Phó chủ tịch xã Cổ Am xác nhận ông Vũ Thế Truyền có để lại di chúc vào năm 2005, đến 2017 lại xác nhận ông Truyền không để lại di chúc.
Di chúc là ý chí của cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Thực hiện đúng di chúc không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn có ý nghĩa thiêng liêng về mặt đạo lý của người sống đối với người đã khuất. Tuy nhiên, việc người đại diện chính quyền xác nhận không nhất quán dẫn đến mâu thuẫn lớn trong nội bộ gia đình.
Cụ thể, ông Vũ Thế Long ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng gửi đơn tố cáo về việc ông Đào Phú Hậu, Phó Chủ tịch xã Cổ Am cố tình xác minh sai sự thật về bản di chúc mà ông Vũ Thế Truyền lập ngày 20/5/2005, gây ra mối bất hòa trong gia đình.
Ngày 25/6, PV Pháp luật Plus đã về xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng để xác minh nội dung đơn tố cáo của ông Vũ Thế Long (86 tuổi).
Theo nội dung đơn: Ông Vũ Thế Truyền có để lại di chúc cho em trai mình là ông Vũ Thế Long, di chúc có xác nhận của ông Đào Phú Hậu, Phó chủ tịch xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Nội dung di chúc nêu: “…Để tạo điều kiện cho ông Vũ Thế Long và các con cháu sau này có chỗ ở ổn định lâu dài, tôi đồng ý cho ông Long được san lấp một phần ao trước nhà, lấy ranh giới từ mép thềm nhà ngang cũ ra đến đường cái và phía tây giáp với tường của anh Vũ Thế Luân, để việc làm nhà được thuận lợi.
Ông Long được sử dụng lâu dài chỗ san lấp ao, các công trình phụ xây dựng trên nền nhà ngang cũ phần vườn ở phía Tây Bắc nhà thờ. Không được sang nhượng cho bất cứ ai hoặc cho người khác không phải gia đình vào ở trong khu đất đó…”.
Về tính pháp lý của bản di chúc, ông Vũ Thế Truyền là chủ sở hữu thửa đất tại xóm 4 xã Cổ Am, có diện tích 794m2 đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Vì vậy, việc ông Truyền để lại di chúc về quyền định đoạt đối với tài sản là thửa đất nói trên nằm trong hành lang pháp lý về quyền để lại thừa kế.
Năm 2016, ông Vũ Thế Truyền qua đời, lúc này các con của ông Truyền đến khai nhận di sản thừa kế của ông Vũ Thế Truyền và vợ là bà Đỗ Thị Gái tại UBND xã Cổ Am, thì chính ông Hậu lại xác nhận ông Truyền không để lại di chúc.
Cụ thể, trong thông báo ngày 16/1/2017, ông Hậu xác nhận “…Trước khi chết ông Vũ Thế Truyền và bà Đỗ Thị Gái không để lại di chúc và trách nhiệm tài chính nào”.
Điều đáng nói là trong văn bản khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng chỉ rõ, ông Vũ Thế Truyền có 6 người con, cả 6 người con đều ký vào văn bản thỏa thuận là “Đồng ý với di chúc mà ông Vũ Thế Truyền đã để lại được lập ngày 10/10/2004 và phần bổ sung ngày 20/5/2005.
Thế nhưng, ngày 29/10/2018, bà Vũ Thị Bạch Yến có đơn đề nghị với UBND xã Cổ Am như sau: “Sau khi bố tôi qua đời, 6 anh chị em chúng tôi đã thống nhất sang tên mảnh đất nói trên cho ông Vũ Thế Dũng là con trai trưởng của Bố tôi…
Ông Vũ Thế Long em trai bố tôi đang ở nhờ trên thửa đất mà bố tôi đứng tên sở hữu. Gia đình ông Long đã gây cản trở trong lúc nhân viên địa chính xã tiến hành đo đất và sau đó tiến hành tát ao, lấp ao của gia đình chúng tôi mà không thông qua sự đồng ý của gia đình chúng tôi.
Nay tôi đề nghị UBND xã can thiệp, ngăn chặn hành động lấp ao của gia đình ông Vũ Thế Long”.
Như vậy, nội dung bà Yến kiến nghị gửi UBND xã Cổ Am trái với di chúc mà ông Vũ Thế Truyền để lại.
