Chiều 8/3, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị phiên thường kỳ tháng 3.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 và báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Theo đó, trong tháng 2, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế – xã hội trong tháng 2 tiếp tục được duy trì ổn định.
Đáng chú ý là giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 duy trì mức tăng nhẹ, đạt hơn 7.770 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 220 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 2 đạt hơn 2.410 tỷ đồng; lũy kế 2 tháng đạt trên 4.720 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đạt hơn 2.420 tỷ đồng, đạt 10,8% dự toán.
Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường được tập trung chỉ đạo. Kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ, tiến độ các công trình dự án có tính chất chiến lược như tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn 1), tuyến đường T21, ĐT.482…được đẩy nhanh.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ; tập trung kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân; lâm nghiệp được tập trung cho việc trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện.
Đặc biệt, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với doanh thu tăng cao, đạt trên 635 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt hơn 1.255 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần. Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chung (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng tăng 0,29% so với tháng trước và tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Ngành Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 theo quy định. Ngành Giáo dục đã tổ chức tốt các kỳ thi, cuộc thi, hội thi đảm bảo khách quan, công bằng, an toàn, nghiêm túc; nổi bật là tổ chức thành công kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2022- 2023, kết quả có 449/702 thí sinh đạt giải.
Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, an ninh – quốc phòng được tăng cường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ kết quả phát triển kinh tế- xã hội trong tháng 2, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như công tác thu ngân sách, công tác GPMB đối với các dự án trọng điểm của tỉnh và việc triển khai các dự án phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch… để tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu theo kế hoạch đã đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù kết quả phát triển kinh tế trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm của tỉnh đã có những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên chúng ta phải nhận định rõ những khó khăn do tác động của tình hình thế giới và trong nước để từ đó xây dựng kế hoạch, bước đi hợp lý trong điều kiện hiện nay.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của các ngành, địa phương để hoàn chỉnh báo cáo. Bên cạnh 11 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong dự thảo báo cáo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Do đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB các dự án, nhất là một số dự án trọng điểm của tỉnh có tầm ảnh hưởng, ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dư địa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ du lịch, nhất là đối với các homestay hoạt động chưa được cấp phép, các dịch vụ nhà hàng để tạo nếp sống văn minh trong du lịch cũng như tránh thất thu thuế.
Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, cần tập trung các giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp để tăng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư những dự án có tính chiến lược theo định hướng của tỉnh.
Đối với các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội, an ninh trật tự… các ngành cần tập trung cho các hoạt động văn hóa phục vụ Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư. Đồng thời coi đây là các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch để tổ chức với quy mô xứng tầm sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy các hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng.
Đối với các vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở như vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế… đồng thời, tập trung cao cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Nguyễn Thơm- Trường Giang- Hoàng Hiệp
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-ubnd-tinh-phien-thuong-ky-thang-3/d20230308170933859.htm