Đau lòng những nghịch cảnh trần thế
Từ trước đến nay, tình yêu cha mẹ dành cho con cái luôn được coi là thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà ẩn chứa sau đó là bao hy sinh, vất vả. Họ dành tất cả thương yêu của mình để nuôi dưỡng, chăm sóc cho con cái trưởng thành, nên người.
Vậy nhưng không phải người con nào cũng biết đền đáp lại công sinh thành, không phải ai cũng làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Và càng đáng buồn hơn khi họ còn sẵn sàng ra tay hành hạ, ngược đãi hay thậm chí là lấy đi mạng sống của người sinh ra mình.
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng và kinh hãi khi nhớ lại vụ án đau lòng, nghịch tử sát hại 4 người trong gia đình tại huyện Hóc Môn (TP HCM) vào tháng 3/2019. Nguyên do chỉ vì bị ngăn cấm chuyện tình cảm khi bạn gái đã có thai, nhưng bị mẹ từ chối vì cho rằng cả hai “không hợp tuổi”.
Ngày 11/03/2019, bị cáo Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993, Hóc Môn, TP HCM) đã ra tay tàn nhẫn giết 4 mạng người, gồm cha mẹ, bà nội và bà ngoại bạn gái. Trước đó bị cáo cũng đã đi tù 11 năm về tội danh cướp tài sản.
Vào thời điểm xảy ra sự việc, cả vùng quê huyện Hóc Môn vô cùng lo sợ và ám ảnh trước tên nghịch tử này. Không chỉ bởi tính chất nguy hiểm của vụ án mà còn bởi sự máu lạnh của hung thủ khi đã gây ra thảm án với chính những người thân yêu nhất của mình là bố, mẹ, bà nội. Đến ngày 26/05/2020, xử sơ thẩm TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Nam tử hình về tội Giết người.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nam lạnh lùng: “Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới những người đã bị bị cáo giết chết”. Có thể thấy về mặt pháp luật, tử hình là hình phạt thích đáng cho bị cáo, còn về mặt nghĩa tình thì có lẽ dù đã chết đi hắn vẫn không thể trả được hết tội lỗi đã gây ra cho người thân.
Tiếp đó vào tháng 9/2020, cư dân mạng vô cùng phẫn nộ trước clip con gái đánh đập, đổ rác lên đầu mẹ già 88 tuổi do cháu ngoại của cụ quay lại. Trong video là hình ảnh cụ bà bị người con đổ chất bẩn vào mặt, bị tát không thương tiếc, bị chửi rủa hết sức thậm tệ… Cụ tỏ vẻ sợ hãi, cho thấy trước đó cụ đã nhiều lần bị hành hạ tương tự đến độ đã không còn ý chí phản kháng.
Theo người dân địa phương, cụ Đ sống chung với bà H và hai cháu ngoại (con bà H) rất lâu. Khi sức khỏe cụ Đ yếu, mọi sinh hoạt đều chậm chạp, trí nhớ cũng suy giảm… nên xảy ra xung đột với con gái ruột. “Con gái bà mắng chửi khi có chuyện gì đó chưa hài lòng, ăn uống, tiểu tiện bất chợt cũng là lý do có thể khiến bà H hành hạ, ngược đãi mẹ ruột. Tội nghiệp bà Đ chỉ ngồi chịu đựng cho con hành hung”, một hàng xóm của cụ Đ thông tin.
Quả thực khi nhìn thấy những hình ảnh trong clip, ai cũng phải phẫn nộ trước hành động của bà H và không khỏi xót xa, đau đớn cho hoàn cảnh của cụ bà. Người phụ nữ dành tất cả để nuôi con cái trưởng thành, vậy mà khi về già ốm đau cần có người nhờ vả lại bị đối xử như vậy bởi chính con gái ruột của mình.
“Phẫn nộ thay chữ hiếu đâu mất rồi ai ơi! Vì bất kỳ một lí do gì thì cũng không thể chấp nhận một người con đối xử với mẹ mình như thế”, cư dân mạng bức xúc. Một tài khoản khác cũng cảm thán: “Thật phẫn nộ và tội nghiệp cho bà cụ gần đất xa trời mà vẫn phải chịu cực hình do chính đứa con ruột của mình gây ra. Chuyện đã rõ, luật pháp chắc chắn xử nghiêm để răn đe, chỉ thấy thương cho các bậc cha mẹ sinh phải những đứa con bất hiếu như thế này”.
Khi làm việc với công an, bà H thừa nhận hành vi của mình và khai do bực tức việc mẹ là cụ Đ không để lại tài sản gì trong khi cụ Đ chỉ có mình bà lo nuôi dưỡng mẹ. Từ đó bà H mới có hành động đánh, mắng chửi cụ Đ như đoạn clip đã ghi lại.
Có thể thấy lý giải của bà H cho hành động của mình là không chấp nhận được, dù mẹ có làm gì thì cũng là cha mẹ, con cái không được phép hỗn hào, bất hiếu chứ đừng nói đánh đập, hành hạ. Đây là trường hợp chỉ vì của cải vật chất mà con người dẫm đạp lên chữ hiếu.
Trên đây là hai trong số những vụ việc bạo hành, ngược đãi cha mẹ bị xã hội lên án. Và vẫn còn đó những người cha, người mẹ đang chịu đựng bị con cái mình bạo hành mỗi ngày, trong thầm lặng, không ai biết cũng chả ai hay…
Đó là những hành động mà khi nhìn vào ai cũng cảm thấy đau đớn, xót xa thay cho những người làm cha mẹ khi có con bất hiếu như vậy. Rất nhiều người đã lên án, phẫn nộ và chỉ trích những con người đó. Vậy nhưng khi nhìn lại bản thân mỗi người, dù không mang tội bất hiếu nhưng trong cuộc sống, con cái không phải lúc nào cũng biết để tâm đến cha mẹ mình…
Xa vắng những cái ôm, những lời yêu với cha mẹ mình
Nhiều người cho rằng, khi xã hội ngày càng phát triển thì dường như lòng người lại ngày càng lạnh nhạt đi. Mỗi người đều quay về thế giới riêng của mình, vui niềm vui của mình! Cùng với đó là khoảng cách thế hệ, cha mẹ và con cái sẽ dần xa nhau khi không còn những chia sẻ thường nhật. Cùng với đó, con cái phải đối diện nhiều hơn với những khắc nghiệt của cuộc sống, để trưởng thành.
Dẫu trong cuộc sống hôm nay, muốn làm tròn chữ hiếu dễ thì rất dễ mà khó thì cũng rất khó. Nó không đơn thuần là hiếu kính với cha mẹ bằng tiền tài, vật chất hay phải luôn luôn ở bên chăm nom, phụng dưỡng. Mà đôi khi là những lời nói yêu thương để được thấy nụ cười hạnh phúc, an lạc của mẹ cha… hay đơn giản là những bữa cơm sum vầy trong sự ấm áp, hòa thuận…
Nói về chữ hiếu, nhiều người trưởng thành dường như chưa ý thức được rằng họ chưa làm tròn chữ hiếu. Bởi khi họ bắt đầu có công việc ổn định, đồng lương kha khá, họ bắt đầu muốn sắm sửa cho bố mẹ, nào là đồ đạc trong nhà, mua cho bố mẹ cái này, cái kia. Họ biết trong xã hội bận rộn thời nay, thời gian họ dành cho bố mẹ không còn nhiều, nên họ muốn bù đắp vật chất cho bố mẹ có cuộc sống sung túc, thoải mái hơn.
Hồng Anh, một cô gái trẻ cho rằng: “Mình khi có lương hay những dịp đặc biệt thường mua quà cho người thân. Bởi mình biết cả nhà thấy tự hào và vui khi mình đã có thể mua đồ cho cha mẹ. Nhưng đó không phải thứ thực sự họ cần bởi bố mẹ giờ đã già, những thứ vật chất chỉ là vật ngoài thân, quan trọng là người già rất dễ cảm thấy tủi thân và cô đơn. Vậy nên điều bố mẹ cần nhất chính là sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của con cái thì mình lại không làm được. Bởi khi trẻ thì bận đi làm, đi chơi. Lấy chồng mình lại bận con mọn, công việc…”.
Cùng với đó, trong cuộc sống nhiều ảo diệu hôm nay, người trẻ luôn dễ dàng thể hiện tình cảm của mình với mọi người nhưng lại không thể dành một cái ôm hay một câu nói “Con yêu bố mẹ nhiều lắm”. Nhiều người cảm thấy việc mở lòng mình với bố mẹ thật khó khăn. Bởi ai cũng nghĩ đó là điều đương nhiên, con cái không yêu cha mẹ thì yêu ai. Tuy nhiên, cùng với thời gian và khoảng cách ngày một lớn giữa các thế hệ, người trẻ đã đánh rơi sự âu yếm, trìu mến với cha mẹ mình…
Đi kèm với xã hội hiện đại ngày nay còn luôn có hiện tượng sống ảo trên mạng. Sống ảo không xấu, chỉ là đôi khi ta chìm đắm vào đó mà quên đi mất cuộc sống thực tại. Nhiều người luôn đăng những trạng thái, hình ảnh với nội dung yêu thương bố mẹ lên các trang mạng xã hội. Nhưng cả đời họ đã nói được câu yêu bố mẹ một lần khi đã trưởng thành hay chưa lại là câu chuyện hoàn toàn khác?
Liệu những dòng chữ trên mạng đó bố mẹ có đọc được hay không khi mà nhiều người già không biết dùng mạng xã hội. Hay nếu có đọc được thì những dòng chữ vô tri, vô giác đó sao có thể đem lại cảm xúc chạm tới yêu thương của một cái ôm, một lời nói âu yếm của lòng biết ơn.
Cuộc sống tất bật khiến nhiều người không có thời gian chăm sóc hay chỉ đơn giản là thể hiện tình cảm của mình với bố mẹ. Nhiều người đã khóc thật nhiều về những điều chưa thực hiện được. Họ “bù đắp” bằng đám tang thật lớn như một lời an ủi cho bố mẹ. Điều đáng buồn là sự hiếu thuận muộn màng ấy đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại này.
Bởi thế, nếu có lời yêu, bạn hãy nói với cha mẹ mình, trong cuộc sống thực, hiện hữu. Không phải trên mạng ảo, hay có hiếu khi cha mẹ đã lìa xa bằng những hào nhoáng linh đình! Trên đời, người yêu thương bạn vô điều kiện, chỉ có cha mẹ mình chứ không phải mọi thứ phù phiếm khác. Bạn sẽ hiểu ra điều đó, khi một ngày bạn còn lại một mình trên đời…
Theo Linh Chi (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/hay-thuong-cha-me-ngoai-doi-khong-phai-o-tren-mang-ao-d164124.html