Hoàn Cầu công nhận phe dân chủ Hồng Kông thắng áp đảo, lãnh đạo nhóm ủng hộ Đại lục cúi đầu xin lỗi cử tri

Các lãnh đạo đảng DAB ủng hộ Bắc Kinh cúi đầu xin lỗi cử tri sau thất bại lớn trong bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông (Ảnh: AP)

Trang tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ghi nhận chiến thắng của phe ủng hộ dân chủ trong bầu cử địa phương ở Hồng Kông ngày 24/11 là “to lớn” và “áp đảo”.

Chuyên gia Trung Quốc nêu nguyên nhân đảng ủng hộ Bắc Kinh thua

Theo Hoàn Cầu, trong khi nhóm ủng hộ dân chủ “giành được thắng lợi lớn” trong cuộc bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông với 388/452 ghế, kiểm soát 17/18 quận, phe ủng hộ Đại lục cùng chính quyền đặc khu Hồng Kông đã kêu gọi kiểm điểm sâu sắc những vấn đề xã hội thâm căn cố đế, đồng thời cho rằng cuộc bầu cử năm nay mang yếu tố cảm tính lớn và bị chính trị hóa bởi tình trạng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua.

Starry Lee Wai-king, chủ tịch của đảng ủng hộ Bắc Kinh lớn nhất của thành phố là Liên minh Dân chủ vì Hồng Kông Tiến bộ và Tốt đẹp (DAB), sáng ngày 25/11 đã cùng 6 lãnh đạo đảng gửi lời xin lỗi đến cử tri ủng hộ đảng này sau khi “phe đối lập chiến thắng áp đảo” – Hoàn Cầu đưa tin.

Đây là thất bại lớn nhất trong lịch sử của DAB.

Bà Lee đã đưa ra đề nghị xin từ chức song bị các lãnh đạo khác của đảng bác bỏ. Ngoài ra, các đại diện DAB cam kết đảng sẽ kiểm điểm về thất bại.

Hoàn Cầu công nhận phe dân chủ Hồng Kông thắng áp đảo, lãnh đạo nhóm ủng hộ Đại lục cúi đầu xin lỗi cử tri - Ảnh 1.

Các thành viên đảng Dân chủ đối lập ở Hồng Kông ăn mừng thắng lợi trong bầu cử hội đồng địa phương (Ảnh: SCMP)

Nhận định về nguyên nhân thất bại của phe ủng hộ Bắc Kinh, học giả Li Xiaobing từ Đại học Nam Khai, Thiên Tân, nói rằng chiến dịch này đã bỏ lỡ cơ hội định hình dư luận trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.

Theo ông Li, họ “thất bại trong tận dụng ưu thế nguồn lực và những phàn nàn của công chúng về tình trạng hỗn loạn do những người quá khích gây nên”.

Li Xiaobing nói, một trong số nguyên nhân chủ chốt khiến phe ủng hộ chính quyền thua đậm là bởi nhóm này “không có lựa chọn nào khác” ngoài ủng hộ dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Dự luật – dù đến nay đã được rút lại – chính là nguồn cơn khơi mào các cuộc biểu tình phản đối ban đầu vào tháng 6.

“Những căng thẳng xã hội đang diễn ra đã khiến biểu hiện của dư luận hết sức cảm tính,” ông Li nói, chỉ ra rằng dư luận Hồng Kông bất mãn với những nỗ lực của chính quyền cũng như các đảng phái thân Bắc Kinh trong đối phó biểu tình. Và quan điểm của công chúng đã thể hiện trong kết quả bầu cử địa phương.

Ảnh hưởng trong quan hệ Mỹ-Trung

Giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Nam Kinh, ông Zhu Feng, nói việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ mới đây thông qua đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là một động thái đúng lúc nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington với người biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông.

Zhu cho rằng, kết quả bầu cử hội đồng địa phương sẽ gây ra thêm “bất ổn” trong quan hệ giữa hai nước, bởi Mỹ “dường như thích sử dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền để chống lại Trung Quốc”.

Chuyên gia Huang Jing, từ Đại học ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh, đánh giá Mỹ nhiều khả năng sẽ gia tăng ủng hộ cho các thành viên đảng phái đối lập ở Hồng Kông. Theo ông Huang, cả Mỹ và Trung Quốc “sẽ quan tâm chặt chẽ đến cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp đặc khu Hồng Kông vào năm tới”.

Tang Fei, ủy viên hội đồng thuộc Hiệp hội người Hoa ở Hồng Kông và Macau, tin rằng phe đối lập sẽ nhanh chóng gây sức ép lên cảnh sát đặc khu liên quan đến chiến dịch bao vây người biểu tình gần đây tại Đại học bách khoa Hồng Kông, cũng như tạo dựng một liên minh giữa các hội đồng cấp quận nhằm tạo thế cân bằng với chính quyền đặc khu, thậm chí là chính phủ trung ương Trung Quốc, trong đối thoại liên quan đến 5 yêu cầu của người biểu tình Hồng Kông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời về bầu cử địa phương Hồng Kông ngày 25, tuyên bố “bất kể có chuyện gì xảy ra thì Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, và bất kỳ ý đồ gây bất ổn hoặc hủy hoại sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông sẽ thất bại”.

Phe ủng hộ Bắc Kinh cố tìm giải pháp xoay chuyển tình hình

Hao Shinan, chuyên gia về Hồng Kông tại Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, nhận định thất bại của phe ủng hộ Bắc Kinh lần này không đồng nghĩa phe này không thể xoay chuyển tình hình.

Hao kêu gọi chiến dịch của các đảng phái ủng hộ Đại lục cần bình tĩnh và sáng tạo, tìm cách gây dựng liên hệ với các tầng lớp cơ sở hơn là chỉ tập trung vào các chiến lược vận động tranh cử. Ngoài ra, họ cũng cần tập trung lôi kéo lại sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ tuổi nhằm thay đổi hình ảnh truyền thống của đảng.

Theo tờ Hoàn Cầu, thất bại trong bầu cử địa phương đã cho thấy rõ những điểm yếu kém của phe ủng hộ Đại lục, đặc biệt khi họ không thể và không biết cách trao đổi với nhóm cư dân trẻ của Hồng Kông.

Tờ này thừa nhận, sự ủng hộ áp đảo dành cho các lực lượng phản đối chính quyền cho thấy Hồng Kông đang bị kéo ra xa khỏi chính phủ trung ương.

“Đã có những hiểu lầm về quan hệ giữa Hồng Kông và chính phủ trung ương, song nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’ sẽ luôn là chỉ dẫn hàng đầu cho cả phe đối lập và các nhóm ủng hộ chính quyền,” Tam Yiu-chung, ủy viên Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, nói.

 

Hải Võ, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/hoan-cau-cong-nhan-phe-dan-chu-hong-kong-thang-ap-dao-lanh-dao-nhom-ung-ho-dai-luc-cui-dau-xin-loi-cu-tri-82019261161312390.htm