Ông Vũ Thế Long chỉ mong ước thực hiện đúng di chúc của anh trai là ông Vũ Thế Truyền.
Sau sự việc này, ông Vũ Thế Long đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng về những sai phạm của ông Đào Phú Hậu nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Xác nhận với Phóng viên, ông Đào Phú Hậu đã thừa nhận việc sai sót của mình trong việc xác nhận di chúc của ông Vũ Thế Truyền. Ông Hậu cho biết: “Sự thật là do tôi sơ suất không để ý, anh em họ làm và tôi là người ký xác nhận. …”- ông Hậu phân trần.
Thế nhưng, sự thật lại trái ngược với những gì mà ông Long cung cấp. Ông Long cho rằng, đã nhiều lần gửi bản di chúc photo của ông Truyền, có chữ ký xác nhận của ông Hậu về việc ông chứng nhận ông Truyền có để lại di chúc, nhưng ông Hậu không có ý kiến gì, khiến các con ông Truyền mâu thuẫn lớn với chú ruột (trừ anh Cường, con trai ông Truyền ủng hộ ông Long).
Không chỉ con ông Truyền có mối sân hận, mâu thuẫn đối với chú ruột của mình, quan ngại hơn là anh Vũ Thế Hoàng, con trai ông Long bị một đối tượng xã hội ép buộc phải rút đơn tố cáo, nếu không sẽ cho nghỉ việc.
Cùng ngày PV có cuộc trao đổi với Bí thư và Chủ tịch huyện về đơn tố cáo của ông Vũ Thế Long, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch huyện cho hay: “1 tuần chúng tôi sẽ có văn bản trả lời về sự việc này”. Tuy nhiên, đã hai tuần qua ông Nhưỡng không có hồi âm về sự việc trên. Khi phóng viên gọi điện, nhắn tin ông Nhưỡng không nghe máy, cũng không có câu trả lời”.
Để xác minh tính thực hư của sự việc, phóng viên đã có buổi phỏng vấn anh Vũ Thế Hoàng về những căn cứ mà anh Hoàng cho rằng mình bị dân xã hội đe dọa, ép buộc phải rút đơn tố cao thì mới cho đi làm trở lại. Anh Hoàng cho biết: “Tôi xin gửi các băng ghi âm để minh chứng việc tôi bị ép thôi việc và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung mà tôi tố cáo, cung cấp cho phóng viên”.
Trong đơn tố cáo, ông cụ gần 90 tuổi chỉ tha thiết đề nghị cơ quan báo chí giúp đỡ mình để thực hiện theo đúng di nguyện của anh trai trước khi ông đi vào thế giới vĩnh hàng. Hiện tại, anh Vũ Thế Hoàng đã bị chủ doanh nghiệp cho nghỉ việc, ông Vũ Thế Long nay ở tuổi gần đất xa trời và người vợ tuổi đã cao, lại hay đau ốm khiến kinh tế gia đình càng khó khăn.
Thông qua phóng sự này, Pháp luật plus chuyển toàn bộ nội dung tố cáo tới Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Bảo để giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền của người để lại di chúc.
Đồng thời Phóng viên chuyển băng ghi âm tới Công an huyện Vĩnh Bảo để điều tra, xác minh vụ việc, có hay không việc anh Hoàng bị ép thôi việc.
Pháp luật plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc/.
Điều 624 BLDS năm 2015 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy, có thể hiểu di chúc là sự thể hiện ý chí của chính cá nhân đó mà không phải là ai khác, pháp luật tôn trọng và bảo vệ ý chí tự nguyện của cá nhân cho đến lúc họ đã chết. Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản – di sản của mình sang cho người khác và di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc đã chết.
Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc, do đó di chúc phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện có hiệu lục của di chúc nói riêng. Vì vậy, một người muốn định đoạt tài sản của mình bằng di chúc cần phải tuân theo các quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc. Như vậy, di chúc có hiệu lực khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của di chúc do pháp luật quy định và người lập di chúc đã chết.
Theo Ly Ly -Công Lý (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/hai-phong-can-bo-xac-nhan-di-chuc-bat-nhat-day-cu-ong-hon-80-tuoi-vao-canh-kien-tung-d128665.html