Đã từng nghe câu tục ngữ “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, để rồi khi về mạn biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tôi bắt gặp tiếng thở dài của cánh thợ lặn thôn Thái Lai, Tân Mạch trở về sau chuyến “kiếm cơm” dưới đáy biển. Trong ánh hồi quang soi chiếu từ “quá khứ” chưa xa, những người thợ lặn vẫn thầm thì với nhau về những lần đối diện với lằn ranh sinh tử dưới đáy đại dương và tai nạn thương tâm của bạn nghề… trong suốt mấy chục năm nghề lặn biển du nhập vào xã Vĩnh Thái.
Thợ lặn Lê Sơn Đông đưa thủy sản từ dưới biển lên thuyền – Ảnh: NVCC
Trong ký ức của thợ lặn Lê Sơn Đông (49 tuổi) ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, nghề lặn biển được du nhập vào xã Vĩnh Thái từ cánh thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh cách đây tròn 33 năm. Năm 1990, nhận thấy ngoài khơi vùng biển xã Vĩnh Thái có hệ thống rạn biển với nhiều loại thủy hải sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, sò mai, ốc xà cừ…. nên thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh tìm đến.
Sau các cuộc thỏa thuận miệng về tỉ lệ chia phần số lượng thủy hải sản đánh bắt được, ngư dân thôn Thái Lai dùng thuyền máy có công suất từ 10 – 15 CV chở thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh ra vùng biển được xác định là vùng rạn biển có trữ lượng tôm, cá, sò, ốc lớn rồi ngồi trên thuyền để xem họ làm việc.
Sau những chuyến ra biển như vậy, một vài ngư dân thôn Thái Lai bắt đầu muốn học nghề lặn biển và được các thợ lặn ở Hà Tĩnh “hào phóng” chia sẻ kinh nghiệm.
Hồi đó, để phục vụ cho việc lặn biển, trên thuyền của ngư dân thôn Thái Lai được cánh thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh trang bị máy chuyển khí (gồm cả máy nổ gắn bộ phận tạo khí, bình đựng khí). Bình đựng khí là loại bình thường thấy ở các điểm bơm, vá lốp xe ô tô.
Chiếc bình này sẽ cung cấp oxy cho các thợ lặn thông qua ống chuyển khí bằng cao su dài khoảng 70-100 m (to bằng ngón tay cái), nối trực tiếp từ bình đựng khí đi thẳng vào miệng thợ lặn, còn máy chuyển khí được đặt dưới khoang thuyền… “Tôi là một trong số ngư dân được cánh thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn, truyền nghề. Tuy vất vả và đối mặt với hiểm nguy nhưng lúc ấy, thấy thợ lặn tỉnh Hà Tĩnh dễ dàng kiếm vài triệu đồng sau mỗi chuyến biển, tôi cùng các ngư dân thôn Thái Lai quyết tâm theo học đến cùng.
Để học nghề lặn biển, tôi phải tập há miệng ngậm chặt đầu ống chuyển khí ám đầy dầu nhớt rồi nhảy xuống biển. Luồng hơi từ bình đựng khí thổi thẳng vào cổ họng khiến tôi có cảm giác mặt, mũi, mắt mình phình to như trái bóng… Lượng khí nén thẳng từ bình đựng khí chưa qua bất cứ bộ lọc nào nên sẽ có một lượng nhỏ dầu nhớt xuyên thẳng vào miệng…
Sau đó là đến công đoạn nín thở để bạn nghề kéo bộ quần áo người nhái từ đầu xuống thân. Bộ quần áo bó sát, ép chặt toàn thân. Những ngày đầu tập lặn, tôi không đeo dây chì bên hông và túi đựng thủy hải sản, được thả xuống độ sâu vừa phải để tập thở.
Hai thợ lặn trên thuyền quan sát, sẵn sàng kéo tôi lên nếu tôi không chịu được, để quen với độ lặn sâu vừa phải…Rồi tôi cũng học được nghề lặn biển và gắn bó cho đến tận bây giờ”.
Tôm hùm được thương lái thu mua sau chuyến lặn biển – Ảnh : H.A
Thợ lặn Nguyễn Hữu Đạt (39 tuổi) ở thôn Tân Mạch góp chuyện, muốn làm nghề thợ lặn cũng đơn giản, chỉ cần đầu tư số tiền khoảng 30 – 40 triệu đồng để mua chiếc thuyền công suất nhỏ, hệ thống máy chuyển khí, bộ quần áo người nhái, kính đeo mắt, đèn pin chống nước chuyên dụng, găng tay, giày nhựa, dây chì nặng khoảng 15 – 20 kg (đeo vào thắt lưng để thợ lặn chìm nhanh xuống đáy biển và di chuyển dưới đáy biển)… là có thể ra biển hành nghề. Cánh thợ lặn thôn Thái Lai, Tân Mạch chuyên lặn ở rạn biển ngoài khơi vùng biển xã Vĩnh Thái, Kim Thạch, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh).
Công việc của thợ lặn khi ra biển là xác định rạn biển, khởi động hệ thống máy chuyển khí. Sau khi kiểm tra kỹ thuật cẩn thận từng dụng cụ mang theo xuống biển cũng như ống chuyển khí, các thợ lặn ngậm ống, đeo kính, móc vợt lưới vào cổ và nịch dây chì vào người rồi quăng mình xuống biển mất hút. Trên thuyền lúc này chỉ còn lại một người vừa trực để xử lý khi sự cố xảy ra, vừa chờ để kéo tôm, cá mà các thợ lặn đánh bắt được dưới đáy biển lên thuyền.
