“Hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết”

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An góp ý, về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận” tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ngày 24/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Kyhopthu5.

Phiên họp ngày 24/5 Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Giải thích rõ “giá đề nghị trúng thầu” là gì?

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật đủ điều kiện để thông qua và sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trong thời gian qua.

Duongtanquan.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh quochoi.vn

Tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt qúa giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức  độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho NSNN.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất, đồng thời cần giải thích từ ngữ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào.

Cần làm rõ một số hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An góp ý, về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

240520230911-z4371481491397_8cdd9fae4cf8c6a75c93bfffbe8d27ed

Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 2 có 2 phương án quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, đại biểu thống nhất với phương án 2 để đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, đồng thời tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của luật đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cũng đề nghị làm rõ các tiêu chí cụ thể về “có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu ngay từ ban đầu” trong quy định này. Ngoài ra, đại biểu cũng yêu cầu làm rõ tiêu chí đánh giá tính chất đặc thù phát triển kinh tế xã hội của ngành, vùng, địa phương nêu tại khoản 3 Điều 35.

Về hành vi chuyển nhượng thầu, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu rõ, theo dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt vì hành vi chuyển nhượng thầu. Tuy nhiên theo đại biểu, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

TranQuangMinh.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh quochoi.vn

Do vậy, để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem xét nghiên cứu sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận thì không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.

Rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến hủy thầu

Tham gia các quy định về hủy thầu, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, tại Khoản 4, Điều 17 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Điểm c, điểm d Khoản 1 và Điểm c, điểm d Khoản 2 điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Dẫn chiếu tới Điều 90 của dự thảo luật và tại khoản 1 Điều 90 của dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối chiếu nội dung xử phạt trong trường hợp hủy thầu được quy định tại Khoản 4, Điều 17 cũng như tại Khoản 1, Điều 90 có sự trùng lặp. Do vậy, đại biểu đề nghị bỏ Khoản 4, Điều 17 vàchỉ cần quy định tại Khoản 1, Điều 90 là đã đầy đủ.

“Không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả”

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất quy định đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu thì cần phải đấu thầu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu và không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước. “Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng”, đại biểu nêu dẫn chứng. Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải tổ chức đấu thầu nhưng không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.

PhamVanHoa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. Ảnh quochoi.vn

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp. Bởi Luật vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đâu là điểm cân bằng cho các yêu cầu này là điều rất khó. Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, lại gây khó khăn ách tắc, nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến và có 2 phương án. Trong đó, phương án của Chính phủ là: Luật này thì chỉ áp dụng đối với cả doanh nghiệp Nhà nước thuộc đối tượng mà quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và không áp dụng Luật này đối với cả các trường hợp lựa chọn nhà thầu dự án mà có sử dụng vốn nhà nước từ 30% vốn trở lên hoặc là dưới 30% trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số đại biểu thì lại cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ vốn Nhà nước vì nhiều các gói thầu của các công ty con mà thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ không phải đấu thầu.

NguyenChiDung2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh quochoi.vn

Làm rõ phương án của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Khi mà đã sử dụng vốn của nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước hay không phải doanh nghiệp nhà nước mà đã sử dụng vốn của nhà nước đều phải thực hiện đấu thầu theo vi phạm điều chỉnh của Luật này.

Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước không khan thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp khác và phải bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí để đánh giá chủ yếu làm sao để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp.