Chỉ trong 2 tiếng 59 phút sau khi ra mắt MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng MTP đạt được 1 triệu lượt like. Đây cũng là MV đạt 1 triệu like nhanh nhất trong lịch sử Vpop. Ẩn sau hiện tượng âm nhạc này là những bài học tạo ra sản phẩm dễ lan truyền mà nhiều người làm nội dung, youtuber có thể học được.
Hãy xem thêm một số kỷ lục của Sơn Tùng: Tại YouTube Việt Nam, “Hãy trao cho anh” vươn đến top 1 trending YouTube Việt Nam quá dễ dàng vào khoảng 2h sáng, tức chỉ mất vỏn vẹn 6 tiếng đồng hồ để đạt thành tích trên. Hiện tại, lượt view của MV đã xấp xỉ con số 12 triệu, đi kèm đó là trên 1,2 triệu lượt thích và gần 170 nghìn lượt bình luận.
Bên cạnh đó, MV cũng đã vươn đến top 2 trending tại Canada, top 9 trending tại Mỹ, top 5 trending tại Hàn Quốc, top 6 trending tại Australia, top 28 trending tại Singapore, top 10 trending tại Đài Loan.
Không chỉ ở Việt Nam, những hiện tượng như MV của ca sỹ Sơn Tùng MTP cũng như nhiều vấn đề khác đã từng thu hút lượng người quan tâm trong thời gian ngắn. “Tại sao một số bài báo trên New York Times hay clip trên Youtube trở nên có tính lan truyền?”, đó là câu hỏi được Jonah Berger- tác giả cuốn sách Hiệu ứng lan truyền đặt ra. Ông dành hơn 10 năm để nghiên cứu và trả lời câu hỏi này với tư cách giáo sư marketing tại trường Wharton thuộc đại học Pennsylvania.
Theo đó có 6 đặc điểm chung, tính chất chung của những nội dung lan truyền. Một công thức, nếu bạn muốn, để khiến các sản phẩm, ý tưởng và hành vi dễ trở nên phổ biến.
Nguyên tắc số 1: Sự Công nhận xã hội (Social Currency)
Việc nói về một sản phẩm hay ý tưởng sẽ khiến người ta trông như thế nào? Hầu hết mọi người muốn tỏ ra là mình thông minh hơn là ngu ngốc, giàu hơn là nghèo, và ngầu thay vì mọt sách. Cũng giống như quần áo chúng ta mặc và chiếc xe ta lái, những gì ta nói sẽ ảnh hưởng đến cách người khác nhìn nhận chính ta. Đó là sự Công nhận xã hội.
Biết về những thứ ấn tượng như bài hát mới nhất của một ca sỹ nổi tiếng và được săn đón như Sơn Tùng MTP – khiến người ta có vẻ luôn theo kịp xu hướng. Và chia sẻ nó cũng mang lại giá trị tương tự: bắt kịp trend. Vì vậy, để khiến mọi người nói đến, người làm sáng tạo nội dung cần tạo ra những thông điệp có thể giúp họ đạt được những ấn tượng mong đợi này. Bạn cần phải tìm ra được điểm đáng chú ý nội tại và khiến mọi người cảm thấy mình là trong cuộc.
Nguyên tắc số 2: Sự Kích hoạt (Triggers)
Làm cách nào chúng ta có thể nhắc mọi người nói về sản phẩm và ý tưởng của chúng ta? Sự Kích hoạt là các chất kích thích khiến mọi người nghĩ đến những thứ có liên quan. Khác với những ca sỹ khác, từ khoảng 1 tháng nay, Sơn Tùng MTP đã bắt đầu có những chiến dịch kích hoạt từ tung poster, trailer cho đến bình luận trước khi ra mắt của nhà sản xuất nội dung nổi tiếng tại Thái Lan. Điều này khiến những thông tin về bài hát này liên tục xuất hiện trong đầu người hâm mộ.
Con người thường nói về những gì xuất hiện trong đầu, vì vậy họ nghĩ về một sản phẩm hay ý tưởng càng nhiều thì chúng càng được nói đến nhiều. Bài học ở đây là bạn cần phải thiết kế sản phẩm và ý tưởng được kích hoạt thường xuyên bởi môi trường, và tạo ra các kích hoạt mới bằng cách liên kết sản phẩm và ý tưởng với các tín hiệu Có sẵn ở môi trường đó. Nghĩ đến điều gì đầu tiên sẽ dẫn tới nói đến điều đó đầu tiên.
