Hổ phụ sinh hổ tử: Đọc bức thư mẹ Richard Branson viết cho con để hiểu tại sao doanh nhân này thành công đến vậy

Richark Branson thừa nhận có những phẩm chất lãnh đạo hẳn nhiên mang tính di truyền, và ta không thể né tránh một thực tế: mỗi người đều là sản phẩm của sự nuôi dạy và môi trường xung quanh.

Sau đây là bài viết của Richard Branson mở đầu trong cuốn sách của mình về gia đình. Ông cho rằng đôi khi những bài học lãnh đạo tuyệt vời nhất lại xuất hiện từ chính những chốn không ngờ nhất. Có những phẩm chất lãnh đạo hẳn nhiên mang tính di truyền, và ta không thể né tránh một thực tế: mỗi người đều là sản phẩm của sự nuôi dạy và môi trường xung quanh. Đúng như câu nói: “Trứng rồng thì nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu.” 

Hình mẫu lãnh đạo từ mẹ

Vâng, bất cứ ai quen biết mẹ Eve hay bố Ted quá cố của tôi sẽ đều xác nhận, tôi đương nhiên không phải là ngoại lệ với quy tắc này. Tôi nhận ra rất nhiều nét tính cách ở bản thân rõ ràng là thừa hưởng từ bố mẹ – hầu hết là tốt đẹp – mặc dù có vài điểm ở bố mẹ khiến tôi phát khùng hồi còn bé, chắc chắn cũng gây hiệu ứng tương tự lên các con tôi bây giờ.

Từ những ký ức đầu tiên tôi còn nhớ được, mẹ luôn luôn tất bật, luôn chân luôn tay không ngừng nghỉ. Hình như mẹ có trí tưởng tượng vô hạn, luôn nảy ra những ý tưởng làm ăn mới mẻ. Tôi không nhớ nổi có khi nào mẹ tự coi mình là một doanh nhân chưa– có lẽ chỉ vì, tôi cho là hồi ấy từ này còn chưa tồn tại, mà nếu có, chắc cũng chả có ai biết nghĩa là gì – nhưng chắc chắn mẹ chính là định nghĩa cho “doanh nhân”.

  Mẹ là một cơn lốc chạy bằng sức người. Bất kể nảy ra sáng kiến hoành tráng mới mẻ nào, mẹ cũng sẽ một mình quán xuyến từ đầu đến cuối, từ phát triển ý tưởng cho đến chế tác sản phẩm, tới thỏa thuận với các nhà phân phối, vận chuyển và bán hàng. Không một ai có thể chen vào được, đó là màn độc diễn của mẹ, chỉ một mình mẹ mà thôi! 

Tôi vẫn nhớ mình bị ấn tượng mạnh trước một trong những thương vụ thành công nhất của mẹ, là lắp ráp rồi bán hộp khăn giấy và thùng rác làm từ gỗ. Sản phẩm này đã xuất hiện ở mấy cửa tiệm khá là choáng lộn, nhưng nhìn chung, đó là những thương vụ tương đối địa phương. Mẹ vô cùng bướng bỉnh, mẹ dạy tôi không bao giờ được than vãn những chuyện đã rồi. Nếu sản phẩm nào đó không bán được, đơn giản là mẹ xóa sổ nó, rút kinh nghiệm và thản nhiên tiến bước, rồi thử làm thứ khác. 

Các chị em tôi và tôi luôn bị lôi kéo đi làm lao động trẻ em không-trả-công (là “lao động vì tình yêu” như cách gọi của mẹ), hoặc tất cả việc vặt trong nhà sẽ được phân công cho chúng tôi khi mẹ đang ở chế độ “sản xuất sản phẩm”. Hẳn nhiên hồi đó tôi không hề nhận ra, nhưng chẳng nghi ngờ gì, quy tắc thẩm thấu diễn ra thường xuyên trong nhà lúc bấy giờ giúp ích cho tôi rất nhiều về sau này.

Hổ phụ sinh hổ tử: Đọc bức thư mẹ Richard Branson viết cho con để hiểu tại sao doanh nhân này thành công đến vậy - Ảnh 1.

Mẹ chẳng thay đổi gì mấy mặc dù năm nay mẹ đã… úi chà. Chính mẹ là người dạy tôi không bao giờ được nhắc đến chuyện tuổi tác của phụ nữ, thế nên ta cứ tạm lấp lửng kiểu “chắc là mẹ mới chớm bát tuần”. Hồi còn trẻ, mẹ có một thời gian ngắn làm vũ công ở sân khấu West End, tiếp đó trở thành tiếp viên hãng hàng không British South American – đó là những ngày mà đi máy bay là một việc thật sang chảnh, thời đó, người ta còn phải chụp mặt nạ dưỡng khí lúc bay qua dãy Andes. Đến tận bây giờ, mẹ vẫn vận động không ngừng! Tôi cũng không hẳn sống kiểu ngồi yên một chỗ, nhưng tôi thề là lắm lúc tôi khó mà bắt kịp mẹ.

Một ví dụ gần đây là đang yên đang lành, mẹ hứng chí tuyên bố ý định tổ chức một trận polo từ thiện – hẳn không phải là việc ta trông chờ ở một người đã ngoại bát tuần! Nhưng trận bóng này không diễn ra trên sân cỏ làng quê gần nhà mẹ – mẹ tính tổ chức ở tận Ma-rốc kia! 

