Theo bà Nghĩa, cô giáo phạt học sinh 231 cái tát đã vi phạm đạo đức nhà giáo, còn Hiệu trưởng phát phiếu điều tra vụ việc là hạn chế, yếu kém về năng lực, kinh nghiệm quản lý.
Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) thừa nhận đã yêu cầu 23 học sinh lớp 6.2 trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phạt tát 231 cái đối với một học sinh.
Theo bà Anh, các học sinh phải trả lời tất cả 19 câu hỏi mà nhà trường đưa ra. Mục đích việc trả lời câu hỏi nhằm tìm ra “sự thật của 231 cái tát mà em H.L.N phải nhận”.
Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối 3/12 liên quan sự việc này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi tiếp xúc cử tri đã khẳng định, hành vi của cô giáo Thủy là phản giáo dục và bị dư luận xã hội lên án.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa.
Theo bà Nghĩa, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an huyện Quảng Ninh đã khởi tố vụ án để điều tra, tuy nhiên, vừa qua Hiệu trưởng nhà trường lại tiến hành phát phiếu cho học sinh trong lớp để tìm hiểu vụ việc này.
“Hôm nay chúng tôi mới nhận được thông tin và thấy rằng, cô giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo còn Ban giám hiệu, Hiệu trưởng đã hạn chế, yếu kém về năng lực, kinh nghiệm, nghiệp vụ quản lý.
Trước sự việc này, đúng ra phải xử lý, báo cáo lên các cơ quan quản lý để xử lý nghiêm, nhưng cô Hiệu trưởng lại đi yêu cầu học sinh làm khảo sát về những vấn đề xảy ra rất rõ ràng.
Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD – ĐT, UBND huyện và Phòng GD – ĐT huyện Quảng Ninh tiến hành kiểm tra, báo cáo và xử lý nghiêm”, bà Nghĩa nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho rằng, ông không ủng hộ việc Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh lấy phiếu điều tra học sinh sau vụ việc cô giáo phạt học trò 231 cái tát vì học trò.
Theo ông Nhân, Hiệu trưởng muốn tìm hiểu sự thật thì ngoài việc hỏi cô giáo, có thể hỏi thêm một số học sinh vì học trò thường không nói dối. Việc cô hiệu trưởng phát phiếu điều tra hỏi mỗi em học sinh tới 19 câu hỏi chi tiết là thiếu hợp lý và không nên làm.
“Điều tra là nhiệm vụ của cơ quan công an. Hơn nữa, khi nhà trường hỏi bằng phiếu điều tra học sinh như vậy là chưa đặt niềm tin vào báo chí.
Sự việc đã xảy ra như vậy, cả nước biết rồi thì còn hỏi học sinh bằng phiếu làm gì nữa? Vô hình chung làm cho tập thể lớp 6.2 gồm 23 em học sinh đó càng lo thêm nữa.
Về phân cấp quản lý, đã là người đứng đầu đơn vị khi xảy ra vụ việc giáo viên sai phạm thì hiệu trưởng phải là người nhận trách nhiệm.
Ở đây cô giáo có tát một vài em rồi, theo như phản ánh thì cô hiệu trưởng cũng nên nhận trách nhiệm để có bước xử lí phù hợp tiếp theo. Dư luận xã hội có thể còn đồng tình hơn là việc hiệu trưởng đi điều tra học sinh”, ông Nhân nhấn mạnh.