm của tất cả các bạn tân sinh viên muốn khám phá Hà Nội, khám phá nhịp sống của tuổi trẻ, của những tháng ngày sinh viên giản dị, vui tươi.
Chợ Nhà Xanh được hiểu theo rất nhiều cách khác nhau, có người nghĩ là xanh nước biển, người lại nghĩ là màu xanh lá cây.