Đây không phải lần đầu tiên mà Khá Bảnh được dẫn trong phần đọc hiểu và nghị luận xã hội của đề thi Văn tại các trường THPT. Nhưng đây chính là phép thử mới đầy mạo hiểm để giúp người trẻ nhận ra bản thân mình đôi khi cũng rất sai lầm.
Trường THPT Mường Bú, tỉnh Sơn La vừa đưa nhân vật “Khá Bảnh” trong thi môn Văn học kỳ II của khối 12. Cụ thể ở phần Đọc – hiểu bài thi này, nói về anh chàng Ngô Bá Khá (Sinh năm 1993, quê Bắc Ninh). Điều khiến anh ta nổi tiếng là chia sẻ những video clips giang hồ trên mạng xã hội với mái tóc không đâu vào đâu với điệu múa xoè quạt trên nền nhạc “vina house”.
Khi đề thi được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ và các bậc cha mẹ phụ huynh đã bình luận và đưa ra quan điểm riêng của bản thân về đề thi như “Sao lại đưa nhân vật này vào bài thi. Tấm gương người tốt, tấm gương người tốt việc tốt xung quanh còn rất nhiều kia mà.” . “Đề thi này thật không hay chút nào, nếu được trở lại thời cấp ba thì có lẽ mình đã để tờ giấy trắng vì không biết viết gì về nhân vật này rồi.”
Phần Đọc – hiểu văn bản trường THPT Mường Bú tỉnh Sơn La nói về nhân vật “Khá Bảnh” – một nhân vật nổi cộm trên mạng xã hội nhờ vào những hành động tiêu cực của mình. (Nguồn: NVCC)
Có thể nói những ngày vừa qua thì anh chàng “Khá Bảnh” này đã chiếm sóng khá nhiều trên các diễn đàn dành cho giới trẻ. Tuy nhiên, theo nhận định của các giáo viên dạy Văn thì những hiện tượng xã hội thực tế đương đại đưa vào đề thi dưới góc nhìn thấy hình ảnh tiêu cực để nhận thức tích cực hơn cũng là cách để giúp các bạn trẻ học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm cho mình hiện tại: Đừng nên ứng xử giống cậu trai “Khá Bảnh”, hành động của anh ta rất lệch lạc và gây rối trật tự xã hội.
Nhận định về đề thi này, thầy Trịnh Quỳnh – người đã từng ra đề thi và là tác giả của hàng chục đầu sách luyện thi môn Văn cho biết rằng: “Đề thi đề cập đến một hiện tượng nóng của xã hội, có thể nêu những vấn đề lệch lạc và chưa đúng đắn trong đời sống của giới trẻ để định hướng, uốn nắn học sinh cách ứng xử. Chúng ta không nên né tránh những vấn đề mới phát sinh trong thời đại công nghệ hiện nay, nói về cái xấu là để hướng tới những điều tốt đẹp hơn, nhằm vun đắp giá trị sống nhân văn.”
Nhiều nam sinh nữ sinh đã để lại bình luận:“Bài thi này đã giúp mình nắm rõ hơn về vấn đề xã hội để biết rằng thần tượng của mình là đúng hay sai từ đó rút ra bài học cho bản thân gia đình và xã hội.” Tuy nhiên, theo ý kiến của thầy Trịnh Quỳnh: “Giáo viên cần lựa chọn ngữ liệu phù hợp, tránh những suy nghĩ, quan điểm không đúng chuẩn mực ở bài làm của học sinh. Nếu giáo viên lựa chọn giữa những tấm gương tốt truyền cảm hứng thì nó sẽ có sức lan tỏa những điều tốt đẹp tích cực và đọng lại ở học sinh những điều ý nghĩa hơn.”
Có thể nói rằng, những đề thi có hình ảnh tiêu cực giờ đã không còn quá xa lạ với các bạn học sinh. Nhưng đây là cách thức nhanh nhất để các thầy cô hiểu rõ học trò mình hơn trong tương lai gần. Và chính bản thân các bạn trẻ khi cầm chiếc đề thi trên tay phải học cách tự nhận thức là vấn đề này tốt hay xấu để tránh phát sinh hậu quả tiêu cực trong thời đại công nghệ ngày nay.