(Ảnh minh họa)
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xếp hành vi lái xe trong tình trạng uống rượu quá ngưỡng quy định vào tội phạm hình sự.
Dù vậy, khi được áp dụng, nhiều lúc hậu quả đã xảy ra gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.Vì vậy, ngày càng có nhiều nước tìm cách ngăn ngừa hậu họa ngay từ đầu.
Rượu bia gây hậu quả khôn lường
Báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy hằng năm trên thế giới có khoảng 3,3 triệu người chết vì rượu bia, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người. Đây cũng là nguyên nhân gây ra gần 200 loại bệnh tật và thương tật khác nhau, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và 7 loại ung thư.
Ví dụ: Tại Anh, từ năm 2016-2017, rượu bia là nguyên nhân dẫn tới 1.130.000 ca nhập viện, tăng hơn 3 lần so với từ năm 2012-2013 với 330.000 ca. Nhưng đáng chú ý là từ năm 2012-2013 có tới 21% ca nhập viện liên quan tới rượu bia là do ung thư vì tác hại của rượu bia.
Tại Pháp, số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2017, nước này có 41.000 người chết vì nguyên nhân liên quan tới rượu bia, chiếm 7% trong số người chết có độ tuổi từ 15 trở lên hằng năm, trong đó có 30.000 nam giới và 11.000 phụ nữ.
Trên phạm vi toàn cầu, mức độ gây hại của việc sử dụng rượu bia gần bằng so với sử dụng thuốc lá, gây ra ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là với giới trẻ. Tại nhiều nước và khu vực trên thế giới, trừ vùng Đông Địa Trung Hải, tác hại của việc sử dụng rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở nam giới độ tuổi từ 15-24. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu cho nữ giới ở cùng độ tuổi tại các quốc gia giàu có và khu vực châu Mỹ.
Theo kết quả nghiên cứu của Anh, nhóm thu nhập thấp tiêu thụ rượu bia ít nhất, nhưng lại có tỉ lệ bệnh tật liên quan tới tác hại của rượu bia cao nhất. Đó là do có sự kết hợp với một số hành vi gây hại cho sức khỏe khác như hút thuốc, ăn uống không đủ chất hoặc ăn uống không khoa học gây béo phì…
Đối với việc uống rượu lái xe, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông đường cao tốc Mỹ, hằng ngày ở nước này có khoảng 30 người chết trong các vụ tai nạn giao thông liên quan tới lái xe khi say xỉn. Con số này đã giảm 1/3 so với 3 thập kỷ trước. Tuy nhiên, say rượu lái xe gây tai nạn giao thông hằng năm vẫn cướp đi hơn 10.000 sinh mạng, chiếm khoảng 28% tổng số nạn nhân chết liên quan tới giao thông tại Mỹ.
Trên phương diện kinh tế, tại Sri Lanka, kết quả nghiên cứu cho thấy vào năm 2015, tổn hại kinh tế gây ra bởi các căn bệnh liên quan tới rượu bia lên tới 885,86 triệu USD, tương đương 1,07% GDP của nước này cùng năm. Trong đó, 44% là tổn hại kinh tế trực tiếp và 56% là tổn hại kinh tế gián tiếp. Còn ở Mỹ chỉ tính riêng tổn hại gây ra bởi các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia hằng năm lên tới hơn 44 tỷ USD.
Do vậy, Mỹ trừng phạt rất nặng hành vi uống rượu lái xe và tùy theo từng bang. Ví dụ tại Washington, D.C, mức phạt nặng nhất cho lần đầu tiên vi phạm là giam giữ 180 ngày và/hoặc phạt 1.000 USD, tước bằng lái 6 tháng; cho lần vi phạm thứ 2 là giam giữ 1 năm và/hoặc phạt 2.500 – 5.000 USD, tước bằng lái 1 năm; cho lần vi phạm thứ 3 là giam giữ 1 năm và/hoặc phạt 2.500 – 10.000 USD, tước bằng lái 2 năm.
Còn ở Hàn Quốc, với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự, có thể phải ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD) và bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ vi phạm.
