Cử tri phản ánh, nhà cửa xuống cấp, hạ tầng thiếu thốn, các hộ gia đình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở khiến đời sống rất khó khăn.
UBND Hà Nội cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo đó, không gian thoát lũ được xác định gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; giữ nguyên vị trí các tuyến đê hiện có. UBND thành phố đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng tổ chức lập đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng. UBND thành phố nhấn mạnh quy hoạch phân khu sông Hồng phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng, sông Thái Bình.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có thay đổi về trách nhiệm tổ chức lập và thẩm quyền phê duyệt do thay đổi tại Điều 37 Luật Quy hoạch. Viện Quy hoạch Xây dựng đang rà soát các nội dung không thống nhất giữa Quy hoạch chung xây Thủ đô và Quy hoạch phòng chống lũ. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tổng hợp nội dung vướng mắc để báo cáo UBND thành phố, từ đó đề xuất xin ý kiến Thủ tướng.
Giải trình trước HĐND thành phố trước đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đề cập đến vấn đề này và cho biết đây là vấn đề rất bức xúc, ảnh hưởng đến 800.000 người dân ở khu vực bãi sông Hồng.
Trước mắt, để đáp ứng nguyện vọng người dân ở đây, Chủ tịch Hà Nội đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn các quận, huyện có dân cư ở đê sông Hồng cấp phép tạm, cho xây dựng tạm đối với các hộ gia đình đã có sổ đỏ. Sau khi hoàn thành xong quy hoạch thoát lũ, ông Chung cho rằng mới có cơ sở để triển khai tiếp các quy hoạch cho khu đô thị này.
Theo T.Giang (Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/ha-noi-tra-loi-nguoi-dan-ve-quy-hoach-vung-bai-song-hong-d127929.html