Hải Phòng: Phát triển Dự án điện mặt trời áp mái thí điểm tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Đây là một trong những khu công nghiệp chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, hưởng ứng chương trình trung hoà carbon của chính phủ Việt Nam.

Mới đây, trong Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa Công ty Cổ phần Shinec, Shinec và Shire Oak International, hai công ty hợp tác để xây dựng và hình thành nên liên kết cộng sinh  thứ 4 – liên kết cộng sinh năng lượng xanh và tái tạo trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn mà Shinec đang tiên phong xây dựng tại KCN Nam Cầu Kiền. Chứng kiến buổi ký kết biên bản ghi nhớ có ông Hồ Phước Thành – Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, bà Ayun Hbut – Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, cùng đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức khác.

2

Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ có sự tham dự của Đại diện UBND tỉnh Gia Lai, Đại diện Shire Oak International và Công ty CP Shinec

Ông Phạm Hồng Điệp – CTHĐQT Công ty Cổ phần Shinec chia sẻ: “Từ những ngày đầu tiên đầu tư phát triển dự án khu công nghiệp, tôi đã liên tục tìm kiếm, triển khai nhiều kế hoạch với mong muốn phát triển các khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của Việt Nam, kiến tạo nền công nghiệp gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, và tới đây sẽ là nền công nghiệp không phát thải, trung hoà carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, song song với đó là các chỉ tiêu Công nghiệp xanh – Tài chính xanh.”

Theo đó, ông cho biết, Shinec và Shire Oak International sẽ không chỉ hợp tác phát triển và khai thác điện năng từ các dự án điện mặt trời áp mái mà còn đầu tư hệ thống pin trữ năng lượng để thu giữ năng lượng trong giờ thấp điểm, cải tạo và đồng bộ hóa hệ thống truyền dẫn điện giữa điện lưới và điện năng lượng tái tạo để dần dần nâng cao tỉ trọng của điện năng lượng tái tạo lên 100%.

Trong tương lai, Shinec sẽ nhân rộng mô hình này cho các khu, cụm công nghiệp khác, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, giảm phát thải carbon theo định hướng và chương trình trung hòa carbon tại Việt Nam đến năm 2050.

Xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển dịch sang phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tái tạo là một tín hiệu tích cực để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng carbon về “0” vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow năm 2021.

Để thực hiện được cam kết này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, tác động tới toàn dân, mọi doanh nghiệp nên phải được tiếp cận toàn dân, mọi doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm, ủng hộ Việt Nam, muốn Việt Nam trở thành hình mẫu ứng phó biến đổi khí hậu trong các nước đang phát triển. Vì vậy, Việt Nam cần phải tận dụng, tranh thủ tốt nhất cơ hội này, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, truyền tải được tinh thần tới các bộ, ngành, địa phương và người dân thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, …

 

Theo Thuỳ Trang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-phong-phat-trien-du-an-dien-mat-troi-ap-mai-thi-diem-tai-khu-cong-nghiep-nam-cau-kien-d180618.html