Một buổi tối cuối năm, dạo quanh Hà Nội, chúng tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le, bệnh tật, vô gia cư. Với họ, những ngày Tết sắp đến cũng buồn như thường nhật…
Ở đâu cũng là nhà
Tại khu vực ngã tư Hai Bà Trưng – Quang Trung, dù thời tiết rét cóng, trời có mưa phùn nhưng có rất nhiều người đắp chăn hoặc ngồi co ro dưới các mái nhà bên đường.
21h đêm, một chiếc xe máy do người đàn ông chở người phụ nữ cùng 2 con nhỏ đáp lại rồi trải chiếu bên cạnh những người cùng hoàn cảnh. Lúc ban đầu, người phụ nữ này không muốn chia sẻ bất cứ điều gì, tuy nhiên sau một lúc làm quen, chị sẵn sàng mở lòng chia sẻ về cuộc đời đầy bất hạnh, khổ đau.
những người vô gia cư đón tết
Khi được hỏi về hai đứa con, người phụ nữ liên tục gạt đi và nói: “Tôi không muốn bất cứ ai quan tâm làm gì, thấy mẹ con như thế này nếu có lòng hảo thâm thì giúp. Đã đến đường cùng như thế này thì chắc hẳn không bằng người khác, chẳng người mẹ nào muốn con mình phơi sương, phơi gió thâu đêm, rồi ban ngày lại lang thang phiêu bạt. Đối với tôi ở đâu cũng là nhà”, người này tâm sự.
Tiếp tục tìm hiểu trường hợp người đàn ông bên cạnh, anh không che giấu bất cứ thông tin về mình, người này cho biết tên là Nguyễn Viết Quang (SN 1974, xóm 6, thôn Đền xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Anh Quang chia sẻ, 46 tuổi nhưng không lấy vợ vì bản thân bị bệnh lao phổi, bố mẹ anh đã mất. Hàng ngày anh đến bệnh viện lĩnh thuốc theo chế độ bảo hiểm và suất cháo từ thiện. Tối đến, người bệnh lại lang thang tìm kiếm nơi trú ngụ qua đêm hoặc tìm đến nơi tập trung của những người vô gia cư.
“Dù rất muốn về quê ăn Tết, nhưng bây giờ ở quê nhà tôi chỉ có ông anh họ, tiền thì tôi cũng không có”, anh Quang tâm sự.
Cũng tại khu vực này, một người phụ nữ lớn tuổi trùm kín chăn chỉ để hở khuôn mặt, bên cạnh bà là chiếc xe đạp được khóa cẩn thận bởi 2 chiếc khóa, bà cho biết: “Quê tôi ở Bắc Giang, tôi ngồi đây với hy vọng ai thuê làm việc gì thì làm. Đêm muộn tôi lại tìm đến những nhà trọ giá rẻ, nếu không có thì lại tá túc ở những nơi nào có thể tạm qua đêm”, người phụ nữ cho biết sẽ không về quê ăn Tết vì không còn nhiều người thân.
Quanh năm sinh sống bờ hồ
Nhiều tháng nay người dân đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ, (khu vực hồ Linh Đàm) chứng kiến cặp nam nữ chỉ với chiếc ghế cũ làm giường và một mảnh bạt làm mái nhà mỗi khi có mưa.
Đó là anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1974, ở Trại Găng, Thanh Nhàn) và chị Nguyễn Ngọc Tú (23 tuổi) – cặp vợ chồng ‘rổ rá cạp lại’ có hoàn cảnh tương đồng, cha mất, chỉ còn mẹ già và gia đình éo le nên không có nơi để về nhà.
Chia sẻ rằng bản thân từng vi phạm pháp luật khiến cuộc sống phải trả giá, anh Tuấn Anh không dám oán trách ai mà chỉ biết tự trách mình. “Cha mất, mẹ già đi bước nữa, anh em thì mỗi người một phận. Gia đình tôi ngày xưa có nhiều đất, kinh tế khá. Nếu thời còn trẻ biết tu chí không chơi bời thì bây giờ không đến nỗi này”.
Chị Tú cho hay, bản thân bị khoèo chân nhưng không được hưởng trợ cấp theo chế độ tàn tật. Cha của chị Tú đã mất, còn người mẹ thì đi bước nữa và cũng có hoàn cảnh éo le. Cô gái cho biết, cách đây gần 1 năm hai người gặp nhau khi cùng lang thang tại đây rồi bén duyên, trụ lại.
Một người bán hàng ở bên cạnh “túp lều” kể lại: “Hai đứa ở đây từ lâu rồi, ai cho gì thì xin, ngoài ra chúng đi nhặt ve chai. Điều hay là không thấy chúng nó cãi nhau bao giờ”, người này kể.
Khi được hỏi về cái Tết, đôi “vợ chồng” cùng cho biết, họ sẽ đón giao thừa tại nơi này.
Một bức tranh “rối mù” bởi quá nhiều nghi hoặc, có người cho rằng trong số những hoàn cảnh thực sự đói nghèo cần được giúp đỡ cũng có những hoàn cảnh không thực sự như hình ảnh đang diễn ra. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đây chỉ là kịch bản của “cái bang” nào đó đang bao thầu để sống trên lưng đồng loại.
Thế nhưng khi tìm hiểu về họ, chúng ta có thể thấy tất cả trong số họ đều rất đáng thương dù bất cứ lý do gì.
Điều họ mong muốn mỗi ngày qua đi nhanh và trời nhanh tối, màn đêm xuống họ sẽ được những mạnh thường quân đến cho cơm ăn, áo mặc. Họ sợ nhất mỗi khi có chiến dịch truy quét, thu gom những người vô gia cư tập trung về một trung tâm nhân đạo nào đó. Lúc đó thì cuộc sống của họ không còn được tự do theo ý mình nữa.
“Sau mỗi bài báo, truyền hình phản ánh, chúng tôi lại nơm lớp lo lắng vì bên trung tâm bảo trợ sẽ đi bắt chúng tôi về sống tập trung. Chúng tôi mong được thấu hiểu sâu hơn về cuộc sống phía sau. Chắc hẳn ai cũng có nỗi khổ của riêng mình nên mới cơ cực như thế này”, một người phụ nữ chia sẻ.
Khi chúng tôi chia tay, một người bệnh quanh năm sống nhờ vào nồi cháo từ thiện, tối đến lại tá túc ở các vỉa hè cầu chúc: “Con chỉ mong tất cả mọi người có sức khỏe, có hạnh phúc”.
Minh Ngọc, theo Trí Thức Trẻ