Hợp tác gỡ vướng chính sách để HTX phát triển

Diễn đàn pháp lý Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: VGP/Thành Chung

Chiều 17/4 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã tham dự Diễn đàn pháp lý Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương có chủ đề “Tạo lập khung khổ pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực HTX trong thế kỷ XXI”.

Tham dự Diễn đàn còn có ông Bruno Roelants, Tổng giám đốc Liên minh HTX quốc tế, ông Li Chungseng, Chủ tịch Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết Diễn đàn nhằm thảo luận xu hướng phát triển và tác động tới khu vực HTX trong thế kỷ XXI, xác định vấn đề pháp lý và chính sách ảnh hưởng tới HTX trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tạo lập hệ sinh thái HTX ở khu vực…

Chào mừng Diễn đàn khai mạc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp quan trọng về vật lực, góp phần đưa Việt Nam thống nhất đất nước và phát triển. Trong quá trình phát triển, Việt Nam tiếp tục ban hành chủ trương, chính sách nhằm đổi mới hoạt động của HTX theo kiểu mới, phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy hơn nữa vai trò và lợi ích của kinh tế hộ gia đình.

Nhờ Nghị quyết trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, Luật HTX (sửa đổi), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng 15.000 HTX hoạt động hiệu quả đã giúp các HTX của Việt Nam thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài.

Trong 3 năm qua, tỉ lệ HTX hoạt động hiệu quả đã tăng từ 10% lên 50% trong tổng số hơn 13.000 HTX của cả nước (tính tới hết năm 2018). Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, yêu cầu đặt ra cho HTX là không chỉ thích ứng với cơ chế thị trường mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu.