Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp

Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, với chất lượng đầu vào cao, chương trình đào tạo tốt, đảm bảo quy chuẩn đầu ra quốc tế, sinh viên Ngoại thương ra trường có quyền được đòi hỏi cho mình một mức lương xứng đáng!

“Havard Việt Nam”, “Sinh viên chảnh”, “Tiếng Anh đỉnh”, “Lò đào tạo hoa hậu”… là những điều mà người ta thường bàn tán về Đại học Ngoại thương – ngôi trường số 1 về đào tạo Kinh tế tại Việt Nam. Trên thực tế, với những thành tích mà trường đạt được suốt bao năm qua cũng đủ để trường chứng minh và khẳng định vị thế ấy, bất cứ sinh viên nào tốt nghiệp từ ngôi trường này cũng mang trong mình niềm tự hào mãnh liệt.

Đảm nhiệm vai trò là Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương tử năm 2015, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về công tác đào tạo của nhà trường cũng như những danh hiệu xung quanh mà người ta gán cho ngôi trường này.

Người ta gọi trường Đại học Ngoại thương là “Harvard Việt Nam” – nhà trường có tự hào với danh hiệu này hay không?

Thực ra tôi cũng không biết từ đâu mà có danh hiệu đó, tất nhiên là một lãnh đạo của ĐH Ngoại thương thì khi mọi người dùng từ Harvard Việt Nam với hàm ý tốt thì tại sao mình không cảm thấy vinh dự.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Thế nhưng đó cũng là một gánh nặng khiến mình phải trăn trở, mình đang ở vị thế được xã hội đánh giá cao thì vậy phải làm thế nào để giữ vững mới là điều khiến cả toàn thể đội ngũ giáo viên, các sinh viên phải đau đầu. Vui thì rất vui, phấn khởi có phấn khởi nhưng cũng là sức nặng, không đơn giản chỉ là vui nữa. Nhà trường luôn đi theo hướng khác biệt và dẫn đầu, trong bối cảnh hiện nay, phải làm sao để không được phép lùi mà phải tiến lên nâng cao hơn nữa.

Ngoài danh hiệu “Harvard Việt Nam”, Ngoại thương còn được biết đến là lò đào tạo Hoa hậu. Trường đã làm gì để tạo điều kiện cho các sinh viên của mình tham gia các cuộc thi sắc đẹp?

Tham gia các cuộc thi sắc đẹp chính thống do các đơn vị được cấp phép tổ chức là một trong nhiều hoạt động ngoại khóa của sinh viên Ngoại thương. Trường luôn chú trọng xây dựng môi trường giáo dục cởi mở, thân thiện, mang tính quốc tế để các bạn sinh viên có thể khai phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân, tự tin nắm bắt mọi cơ hội và có lẽ đây chính là điều giúp các bạn thành công trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp. Nhà trường luôn tự hào về những kết quả mà các em sinh viên đã đạt được.

Tuy nhiên, không phải bạn là hoa hậu thì tôi phải dạy riêng cho bạn, không có chuyện đấy. Tất nhiên nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các bạn tham gia các chương trình, nhưng với điều kiện các bạn vẫn phải đảm bảo việc học. Cho nên Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh hay Hoa hậu Lương Thùy Linh hay ngay cả Phùng Bảo Ngọc Vân – một trong những sinh viên ra trường đạt bằng xuất sắc. Nhà trường luôn có phương châm rằng việc nào ra việc đó, bởi nếu không học thành người thì cũng không thể làm gì khác.

Đại học Ngoại thương có phải là Đại học số 1 Việt Nam?

Trường luôn tự hào là trường đào tạo đứng đầu về kinh tế tại Việt Nam. Điển hình là việc sinh viên ra trường có việc làm, phát huy năng lực được đánh giá tốt từ các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. Đồng thời, với đội ngũ thầy cô trẻ luôn nhanh nhạy, có năng lực ngoại ngữ và khả năng làm việc với các đối tác nước ngoài, gắn bó với các bạn sinh viên. Đó chính là những điều tự hào của Ngoại thương.

Dốt ngoại ngữ có nên đăng ký vào học Ngoại thương không thầy?

Ngoại ngữ rất quan trọng đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì Ngoại thương, nhưng trường thì đặt ra chuẩn ngoại ngữ tương đối cao. Các bạn hãy hình dung rằng các bạn tân sinh viên thường chia làm mấy nhóm, một nhóm ít học ngoại ngữ ở bậc phổ thông như các bạn thi khối A00 hay nhóm còn lại là thi D, A01, thì họ có nền tảng ngoại ngữ tốt.

Những năm gần đây thì tỷ lệ sinh viên thi khối A00 không có điểm ngoại ngữ chiếm tỷ lệ khá cao, lúc đầu có thể các bạn yếu tiếng Anh nhưng sau đó được rèn luyện trong môi trường Ngoại thương thì các bạn đạt được chuẩn đầu ra, nhưng phải cố gắng hơn các bạn chuyên ngoại ngữ rất nhiều.

Nếu ai đã muốn đăng ký học Ngoại thương, thì các bạn đã hiểu môi trường Ngoại thương sẽ có chuẩn đầu ra cao như thế. Thực ra các thầy cô trong trường cũng không chuyên tiếng Anh, nhưng để đáp ứng được công việc, ai cũng phải cố gắng trau dồi kiến thức, học tập, nghiên cứu để làm được việc. Tôi nghĩ ai cũng có thể làm được.

Hiện nay, tiếng Anh đã quá phổ cập, gần như các bạn sinh viên có thể tiếp xúc được với ngôn ngữ này với tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 3.

Ngoại thương có chương trình đào tạo đặc biệt nào không, thưa thầy?

Đó là chương trình tiên tiến, có 3 chương trình tiên tiến đó là Kinh tế, Quản trị kinh doanh và một chương trình mới nữa là Tài chính – Ngân hàng. Các chương trình tiên tiến này hầu như chỉ có sinh viên ưu tú nhất theo học, mỗi năm tầm 200-250 bạn.

Tổng sinh viên theo học chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao chiếm khoảng 25% sinh viên toàn trường, tức là học bằng tiếng Anh có khoảng 25% sinh viên toàn trường và trường đang phấn đầu sẽ tăng dần qua các năm.

Các chương trình này thậm chí có các sinh viên nước ngoài đến theo học, điển hình trong năm nay, trường vừa khai giảng thì có 142 sinh viên nước ngoài đến từ các nước tiên tiến theo học. 142 sinh viên này được chia đều đến các lớp, sử dụng ngôn ngữ chung bằng tiếng Anh như thế buộc các giảng viên phải giảng dạy bằng tiếng Anh và sinh viên phải trao đổi với nhau bằng tiếng Anh chứ không thể chỉ mỗi sử dụng tiếng Việt, góp phần tạo ra môi trường quốc tế, trong tương lai trường muốn nâng cao con số này lên khoảng 400-500 sinh viên.

Với chất lượng đào tạo như vậy, sinh viên Ngoại thương sau khi ra trường sẽ được trang bị những kỹ năng, tố chất gì để vừa đáp ứng được xu thế, vừa mang bản sắc của Ngoại thương?

Sinh viên Ngoại thương luôn có những bản sắc riêng, luôn được xã hội đánh giá với khả năng sáng tạo, sự nhạy bén vận dụng những gì đã được học vào thực tiễn một cách thuần thục, do đó sinh viên Ngoại thương luôn được đánh giá cao.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 5.

Với điểm đầu vào luôn cao, và nhiều người cho rằng điểm đầu vào cao như vậy thì chẳng cần dạy nhiều gì nó cũng giỏi, đây là một cách lập luận hoàn toàn sai. Ngoại thương luôn có một quan niệm rằng nếu sinh viên có đầu vào tốt, môi trường rèn luyện tốt, đội ngũ chất lượng giảng viên tốt thì chắc chắn Ngoại thương luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, và luôn mong muốn các bạn đầu quân về công ty mình.

Vậy tỷ lệ sinh viên có việc làm của trường là bao nhiêu?

Hàng năm, Nhà trường đều có tiến hành các khảo sát về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường của Nhà trường. Kết quả khảo sát mới nhất năm 2018 cho thấy 94% sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương ra trường có việc làm ngay, 4% tiếp tục học nâng cao, còn lại, do một số lý do, 2% sinh viên ra trường chưa đi làm luôn xuất phát từ mong muốn chủ quan của sinh viên.

Nhà trường có những tiêu chí đánh giá gì cho chuẩn đầu ra của trường?

Ngoại thương xây dựng chuẩn đầu ra cao hơn thông thường, ví dụ 4 chương trình chất lượng cao được kiểm định và đạt chuẩn bởi tổ chức AUN-QA (Hệ thống giáo dục ASEAN), còn 2 chương trình đào tạo tiên tiến sẽ được kiểm định bởi quốc tế. Tỷ lệ các chương trình kiểm định quốc tế sẽ chiếm hơn 50%. Một sinh viên ra trường phải đảm bảo được kiến thức, trong đó có cả kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ngoại ngữ phải đạt chuẩn 6.5 IELTS trở lên, một số kỹ năng tin học văn phòng…

Điểm đầu vào cao, chất lượng đào tạo cũng hàng đầu, thì thầy nghĩ sinh viên FTU có quyền “chảnh” và đỏi hòi mức lương cao khi ra trường đi làm không?

Có quyền đòi hỏi một mức lương cao là một nhận định hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên nếu đòi hỏi quá thì không nên nhưng đòi hỏi ở mức đúng khả năng của các em thì tôi vô cùng khuyến khích. Nếu thế hệ trước đây rất ngại nói về mức lương, thì thế hệ các em trẻ bây giờ hoàn toàn có quyền đòi hỏi, có quyền “chảnh”, nhưng đừng quá cao so với mức chung của xã hội.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 6.

Ở đây có hai cách lập luận về vấn đề này, trong đó có một số người cho rằng các em hãy cứ “chảnh” đi, các em hãy cứ nhảy việc đi và tìm cho mình chỗ tốt nhất và tối ưu. Tất nhiên ở phía các nhà tuyển dụng, họ cũng luôn muốn tìm cho mình những sinh viên tốt để trở thành những nhân viên giỏi. Tôi luôn nghĩ rằng câu chuyện này đã xảy ra từ lâu rồi, trong công tác đào tạo FTU luôn có định hướng hướng nghiệp rõ ràng cho các em.

Số lượng sinh viên hàng năm của trường nghỉ để đi du học khá lớn, vậy trường có chính sách gì để giữ các sinh viên giỏi không đi nước ngoài?

Thực chất nhà trường không khuyến khích các bạn sinh viên đi nước ngoài, mà lại đưa ra lời khuyên cho các em rằng hãy học xong ở Ngoại thương rồi đi học thêm ở nước ngoài. Đi nước ngoài vốn là một chuyện tốt, giúp các em mở mang đầu óc và trải nghiệm. Mặc dù có rất nhiều chính sách học bổng cho các em đi, nhưng trường luôn nghĩ rằng các em nên học ở Việt Nam xong thì hẵng học cao hơn ở nước ngoài thì tốt hơn.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 7.

Với xu thế startup như hiện tại, trường có chính sách thúc đẩy quá trình khởi nghiệp ở các bạn sinh viên?

Các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên đã được Nhà trường triển khai dưới hình thức các cuộc thi, ví dụ như Khởi Nghiệp cùng Kawai, FBA Innovation Challenge, IPChallenge, I-invest, Bản lĩnh Marketer, Cuộc thi khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ khối Pháp ngữ…

Trong chương trình đào tạo, Ngoại thương cũng đã đưa vào môn học “Tinh thần kinh doanh khởi nghiệp”. Để hỗ trợ sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp thì nhà trường cũng lập ra trung tâm “Ươm tạo và sáng tạo FTU”, hỗ trợ giúp cho các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên.

Nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa một sinh viên khởi nghiệp thành công khi đang ngồi trên ghế nhà trường, với một sinh viên chú tâm vào học tập, trường sẽ muốn hướng sinh viên đi theo hướng nào?

Ngoại thương luôn suy nghĩ rằng việc tham gia các hoạt động, nuôi dưỡng ý tưởng hay tham gia năng nổ các CLB là một việc làm cần thiết, nhưng để mà từ bỏ tất cả để khởi nghiệp và dựa vào lý do các tỷ phú không học cũng thành công thì nhà trường không đồng ý. Các tỷ phú thành công như thế tỷ lệ rất rất nhỏ, đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số chúng ta không phải ai cũng xuất sắc, tôi nghĩ rằng chúng ta nên học đến nơi đến chốn, sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, chi phí và tránh được rủi ro. Học được rồi, trang bị kiến thức đầy đủ thì làm chuyện gì cũng có thể được chứ không riêng gì khởi nghiệp.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Sinh viên của trường có quyền “chảnh”, có quyền đòi hỏi mức lương cao khi tốt nghiệp - Ảnh 8.

Đặc biệt, đa số các dự án khởi nghiệp thành công của các em sinh viên không phải xuất phát từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà là sau khi em tốt nghiệp mới là tiếp nối của quá trình thành công. Chính vì vậy hiện nay trong hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp có cả sinh viên đang học lẫn cựu sinh viên, đàn anh đi trước giúp đỡ đàn em, đàn em đi sau học hỏi đàn anh khiến cho tinh thần khởi nghiệp ở Ngoại thương luôn được “giữ lửa”.