Với quan điểm xuyên suốt: Lấy người học làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; tỉnh ta không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị (LLCT) trong hệ thống giáo dục quốc dân. Qua đó, tạo bước tiến mới, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và chế độ.
Nội dung chương trình học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân của tỉnh đã bám sát yêu cầu, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phù hợp với từng đối tượng người học, cấp học. Với thời lượng từ 35 – 75 tiết/năm, các Phân hiệu Đại học, trường Cao đẳng, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa mục tiêu dạy học các môn LLCT. Trên cơ sở đó, bao quát được nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn kết lý luận với thực tiễn của đất nước, địa phương; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng và phát triển năng lực, trách nhiệm của người học.
Đối với học sinh THPT, nội dung giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật được thực hiện 70 tiết/năm; môn Giáo dục công dân 35 tiết/năm, trong đó có 6 tiết tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng. Quá trình giảng dạy, giáo viên thực hiện tích hợp một số nội dung về văn hóa, pháp luật, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, gương người tốt, việc tốt… Qua đó, giúp học sinh tự rèn luyện bản thân, nhân lên tình yêu Tổ quốc, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của lớp, của trường. Đối với cấp THCS, ngoài học tập môn Giáo dục công dân, Sở GD&ĐT đã phối hợp biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Giang để triển khai giảng dạy trong các nhà trường với thời lượng 35 tiết/năm. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giới thiệu các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu và lịch sử tỉnh Hà Giang. Riêng với cấp tiểu học, học sinh được học tập môn Đạo đức với thời lượng 1 tiết/tuần, 35 tiết/năm. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo còn biên soạn những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, đưa ra các hình ảnh, tình huống thực tế trong đời sống xã hội để minh họa làm phong phú bài giảng. Đồng thời, quan tâm giáo dục trẻ hình thành nhân cách, lối sống đẹp, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng…
Đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Bắc Quang tham gia bồi dưỡng chính trị hè năm 2024. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT: Đội ngũ nhà giáo giảng dạy LLCT ở các cấp học đã vận dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng khơi dậy, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Hơn nữa, phương pháp học tập còn được thực hiện linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, phù hợp với từng cấp học, tạo được hứng thú, trách nhiệm cho người dạy và người học. Ngoài giảng dạy trên lớp, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia các buổi trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, tham quan Bảo tàng tỉnh, khu di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh; giáo dục kỹ năng sống; tổ chức các diễn đàn, hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh. Đặc biệt, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng môn LLCT có nhiều đổi mới. Thông qua hình thức thi kiểm tra, nhà trường còn linh hoạt kết hợp với đánh giá năng lực học tập, đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử của học sinh, sinh viên, hướng người học tới các giá trị chân, thiện, mỹ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.142 giáo viên, giảng viên giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, LLCT; trong đó, trên 96% được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành, trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Xây dựng đội ngũ giáo viên LLCT có tâm, có tầm chính là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng học tập LLCT trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bởi vậy, tỉnh ta đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh tổ chức trên 1.500 lớp bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè cho hơn 160.000 lượt giáo viên, giảng viên. Riêng Sở GD&ĐT tổ chức 3 Hội thi giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân. Qua đó, tạo điều kiện để giáo viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, đổi mới kỹ năng, phương pháp giảng dạy LLCT, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
THU PHƯƠNG
Nguồn Báo Hà Giang: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/hoc-tap-ly-luan-chinh-tri-lay-nguoi-hoc-lam-trung-tam-06628e8/