“Lúc đó khổ quá nên nghĩ bậy. Nhưng lại nghĩ, sau này nổi tiếng, khán giả bảo “ngày xưa tao đi bia ôm ngồi với con này” thì không được. Thế là dẹp ngay ý nghĩ ấy”, Hạnh Thuý kể.
Hạnh Thuý học lớp K18 trường Nghệ thuật Sân khấu 2 do nghệ sĩ Minh Nhí làm chủ nhiệm. K18 ngày đó có rất nhiều người sau này đã thành danh như Việt Hương, Hạnh Thuý, Thuý Nga, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Hoàng Mập, Đức Thịnh, Trần Bùm…
Hạnh Thuý hiếm khi chia sẻ về sự khó khăn của mình cả trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp, bởi chị nghĩ, thuở mới vào nghề có ai không vất vả. Hạnh Thuý sợ người ta nói mình than nghèo kể khổ, trong khi với chị, đó là những kỷ niệm vui mà sau này muốn kiếm lại cũng không được.
Vì quá nghèo khổ, từng nghĩ đi làm gái bia ôm
Hạnh Thuý kể: “Ngày đó, cả lớp chỉ có 3,4 chiếc xe máy còn mọi người ai cũng đi xe đạp. Thuý ở nhà bác, được bác cho một chiếc xe cũng thuộc loại tốt nhưng trong lớp thấy bạn nào cũng đi mini Nhật thế là sĩ diện, nghĩ phải là cái xe đó thì mới đúng dân chơi.
Thay vì mang xe vào trường, Thuý gửi bên ngoài, mỗi ngày mất 500 đồng. Hồi đó cái bánh mì kẹp có 2.000 đồng. Gửi 4 ngày là mất ổ bánh mì rồi, trong khi bánh mì còn không có ăn thì mình lại chảnh đi gửi xe như thế. Vậy là Thuý mang xe vào trường.
Hạnh Thuý thời trẻ cùng nghệ sĩ hài Quốc Nam, Mỹ Duyên và Lư Hoàng Gia Bảo.
Hồi đó có mốt quần loe ống rộng. Thuý được chị họ cho nên mặc. Đạp xe đi học, quần bị cuốn vào xích phải dừng lại gỡ ra.
Hồi xưa được mời đi quay là mừng gần chết. Vai lớn vai nhỏ, quay xa quay gần không quan trọng, vì cứ đi quay là được 20.000 tiền cơm, ăn khéo còn mang về được 5.000, 10.000.
Thuý tiết kiệm từng đồng. Thuý đi phim “Trăng không mùa”, được 20.000 tiền cơm mà cất mang về, còn mình thì đi ăn ké. Nước cũng không có tiền mua, quay ở đâu là đóng đầy chai nước đem theo uống.
Ai cũng có một thời khó khăn đó là lúc khởi nghiệp. Bây giờ ăn cơm, miếng thịt rơi xuống đất thì bỏ nhưng ngày xưa là nhặt lên lau vào vạt áo hoặc đem rửa rồi ăn tiếp vì không ăn thì chẳng còn gì ăn.
Nghèo quá, khổ quá nên Thuý nghĩ bậy, tính đi làm gái bán bia ôm. Vì nghe đồn bán bia ôm nhiều tiền lắm. Nhưng rồi nghĩ, đi bán bia ôm mà sau này nổi tiếng, khán giả bảo “ngày xưa tao đi bia ôm ngồi với con này” thì không được. Thế là dẹp ngay ý nghĩ bậy“.
Hạnh Thuý làm mẫu ảnh studio.
Cát xê quay 1 ngày đủ sống 1 tháng
Nhớ lại những ngày đầu mới làm nghề, Hạnh Thuý chia sẻ: “Đắt show nhất lớp hồi đó là Thuý Hoà. Hoà đẹp lại diễn giỏi nên hầu như ngày nào cũng có show. Việt Hương thì đi tấu hài với anh Mai Sơn và diễn trong Đoàn Kịch Trẻ (sau này sáp nhập với Đoàn kịch thành phố thành Nhà hát Kịch Thành phố – PV).
18 tuổi, Việt Hương đã có huy chương bạc hội diễn. Lúc đó, trong lớp chưa đứa nào hình dung ra huy chương là gì nhưng đều thèm rỏ dãi vì nghe oách quá.
Thuý lúc đó đi làm người mẫu ảnh studio, diễn viên minh hoạ cho các MV ca nhạc, karaoke. Cát xê hồi đó, giá sỉ là 120.000 đến 150.000 đồng 1 bài. 1 ngày quay 2 bài.
Còn phim ca nhạc khoảng 250.000 đến 300.000, cũng có khi được 500.000 đồng.
Thuý nhớ hồi đó, 1 chiếc xe đạp 500.000 đồng. Có lần Thuý bị mất xe, đi diễn 2 ngày về đủ mua xe mới. Với cát xê 500.000 đồng, cách đây 22 năm là có thể sống cả tháng nhưng không phải lúc nào cũng có show.
Hồi xưa mình nghèo mà hào phóng lắm. Cầm tiền về là tính ngay trong đầu, mua cho ba bộ pyjama, vài cái quần xà lỏn; mua cho anh Hai cái áo, cho thằng em mấy chục ngàn ăn cơm, rồi đãi cả lớp ăn món này món kia. Giờ có tiền lại keo kiệt hơn, cái gì đáng xài mới xài.
Nhiều lúc Thuý cứ nghĩ, rủi mà tới lúc nào đó ông trời lấy lại hết không cho mình nữa thì mình sẽ vẫn sống được bởi khó khăn nào cũng đi qua rồi.
Tấm ảnh nghệ sĩ Mai Trần gửi cho Hạnh Thuý sau khi quay MV Bông hồng cài áo.
Làm người mẫu ảnh studio nhưng chẳng bao giờ có tiền đi chụp hình, ai cho hình là mừng lắm. Có lần, Thuý quay MV Bông hồng cài áo do “bố” Mai Trần đạo diễn. Quay xong, “bố” gởi cho mấy cái ảnh.
Bộ áo dài Thuý mặc trong MV đó là 1 trong 4 phục trang đầu tiên được đầu tư để đi làm. Hồi đó các đoàn chưa có người lo phục trang, diễn viên phải mượn hoặc đi mướn. Quay 1 ngày được 150.000 đồng thì mướn phục trang hết 50.000.
Sau này, ai cũng trưởng thành hết rồi, có lần ngồi với nhau nhắc kỷ niệm xưa, “bố” Mai Trần nói với Thuý: “mày có biết vì sao tao kêu mày bằng con không? Cái áo dài mỏng dính, mỗi lần mày bước qua ánh sáng, tao nhìn tao muốn chết. Tao kêu mày bằng con để khỏi nghĩ bậy, làm bậy với mày“.