Ngạc nhiên, nhưng không hề kinh hãi, tôi nói với mẹ, thẳng thừng và dứt khoát, rằng tôi nghĩ đấy là ý tưởng thật sự điên rồ; không những đòi hỏi lượng sức người sức của khổng lồ, mà rốt cuộc, nó có thể khiến mẹ tốn kém chứ chẳng huy động được tiền. Mẹ chăm chú nghe những lời tôi nói và rồi tiếp tục quay ra làm cho được. Trận bóng không chỉ diễn ra, mà còn thành công rực rỡ, thu về được 250 nghìn đô-la. Nên, dù tôi bị tước mất cơ hội được nói: “Đấy, mẹ thấy chưa, con đã bảo mà”, thì thật lòng tôi phải ngưỡng mộ sự kiên định của mẹ, và thay vào đó là một câu (rất lí nhí): “Mẹ siêu thật đấy.”

Bức thư của bà mẹ tuổi bát tuần

Một trong những nét tính cách đặc trưng gia đình mà tôi (được bảo là do) thừa hưởng từ di truyền đó là nhất quyết nói lời cuối cùng khép lại bất cứ chủ đề gì. Nào, để thể hiện là mình vô cùng linh động, tôi sẽ mời mẹ Eve nói vài lời đầu tiên trong cuốn sách này, tôi mời mẹ (với tư cách là một tác giả cũng đã có sách xuất bản) viết vài cảm nghĩ. Dựa trên những gì tôi vừa kể, bạn thử xem những lời sau đây nghe có quen không nhé? “Mẹ nào con nấy” mà!

Ricky yêu quý,

Nếu thật lòng con muốn mẹ nói gì đó trong cuốn sách sắp tới của con thì đây nhé.

Bố mẹ đã nhận thấy điều đó ở con, gần như từ khoảnh khắc đầu tiên con bắt đầu biết nói. Nhưng thậm chí từ trước đó, khi con mới tập đi, bố mẹ đã ý thức rằng rồi mình sẽ bận bịu lắm đây; con chập chững thế thôi, nhưng rõ ràng là một đứa bé thích làm mọi thứ theo cách riêng, và bằng những nguyên tắc riêng của con.

Để làm mọi chuyện thêm thú vị, khi lớn lên, con liên tục ấp ủ sẵn sàng đủ thứ âm mưu điên khùng, mà con tin chắc rằng sẽ biến đổi cả thế giới, kiếm được thật nhiều tiền hoặc cả hai! Thi thoảng, bố mẹ thốt lên những câu kiểu: “Thôi đừng bày trò lố thế, Ricky ơi! Chẳng đi đến đâu đâu.” Thế nhưng, thường thì, bố con và mẹ chọn cách cho con thật nhiều không gian để tự học hỏi từ những lỗi lầm, để con thỏa thích theo đuổi kế hoạch trồng cây thông Giáng sinh, chăn nuôi chim chóc cùng các loại hình kinh doanh lạ đời và tuyệt vời mà con nghĩ ra. Gần như không có ngoại lệ, tất cả đều chuốc về cái kết thảm họa theo kiểu gì đó, còn bố mẹ thì đi nhặt nhạnh những mảnh tan tác – cả nghĩa đen và nghĩa bóng – nhưng bố mẹ vẫn kiên trì và chỉ mong mỏi rằng một ngày kia, những bài học thu được sẽ giúp con trong cuộc đời.

Hổ phụ sinh hổ tử: Đọc bức thư mẹ Richard Branson viết cho con để hiểu tại sao doanh nhân này thành công đến vậy - Ảnh 2.

Và có lẽ, rốt cuộc kết quả đúng là như thế thật. Sau một khởi đầu đầy chông gai, khi con và Virgin đã có được thành công vững vàng, bố con và mẹ lại thường băn khoăn tự hỏi con sẽ khác đi như thế nào, nếu chúng ta là những bậc phụ huynh nắm quyền “sinh sát” nhiều hơn, hay như người ta vẫn nói, là “mẫu mực hơn”. Sẽ ra sao nếu chúng ta cương quyết ngăn con lao đầu vào quá nhiều trò liều lĩnh ngốc nghếch đến thế, thay vì cho phép con bỏ trường bỏ lớp khi mới 16 tuổi thì chúng ta ép con dùi mài kinh sử và hoàn tất việc học tập? Như thầy hiệu trưởng của con ở Stowe, từng có câu tiên đoán (giờ đây trở thành) trứ danh rằng đến tuổi 21, hoặc con sẽ ngồi tù hoặc sẽ thành triệu phú, bố mẹ cũng chia sẻ những âu lo trăn trở về con đường tương lai đợi chờ con phía trước.

Tất nhiên, hiện tại đã cho thấy chúng ta chẳng cần lo lắng đến thế. Thứ ngày xưa bố mẹ thấy là một cậu nhóc cứng đầu cứng cổ chỉ khăng khăng làm theo ý mình, hóa ra không gì khác, chính là khởi đầu đầy gian nan của một “mầm non doanh nhân”. Nếu ngay lúc bấy giờ bố mẹ nhận ra điều đó, hẳn chúng ta đã bớt được rất nhiều đêm mất ngủ!

(*) Nội dung tham khảo cuốn sách Phong cách Virgin.                                                         Yêu con, Mẹ