Hai điểm nghẽn cần khơi thông trong phiên xử ly hôn của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên

Ngoài tranh chấp về khoản tiền gửi hơn 2.100 tỷ đồng ở các ngân hàng, ông Vũ, bà Thảo cũng chưa thống nhất việc phân chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngày 27/3, TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ra xét xử. Trước đó, phiên xử này phải tạm hoãn gần 1 tháng để thu thập thêm chứng cứ liên quan đến tài sản chung của 2 vợ chồng, có trị giá 2.102 tỷ đồng gửi tại ngân hàng.

Hai điểm nghẽn cần giải quyết

Trong quá trình xét xử và hồ sơ đơn phản tố, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng tài sản tích lũy chung của 2 vợ chồng bao gồm tiền, vàng, ngoại tệ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng do bà Thảo đứng tên tài khoản, được gửi tại các ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank (chi nhánh TP HCM).

Trong khi đó, phía bà Thảo cho biết khoản tiền trên được xác minh vào năm 2016, sau thời điểm đó, số tiền hiện nay không còn nữa. “Xác định số tiền để chia thì phải xác định hiện tại chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ”, đại diện pháp luật của bà Thảo nói.

“Vào năm 2018 có thông tin xác minh từ 3 ngân hàng Eximbank, BIDV và Vietcombank. Các khoản tiền, vàng ngoại tệ xác minh là con số rõ ràng, nằm trong tài khoản cá nhân của nguyên đơn, chỉ có nguyên đơn rút chứ không ai khác”, luật sư của ông Vũ nói về khoản tiền 2.102 tỷ đồng tại phiên xử trước.

Hai điểm nghẽn cần khơi thông trong phiên xử ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên - Ảnh 1.

Nhiều điểm nghẽn cần giải quyết tại phiên xử ly hôn vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia luật khẳng định, phía ông Vũ đòi chia 2.102 tỷ đồng gửi tại ngân hàng hoàn toàn hợp lý, đúng luật.

“Đây là số tiền chung của hai vợ chồng, nếu nói hết rồi thì bà Thảo phải chứng minh được việc chi tiêu vào chuyện gì. Nếu nói không còn tiền chứng minh được việc sử dụng vào việc chung của gia đình, hay các doanh nghiệp của gia đình… thì phía bà Thảo phải chịu trách nhiệm”, luật sư Hoàng Hữu Nhân nói.

Ngoài tranh chấp về khoản tiền gửi ở ngân hàng nói trên, việc phân chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên cũng vấp phải nhiều khó khăn. Nhiều phương án được đưa ra nhưng 2 bên đương sự chưa thống nhất.

Theo luật Hôn nhân và Gia đình, tòa sẽ phải xác định công sức đóng góp cho các doanh nghiệp Trung Nguyên của ông Vũ và bà Thảo để phân chia số cổ phần cho từng người tại các doanh nghiệp, việc xác định công sức đóng góp này rất khó có thể thực hiện.

Ngoài ra, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên gồm những công ty cổ phần nhưng chủ yếu là 2 cổ đông lớn là ông Vũ và bà Thảo. 

Hiện này, họ gần như không thể cùng nhau làm việc, cùng điều hành Trung Nguyên. Chính vì thế, phương án tối ưu được đưa ra là một bên nhận cổ phần, một bên nhận tiền. Trong khi đó, cổ phần của Trung Nguyên được cho là định giá thấp hơn giá trị thực và giá trị phát triển gia tăng. Việc ai nhận tiền, ai nhận cổ phần là một câu hỏi khó!

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo có đơn gửi cơ quan báo chí

Được biết, đại diện ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng đề nghị các cơ quan báo chí không đăng tải những thông tin liên quan đến nhân thân của bà Thảo, bao gồm cả số dư tài khoản ngân hàng.

