Hỡi các anh các chị, đời chưa đủ mệt à mà cứ phải khẩu nghiệp với nhau?

Khẩu nghiệp xung quanh chúng ta nhiều đến mức, đôi khi ta thấy nó rất bình thường, quen thuộc, thậm chí là một thú vui.

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 1.
Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 2.

Cô Tuyết tung tẩy đi chợ, hỏi mua vài cân xoài. Vừa nâng lên đặt xuống, chọn lựa cả mẹt để có những quả ngon nhất, đẹp nhất, cô vừa chê: “Quả to thì dập với xước, quả nhỏ thì non, chả ưng được tí nào”. Bà bán hàng lầm bầm: “Mới sáng mở hàng đã hãm vía, mua thì mua không mua thì biến nhé. Hàng đang tươi, vầy một lúc nhàu như cái mặt cô bây giờ”.

Cô Tuyết chọn một hồi cũng được đôi chục quả, chuyền sang tay bà chủ hàng để cân, không quên bảo: “Đã không mặc cả rồi thì bà cân cho chuẩn vào đấy. Các bà là chúa cân điêu, 1 cân ăn 7 lạng, tôi về kiểm tra mà cân không chuẩn, sáng mai đừng trách sao tôi phải khẩu nghiệp.”

Gần đó, mấy bà bán bún đang xoe xóe mắng nhân viên chạy bàn: “Ăn gì mà ngu thế, mỗi việc bê đúng món cho khách thôi mà cũng không nên thân, ngữ chúng mày thì…” rôm rả cả một góc chợ, ngày nào cũng như mở nhạc hòa tấu.

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 3.

Chinh vừa nhón đồ ăn vặt trên đĩa vừa làm việc, còn đồng nghiệp của cô thì lượn quanh như đèn cù. Linh nhón tay bốc miếng xoài, bảo: “Chị Chinh ơi, ăn một mình nghiệp quật đấy, mà nghiệp đầu tiên là nghiệp mập, không tốt đâu nhé!”; người dặn dò thân tình: “Chinh ơi, béo lắm rồi đừng ăn nữa, béo quá mỡ lấp não giờ.”…

Cô chỉ lầm bầm, nghĩ rằng nếu nghiệp có thật, khẩu nghiệp sẽ quật mấy đứa đó trước.

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 4.
Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 5.

Lộc, thành viên kỳ cựu của một group khẩu nghiệp đăng lên một loạt ảnh mấy bác trung niên, U50, U60 áo yếm chụp ảnh bên sen. Nhanh như chớp, cả đống icon cười hô hố, cười chảy nước mắt được tung ra cùng những bình luận: “Ôi các chị già, ngày mai mà sen chết cả đám thì biết tại ai nhé”, “Quả này ông chủ đầm tưởng lãi mà thành lỗ cho xem”, “Người toàn mỡ nung núc thế kia, nhìn đã ngấy, thật sợ các bác già tự tin thái quá!”…

Tương tác của bài viết tăng rất nhanh, comment nào càng chua cay càng hút like. Chả ai lăn tăn gì, vì đó là group để mọi người được phép “xấu tính”, tha hồ khẩu nghiệp trên mạng ảo mà….

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 6.

Khẩu nghiệp đã trở thành một từ thông dụng thời gian gần đây. Ở nơi xô bồ như chợ búa, chốn văn phòng hay các trang mạng xã hội, nhiều người lặp lại khái niệm đó. Nó phổ biến đến mức, chỉ cần search Google “khẩu nghiệp”, chúng ta sẽ có khoảng 172.000.000 kết quả trong 0,36 giây.

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 7.

Vậy khẩu nghiệp là gì?

“Khẩu nghiệp”, gốc của từ này có trong quan niệm của đạo Phật, khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Cũng như hành động, bất cứ lời nói nào mà ta đã nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này. Một lời nói vô tình có thể làm mình và người khác đau khổ, day dứt cả cuộc đời.

Với người nghiêm túc, khẩu nghiệp là những lời nói có tính chất nặng nề, xúc phạm đến người khác, những lời móc mỉa làm người khác tổn thương…

Với nhiều người trẻ, khẩu nghiệp chỉ đơn giản là mấy câu đùa vui, nói tục, chòng ghẹo, bình phẩm về ai đó cho sướng mồm. Trên thực tế, không ít người thậm chí còn lấy những câu chửi tục, bình phẩm đá xoáy người khác làm niềm vui nghĩ rằng chỉ là đùa thôi mà không hề nghĩ mình vừa khẩu nghiệp.