Xuống đến đáy biển (thường là sâu khoảng 10 – 20 sải nước, 1 sải nước tương đương khoảng 1,6 m), thợ lặn bắt đầu chậm rãi di chuyển trong làn nước để tìm bắt tôm hùm, sò điệp, ốc xà cừ…bằng tay. Mỗi lần lặn xuống, thợ lặn có thể đánh bắt khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ dưới đáy biển.
Bình quân mỗi ngày, thợ lặn biển giỏi có thể đánh bắt được vài chục kilogam tôm hùm, cá, sò, cua, ốc… là chuyện thường (thu nhập bình quân hiện tại của một thợ lặn trong ngày là 1-2 triệu đồng). Thời điểm trước và sau tết Nguyên đán Quý Mão – 2023, thợ lặn thôn Thái Lai, Tân Mạch lặn bắt tôm hùm ở rạn biển với thu nhập từ 10 – 40 triệu đồng/người trong vài chuyến biển.
“Tuy nhiên, nghề lặn biển không phải lúc nào cũng cho thu nhập khá. Cách đây vài năm, giá tôm hùm thường giao động từ 1 – 1,5 triệu đồng/kg nên thợ lặn thôn Thái Lai, Tân Mạch có thu nhập cao. Thời gian gần đây, tôm hùm nuôi ở các vịnh biển được thương lái nhập về bán tràn lan nên tôm hùm tự nhiên mà thợ lặn đánh bắt được giá chỉ còn khoảng 400 – 800 nghìn đồng/kg tùy vào kích cỡ, ảnh hưởng đến thu nhập của thợ lặn”, anh Đạt chia sẻ.
Còn mùa lặn biển chính thường bắt đầu từ tháng 2 kéo dài đến tháng 8 – 9 hằng năm bởi vào thời gian này nước biển ấm, lại trong nên khi lặn xuống có thể thấy tôm, cá, ốc để đánh bắt. Các tháng còn lại, nếu trời yên, biển lặng thì thợ lặn vẫn có thể ra biển nhưng khi lặn phải dùng đến đèn pin chuyên dụng soi sáng trong làn nước biển đục ngầu mới bắt được thủy hải sản.
Thợ lặn thôn Thái Lai trở về từ biển – Ảnh: H.A
Khi được hỏi về những hiểm nguy rình rập cánh thợ lặn dưới đáy đại dương, anh Đông thở dài rồi nói với tôi rằng, nghề thợ lặn quá vất vả nên tính đến hiện tại thôn Thái Lai, Tân Mạch có gần 50 thợ lặn nhưng đều ở độ tuổi từ 38 tuổi trở lên. Lớp trẻ hầu như không ai “mặn mà” học nghề lặn biển.
Bởi nghề lặn biển cứ sau mỗi chuyến ra khơi trở về là có vài triệu đồng đưa vợ trang trải cho cuộc sống, nhưng nhiều khi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. “Không nói đâu xa, ở thôn Thái Lai, Tân Mạch này, chú cứ nhìn người nào mà ngực nở phình phình, dáng đi khập khiễng thì đích thị đó là người làm nghề lặn biển.
Tròn 33 năm thôn Thái Lai, Tân Mạch du nhập nghề lặn biển thì có đến hàng chục thợ lặn biển phải mang thương tật hoặc bỏ mạng bởi nghề này”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản chỉ cần đi vào khu vực thợ lặn đang hoạt động, nếu ngư dân canh hệ thống máy chuyển khí ở lại trên thuyền không phát hiện kịp thời để ra hiệu cho tàu, thuyền tránh xa thì chân vịt tàu, thuyền vướng vào dây nén khí xuống cho thợ lặn bị đứt, lúc ấy tính mạng người thợ khó được bảo toàn.
Rồi khi lặn xuống đáy biển để đánh bắt thủy hải sản, thợ lặn phải hết sức chú ý, khi dây nén khí bị gập khúc hoặc bị đứt, hệ thống máy chuyển khí không hoạt động thì ngay lập tức phải nhanh chóng tháo dây chì, bỏ túi đựng thủy sản để ngoi lên mặt nước.
Thông thường, ở độ sâu khoảng 15 – 20 m, thợ lặn có thể nổi lên trong vòng 10 -15 giây; ở độ sâu từ 30 – 40 m có tối đa khoảng 2 phút từ khi mất hơi phải ngoi lên mặt nước. Chỉ cần muộn vài phút, vài giây, lập tức lượng oxy không còn để nuôi cơ thể khiến cho tay, chân tê liệt, máu trào ra từ mũi, miệng, tai… Nếu may mắn thoát chết thì cũng bị thương tật suốt đời.
“Còn nhiều nguyên nhân khác khiến thợ lặn bị thương tật suốt đời. Như tôi vừa rồi bị bong võng mạc trong một lần lặn xuống rạn biển để bắt tôm hùm, sò mai do áp suất nước. Đến bây giờ, mắt trái của tôi bị mờ không nhìn thấy gì. Làm nghề lặn biển khổ trăm bề…”, anh Đông tâm sự với tôi như vậy trong buổi chiều anh cùng bạn nghề thôn Thái Lai không thể ra khơi vì biển động.