Việc Hai Phượng cán mốc doanh thu 200 tỷ đã phá thế độc quyền lâu nay trên thị trường phim Việt giữa các nhà sản xuất lớn và đơn vị phát hành chuyên thể loại hài giải trí.
Ngày 25-3, ê-kíp sản xuất phim Hai Phượng đã chính thức công bố doanh thu sau hơn 1 tháng ra rạp là 200 tỷ đồng, đánh bại “Cua lại vợ bầu” với doanh thu 176.5 tỷ đồng dù được chiếu vào mùa Tết và có nhiều tên tuổi hot như Trấn Thành, Hari won, Hữu Châu, Lê Giang, Trung Dân, Ninh Dương Lan Ngọc, Mạc Văn Khoa, Anh Tú, Khả Như…
Theo chia sẻ của một vị đạo diễn tên tuổi trong nghề, việc “Hai Phượng” đạt doanh thu 200 tỷ giải mã ba điều về phim Việt trên màn ảnh rộng.
Thứ nhất, không chỉ có thể loại hài giải trí ra rạp mới thắng lớn về mặt doanh thu mà phim hành động cũng có thể thắng với điều kiện làm hay. Thứ hai, không cần phải ra đúng thời điểm “mùa vàng phim rạp” thì mới thắng lớn.
Ở Việt Nam có ba mốc thời gian được xem là “mùa vàng” cho phim rạp là Tết nguyên đán, dịp lễ 30-4, 1-5 và Quốc khánh 2-9. Bởi thế, các nhà sản xuất phim Việt, các đơn vị phát hành thường bắt tay, cùng chia nhau “miếng bánh ngon” để tránh tình trạng phim Việt “giết” nhau.
Bộ phim “Hai Phượng” của Ngô Thanh Vân đã làm nên một kỳ tích.
Thứ ba, “Hai Phượng” đã lấy lại tiếng nói cho nhà sản xuất với các đơn vị phát hành. Từ xưa đến nay như đã thành thông lệ, nhà sản xuất yếu thế nên khi thương lượng với đơn vị phát hành như cá nằm trên thớt.
Tất cả đều phải nghe theo sự “sắp xếp” của nhà phát hành. Có những nhà sản xuất buộc phải quay, dựng lại cái kết phim theo ý đơn vị phát hành thì mới được ra rạp.
Thậm chí, nếu bị nhà phát hành ghét, họ sẽ đưa phim của nhà sản xuất A đấu với nhà sản xuất B để… thí mạng cùi. Đơn giản rằng, nếu phim thua thì nhà sản xuất chết chứ đơn vị phát hành chẳng mất mát gì.
Đơn vị phát hành hưởng % doanh thu của mỗi suất chiếu, trên từng chiếc vé mà khán giả tới rạp xem phim. Bởi thế, nhiều nhà sản xuất phim Việt dù rất ấm ức nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng.
Không những vậy, 200 tỷ của “Hai Phượng” còn phá thế độc quyền lâu nay trên thị trường phim Việt.
Lâu nay, các đơn vị phát hành bắt tay với một số tên tuổi lớn trong ngành sản xuất phim, chuyên cung cấp 1 dòng phim hài giải trí và tung hoả mù rằng “khán giả chỉ thích hài nhảm”, rằng “thị hiếu và gu thẩm mỹ của khán giả hiện nay chỉ cần tới rạp cười rồi ra về”.
Cách làm này giống như việc họ bắt tay nhau chỉ sản xuất ra một loại cà phê sữa.
Thông thường, nhà sản xuất nào cũng muốn ra phim mùa vàng. Không chỉ giá vé tăng mà suất chiếu cũng tăng do nhu cầu vui chơi của người dân.
Thế nhưng, Ngô Thanh Vân không cần ra rạp mùa vàng vẫn thu về 200 tỷ. Vấn đề ở đây, không phải do thị hiếu khán giả thấp, chỉ thích xem hài nhảm mà do chính các nhà sản xuất và đơn vị phát hành lũng đoạn sự nổi tiếng của mình để lấp liếm cho việc mình không có khả năng làm phim hay.
Dù bị đánh giá là thể loại không ăn khách, không ra rạp vào dịp thuận lợi cho doanh thu, không có suất chiếu thuận lợi nhưng cuối cùng vẫn thu về 200 tỷ, lập nên kỷ lục mới trong làng điện ảnh Việt.
Và, “Hai Phượng” đã thức tỉnh một điều, không phải cứ phim rạp là phải nhiều ngôi sao. Không ai phủ nhận tài năng, sức hút, tầm ảnh hưởng của những ngôi sao đó lôi kéo khán giả tới rạp nhưng nếu làm phim hay thì mọi diễn viên đều có thể trở thành ngôi sao.
Thị trường phim Việt 5 năm tới sẽ là của Ngô Thanh Vân, khi cô là người tiên phong mở đầu cho sự hợp tác với nhà phát hành lớn tại Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những người chuyên sản xuất thể loại hài giải trí hãy coi chừng, rồi đến một lúc, họ cũng sẽ hết thời.
200 tỷ của Hai Phượng cũng cho phép những nhà làm phim khác mơ về giấc mơ 300 tỷ đầy tiềm năng của điện ảnh nước nhà, mà không nhất thiết phải là hài giải trí.