Theo văn bản đề nghị, bà Thảo cũng không cho phép đăng tải các ngôn từ, trích dẫn có tính lăng mạ cá nhân, xúc phạm danh dự liên quan tới các phát ngôn tại tòa và phỏng vấn bên lề ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Hai điểm nghẽn cần khơi thông trong phiên xử ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên - Ảnh 3.

Văn bán kiến nghị của đại diện ủy quyền bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Văn bản thể hiện rõ: “Đối với các bài viết liên quan tới quyền nhân thân của bà Thảo được các cơ quan báo chí đăng tin trong thời gian qua chưa tham khảo ý kiến trực tiếp của bà Thảo, kính đề nghị các cơ quan báo chí chỉnh sửa, gỡ bỏ các thông tin đăng tải sai sự thật, xúc phạm đến danh dự uy tín cá nhân của bà Thảo”.

Về số dư tài khoản ngân hàng, phía bà Thảo đề nghị cơ quan báo chí không đăng tải khi chưa có thông tin chính thức của tòa án. “Mọi thông tin xuất phát từ phía Tập đoàn Trung Nguyên hay những cá nhân không liên quan cung cấp đều không có giá trị pháp lý và không chính xác có thể làm ảnh hướng đến kế quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền”, công văn nêu.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc công ty luật 360, Đoàn luật sư TP HCM) chia sẻ: “Ngay cả việc các báo đài đăng tải các nội dung phát ngôn của các chủ thể tham gia phiên tòa kèm theo dẫn nguồn cụ thể cũng hoàn toàn phù hợp với luật định hiện hành theo pháp luật, quy định tại Điều 4 Luật báo chí: Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí”.

Luật sư Nguyễn Tri Đức cho rằng văn bản của đại diện theo ủy quyền của bà Thảo có một số yêu cầu phù hợp về quyền nhân thân, nhưng có một số nội dung không cần thiết, “hãy để cơ quan báo chí đăng tải nhằm rộng đường dư luận”.

“Trong đó số dư tài khoản ngân hàng không phải là quyền nhân thân hay bí mật về đời tư theo luật định, các thông tin như số dư tài khoản do cơ quan báo chí đăng tải không thuộc ‘Các hành vi bị cấm’ theo ‘Luật báo chí’ hiện hành.

Ngoài ra, tôi nghĩ việc đăng tải dẫn lại các nội dung và diễn biến phiên tòa vẫn không làm thay đổi bản chất tình tiết sự việc ảnh hưởng đến công tác xét xử của tòa án sở tại’, luật sư Nguyễn Tri Đức nói.

Hai điểm nghẽn cần khơi thông trong phiên xử ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên - Ảnh 4.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc công ty luật 360, Đoàn luật sư TP HCM).

Luật sư Đức khẳng định không có quy định nào ngăn cản báo chí hoạt động được đăng tải toàn bộ diễn biến phiên xử công khai. 

“Nếu đương sự cho rằng các bài báo đã đăng tải những thông tin sai sự thật nhằm mục đích bôi nhọ, vu khống vô căn cứ thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo để cơ quan chức năng giải quyết sự việc theo thẩm quyền. 

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cũng nên cẩn trọng, chọn lọc đưa thông tin một cách hai chiều khách quan và đúng sự thật”, luật sư đưa ra quan điểm.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP HCM) nói: “Trong phiên xét xử công khai, báo chí có quyền đưa tin theo diễn biến nội dung vụ án chứ không được đưa thông tin về đời tư cá nhân hay có hành vi vu khống, bôi nhọ.

Bởi thông tin về đời tư cá nhân là bất khả xâm phạm theo hiến pháp quy định, không thể đưa nếu không có sự đồng ý của đương sự. Tuy nhiên, các vấn đề thông tin như phân chia tài sản, góc độ hôn nhân và các diễn biến tại tòa thì có thể đưa tin bình thường”.

Hai điểm nghẽn cần khơi thông trong phiên xử ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên - Ảnh 6.