Nguyên tắc số 3: Cảm xúc (Emotion)
Khi chúng ta quan tâm, chúng ta sẽ chia sẻ. Vậy bằng cách nào ta có thể tạo ra các thông điệp và ý tưởng khiến mọi người cảm nhận được điều gì đó? Các nội dung lan truyền thường khơi gợi cảm xúc một cách tự nhiên.
Một trong những cảm xúc tích cực mà nhóm sản xuất của ca sỹ này tạo ra được đó chính là hứng thú, thích thú, kinh ngạc. Ít ai có thể nghĩ một ca sỹ Việt Nam có thể kết hợp với ca sỹ nổi tiếng tại Mỹ như Snoop Dogg hay chọn dòng nhạc Latin để trở lại sau 1 năm. Những thứ tạo nên cảm xúc sẽ được chia sẻ.
Có thể thấy các người sản xuất nội dung thay vì nói lan man về chức năng, cần tập trung vào cảm xúc. Một số cảm xúc sẽ làm tăng việc chia sẻ, trong khi một số khác lại làm giảm đi. Vì vậy bạn cần phải khơi gợi đúng loại cảm xúc, cần phải thổi bùng lên ngọn lửa và đôi khi kể cả các cảm xúc tiêu cực (phẫn nộ, lo lắng) cũng rất hữu ích.
Nguyên tắc số 4: Công khai (Public)
Liệu mọi người có thể thấy một người sử dụng sản phẩm của bạn hay có những hành động mà bạn mong đợi? Câu nói nổi tiếng “Monkey see, monkey do” (“Khỉ thấy là khỉ làm theo”) thể hiện nhiều hơn là chỉ xu hướng bắt chước của con người. Nó cũng cho ta biết rằng rất khó để bắt chước một việc nếu bạn không nhìn thấy nó. Làm cho một thứ dễ quan sát hơn khiến nó dễ được bắt chước hơn và dẫn đến việc nó dễ trở nên nổi tiếng hơn. Chọn nền tảng Youtube dễ chia sẻ phổ biến nhất thế giới là cách mà Sơn Tùng cũng như nhiều ca sỹ hiện nay lựa chọn.
Với những người sản xuất nội dung bài học tương tự cần khiến cho sản phẩm và ý tưởng trở nên phổ biến và chia sẻ hơn. Bạn cần thiết kế các sản phẩm và sáng kiến để chúng có thể tự quảng bá và tạo ra các hành vi sau đó có thể hiện diện trong tâm trí, ngay cả sau khi mọi người đã mua sản phẩm hay tán thành ý tưởng.
Hợp tác cùng huyền thoại Snoop Dogg, Sơn Tùng đã cho thấy tham vọng “Mỹ tiến” của mình?
Nguyên tắc số 5: Giá trị Thực tế (Practical Value)
Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra nội dung có vẻ hữu ích? Mọi người thích giúp đỡ người khác, vì vậy nếu ta có thể cho họ thấy các sản phẩm và ý tưởng của ta có thể giúp tiết kiệm thời gian, cải thiện sức khỏe, hay tiết kiệm tiền, họ sẽ đi phát tán thông tin. Nhưng với tình trạng mọi người bị ngập trong thông tin, làm sao cho thông điệp của mình nổi bật hẳn lên.
Xét trong trường hợp sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng MTP được sản xuất tại Mỹ và kết hợp cùng một rapper nổi tiếng nước này đem lại giá trị theo nhiều người cảm nhận là nâng tầm âm nhạc Việt Nam ra thế giới.
Nguyên tắc số 6: Những câu chuyện (Stories)
Con người không chỉ chia sẻ thông tin, họ còn kể chuyện. Nhưng cũng giống như thiên sử về con ngựa thành Troy, những câu chuyện là phương tiện truyền tải những thứ như đạo đức và các bài học. Thông tin dường như phát tán dưới lớp vỏ sự tán gẫu lúc nhàn rỗi. Vậy chúng ta cần phải xây nên những con ngựa thành Troy của riêng mình, lồng ghép các sản phẩm và ý tưởng vào những câu chuyện mọi người mong muốn kể.
Nhưng chúng ta cần nhiều hơn là chỉ kể một câu chuyện tuyệt vời. Chúng ta cần khiến sự lan truyền trở nên giá trị, cần làm cho thông điệp gắn liền với câu chuyện đến mức không thể kể chuyện mà không có nó. Câu chuyện trở lại sau hơn 1 năm sau clip “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng cũng gây sự lan truyền với sự phỏng đoán, chờ đợi của nhiều người từ ủng hộ đến nghi ngờ.