Răn đe từ khi chưa mở nút chai, nâng cốc
Trên thực tế, khi các biện pháp trừng phạt nêu trên được áp dụng, rượu bia đã vào trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Trong trường hợp xảy ra hậu quả cụ thể, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông trở thành tình tiết tăng nặng đối với người vi phạm.
Vấn đề là lúc đó, gánh nặng mà họ gây ra cho gia đình và xã hội đã xuất hiện. Do vậy, nhiều nước chú trọng hơn tới việc ngăn ngừa hậu quả rượu bia ngay từ đầu, bao gồm việc đưa ra chính sách liên quan tới rượu bia.
Ghana, một nước cộng hòa ở phía Tây châu Phi, có dân số hơn 28,3 triệu người, nhưng khoảng 23,3% trong số đó sử dụng rượu bia, bao gồm 2,1% nghiện nặng với mức tiêu thụ trung bình 1 năm của 1 người là 20 lít rượu. Tháng 3/2017, nước này đã khởi động chương trình chính sách quốc gia quy định việc sản xuất, phân phối, buôn bán, quảng cáo và tiêu thụ rượu bia nhằm bảo vệ mọi người khỏi rượu bia, khuyến khích và thúc đẩy mọi người tiết chế với rượu bia, giảm số người sử dụng rượu bia….
Chính sách này tập trung vào 3 biện pháp tối ưu để ngăn chặn có hiệu quả và giảm tác hại của rượu bia, gồm: Tăng thuế, quy định liên quan tới tính sẵn có và hoạt động marketing liên quan tới rượu bia cũng như các biện pháp chống lại việc lái xe trong tình trạng đã bị ảnh hưởng bởi rượu bia. Ngoài ra, chính sách còn đề cập tới việc ngăn chặn và quản lý tác động tới sức khỏe của rượu bia cũng như các biện pháp can thiệp làm thay đổi thói quen văn hóa, xã hội liên quan tới rượu bia.
Trước đó, vào năm 2016, Anh đã đưa ra hướng dẫn quốc gia mới về rượu bia nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết và định hướng hành vi của công chúng đối với rượu bia.
Hướng dẫn khuyến nghị cả hạn mức tối đa và tần suất sử dụng rượu bia đối với đàn ông cũng như phụ nữ trong 1 tuần, cho rằng cách tiếp cận rượu bia an toàn nhất cho phụ nữ mang thai là không uống gì cả… Đặc biệt, hướng dẫn chỉ rõ mối liên quan giữa rượu bia và bệnh ung thư, góp phần thay đổi hành vi, giảm lượng tiêu thụ rượu bia, nhất là ở nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Hầu hết luật liên quan tới bia rượu của các nước đều có điều khoản quy định nồng độ cồn tối đa trong máu và trong khí thở của người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, ví dụ, tại Hồng Kông (Trung Quốc) là 55mg/100 ml máu hoặc 0,22mg/1 lít khí thở; tại Malaysia là 80mg/100 ml máu hoặc 35mg/1 lít khí thở… Đương nhiên, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc như đã đề cập ở trên.
Đáng chú ý là trong quá trình thực thi luật liên quan tới rượu bia, nhiều nơi còn cho phép “đặt bẫy”. Từ năm 2008, chính quyền bang Lower Saxony ở Đức đã khởi động thực hiện “bẫy mua bán rượu bia”. Các học viên cảnh sát có độ tuổi từ 16-17 được huấn luyện đóng giả khách hàng để tới các cơ sở kinh doanh rượu bia “đặt bẫy”.
Năm 2009, trong 3.000 “bẫy mua bán rượu bia” được tiến hành có 1.327 trường hợp (chiếm 44%) rượu được bán mà không kèm theo yêu cầu “khách hàng” đưa giấy tờ hợp pháp chứng minh độ tuổi. Với mức phạt hành chính từ 500 – 3.000 euro cho mỗi trường hợp, ngân sách bang Lower Saxony năm 2009 đã có thêm khoảng 2 triệu euro.