Ngày 12/10, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phật giáo ở Thái Nguyên với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước
Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể để từ đó có cách nhìn về những giá trị mà Phật giáo Thái Nguyên nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung đã cống hiến và mang lạị trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Với hơn 60 chuyên đề được các đại biểu trình bày, hội thảo được chia làm hai phần: Phật giáo Thái Nguyên trong lịch sử đạo pháp và dân tộc; Nguồn lực Phật giáo trong phát triển ở tỉnh Thái Nguyên.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 03 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong đó, Phật Giáo là tôn giáo lớn có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, với số lượng 70 chức sắc, hơn 1000 chức việc, gần 97 nghìn tín đồ và 195 cơ sở thờ tự. Những năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã luôn nêu cao tinh thần hộ quốc, an dân, sống tốt đời, đẹp đạo, tăng cường đoàn kết tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tại Hội thảo, ông Dương Văn Tiến, UVBTV, Trưởng ban dân vận Tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Mặc dù gắn bó lâu dài trên mảnh đất Thái Nguyên, song tới nay chưa có một tài liệu nghiên cứu chính thống, đầy đủ về Phật giáo Thái Nguyên và quá trình hình thành, phát triển cũng như những cống hiến, thành tựu của Phật giáo đối với tỉnh nhà.
“Chính vì thế, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương ban hành những cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo trong sự phát triển của Tỉnh, cũng như tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để Phật giáo cùng các tôn giáo khác hoạt động có hiệu quả, góp phần chăm lo, đáp ứng đời sống tôn giáo, đời sống tinh thần của tín đồ Phật Giáo nói riêng và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung.”
Thượng tọa Thích Nguyên Thành khai mạc Hội thảo.
TT Thích Nguyên Thành nhấn mạnh trong bài phát biểu tham luận của mình: “Thái Nguyên là mảnh đất thiêng liêng, giàu truyền thống. Chúng tôi rất tự hào được về mảnh đất Thái Nguyên để hành đạo. Trong hành đạo luôn xác định 2 vai. Một vai là chức sắc Phật giáo. Một vai là một công dân thật sự là tốt”.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Đỗ Lan Hiền – Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng – HV Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh nhận định: Triết lý giác ngộ của Đức Phật và Tăng đoàn từ khi xuất hiện cho tới nay được tìm hiểu và lý giải từ nhiều cách tiếp cận. Trong hội thảo khoa học hôm nay chúng ta tiếp cận Phật giáo từ góc độ tôn giáo. Là tôn giáo duy nhất, triết lý Phật giáo gần với Khoa học giáo dục, khoa học nhận thức thế giới tự nhiên và xã hội.
Cũng nhân sự kiện này, chùa Phù Liễn – Trụ Sở Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Thái Nguyên đã trang nghiêm tổ chức lễ hưng công xây dựng ngôi Tam Bảo.nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tu học của tăng ni và phật tử tỉnh nhà…
Thiện Tâm (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/hoi-thao-phat-giao-thai-nguyen-voi-su-nghiep-bao-ve-va-phat-trien-dat-nuoc-d185294.html