Trước đó, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nêu cụ thể với Chính phủ về những vướng mắc, bất cập. Các vướng mắc này liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định, 20 quyết định của Thủ tướng và 135 thông tư thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang Bộ.
Văn phòng Chính phủ sau khi tổng hợp, rà soát thấy nổi lên nhiều nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của 10 bộ, ngành thuộc quản lý điều hành của 10 Bộ trưởng.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành với tinh thần tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung.
Rất rõ ràng, quyết liệt. Thủ tướng còn yêu cầu hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành VBQPPL gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8 để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2, diễn ra vào tháng 10/2021.
Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền.
Về thời hạn, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ hoàn thành trong quý III năm nay. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 5/10, trong đó nêu rõ những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung; đối với những nội dung không sửa đổi, bổ sung phải giải trình rõ lý do không sửa đổi. Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15/10.
Hệ thống pháp luật Việt Nam từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, với nhiều thành tựu to lớn; tuy nhiên, đã và đang tiếp tục bộc lộ những khiếm khuyết, trong đó có vấn đề thiếu tính thống nhất.
Cũng phải khẳng định, sự ra đời của Luật BHVBQPPL năm 2008 là một bước tiến đáng kể trong việc giảm các loại VBQPPL, nhưng theo quy định tại Điều 2 của Luật này, các loại văn bản còn tới 19 loại. Điểm yếu của VBQPPL hiện nay vẫn là mang tính chất định khung, khó áp dụng trực tiếp vào các trường hợp cụ thể mà phải thông qua các văn bản hướng dẫn, giải thích; “tuổi đời” không dài, tính quy phạm thấp, thiếu tính thống nhất, tính kịp thời.
“Hành lang pháp lý” vô cùng quan trọng, không gỡ “điểm nghẽn”, không thông “hành lang” thì khó vận hành.
Theo Ngô Đức Hành (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/khai-thong-diem-nghen-d163559.html