Không chỉ thế, trong thời đại công nghệ, nhiều người online trên các mạng xã hội thường dùng lời có ác ý, lời thô tục, xúc phạm đến người khác (mà phổ biến nhất là xúc phạm thân thể người khác) cũng đã trở thành điều thường thấy. Không chỉ viết những lời ác, mà việc ai đó tán thành, nhấn “like” ủng hộ những lời ác ngữ đều là khẩu nghiệp cả.

Vậy khẩu nghiệp từ đâu mà ra?

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 8.

Trong thời hiện đại stress trùng trùng, bao nhiêu việc ức chế dồn vào đầu, mắt thấy tai nghe, nếu không có chỗ mà phát tiết ra ngoài, người ta nghĩ rằng mình sẽ phát điên mất nếu không được xả. Mà những kiểu động tay, động chân thì vừa khó vừa nguy hiểm quá. Chi bằng cứ xả ra vài tràng lời sấm sét, nghiệt cay. Dù sao cũng chỉ là lời nói chứ cũng đâu để lại thương tích gì trên thân thể người khác?!

Những lời cáu giận, mai mỉa, ban đầu có thể khiến người ta khó nghe, nhưng trong một môi trường ngày càng có nhiều người làm như thế, cái sai lâu dần thành cái đúng. Và dường như người ta cứ vô tư mà nói mà chỉ coi đó là lời đùa, lời nói gió bay chứ không hề biết rằng, mình đã khẩu nghiệp!

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 9.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, người ta có nhiều lời răn dạy liên quan đến lời ăn tiếng nói. Chẳng phải ngẫu nhiên là người xưa đã nhấn mạnh vào việc “học ăn, học nói” để biết rằng, cách ăn uống, nói năng quan trọng đến thế nào, ảnh hưởng đến nhân cách một con người ra sao.

Nhìn bề ngoài, những lời mắng chửi, giận dữ chẳng để lại chút tổn hại nào cho người đối diện. Và rõ ràng, nếu so sánh với những vết thương trên thân thể thì những lời nặng nề chẳng tác động gì.

Có điều, lời nói không phải là gió bay. Lời tuôn ra trong khi nóng giận, sướng miệng thật nhưng sẽ để lại hậu quả khôn lường. Không chỉ với người nghe mà tác động đến cả người nói nữa. Và thực tế, không nhất thiết phải đánh đập, làm tổn thương cơ thể ai đó mới là tổn thương, đôi khi lời nói có tính sát thương nặng nề, dai dẳng hơn cả.

Cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải khẩu nghiệp với nhau? - Ảnh 10.

Những người hay dùng những lời nói nặng để chửi mắng làm tổn hại đến danh dự của người khác sẽ khiến người đó nổi giận, bị tổn thương, đau đớn…; và nói ra những lời lẽ thô thiển ấy cũng tác động ngược lại chính người nói, lâu dần tạo nên một con người nóng nảy, kém bình tĩnh để nhận ra đúng sai. Chưa kể khi nói những lời sân hận, ác ý, ta còn hạ thấp mình, danh dự mình, và xa xôi hơn là bị trả thù, bị cô lập.

Ai cũng muốn nghe những lời hay tiếng đẹp. Ta cũng vậy. Cớ gì ta nói những lời không dễ nghe, ta khẩu nghiệp với người khác? Trước khi nói ra một lời, hãy tự nghĩ: liệu người nghe có muốn nghe những lời mình nói không, liệu ai đó nói với mình như thế, mình có thoải mái lắng nghe, chấp nhận không? Nếu câu trả lời rằng không, tốt nhất ta nên cố gắng để không nói ra.

Lời nói là cách con người giao tiếp với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà những quy chuẩn nói năng được các bậc ông bà, cha mẹ nối nhau truyền dạy cho con cái sao cho chỉn chu, đúng mực nhất. Bởi đó là gốc rễ, là cách tạo nên một con người và xa hơn là nền móng để tạo nên một xã hội tốt đẹp. Chẳng phải mỗi ngày chúng ta vẫn đang phấn đấu để trở thành những công dân văn minh, hiện đại hay sao?

Khẩu nghiệp dù chỉ để cho vui hay là thật cũng nên tiết chế, hãy học cách nói lời tử tế, vì cuộc sống này đã thừa bon chen và mỏi mệt, hà cớ gì chúng ta phải buông lời “súng đạn” với nhau?