Theo chuyên gia than tổ ong hiện nay chủ yếu là loại than cấp thấp, rẻ tiền, trộn với bùn… Khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh lượng khí SO2, CO2 gây độc.
528 tấn than tổ ong được sử dụng mỗi ngày
Mới đây, trong cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, đã thông tin về tình hình ô nhiễm không khí trên địa bàn.
Ông Định cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí tăng trong thời gian qua, trong có đốt than tổ ong là trong một nguyên nhân quan trọng.
Theo thông tin từ ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi Cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày thành phố sử dụng đến 528 tấn than tổ ong, lượng khí CO2 phát ra môi trường là rất lớn, đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra ô nhiễm môi trường.
Mỗi ngày Hà Nội đốt cháy 528 tấn than tổ ong.
PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, sử dụng than tổ ong để đun nấu không chỉ có CO2 phát ra môi trường mà còn rất nhiều chất khác.
Đặc biệt hiện nay, loại than tổ ong người dân sử dụng chủ yếu là loại than cấp thấp, giá rẻ, được trộn với bùn và có hàm lượng lưu huỳnh nhất định để bắt cháy nhanh hơn. Khi đốt loại than này sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2.
Khí SO2 (lưu huỳnh dioxit) là loại khí gây độc có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hòa tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hóa để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết.
Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hóa học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hóa đường và protein, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+(kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.
Theo chuyên gia khí SO2 có thể phát sinh khi đốt mọi thứ nguyên liệu hàng ngày (than đá, khí, gỗ và các chất hữu cơ khác như phân khô, rơm rác…).
Giai đoạn phát thải khí độc khi đun nấu than
PGS Côn chia sẻ thêm, về quá trình phát sinh chất độc khi đun nấu bằng than tổ ong được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn đầu là mồi lửa: là giai đoạn sinh ra rất nhiều chất hữu cơ chưa cháy hết, tỏa ra ngoài theo dạng khói đen rất nhiều.
Giai đoạn 2, là khi lửa đã cháy và cháy ở nhiệt độ cao thải ra khí CO2 và SO2.
Đốt rơm rác tại ngoại thành cũng gây ra ô nhiễm không khí.
“Trong 2 giai đoạn cháy của than thì giai đoạn mồi lửa sẽ sản sinh ra các chất hữu có chưa cháy hết, có cả các chất hữu cơ mạch vòng (chất độc có nguy cơ gây ra ung thư). Ở giai đoạn mồi lửa, nếu ở trong không gian kín, chật hẹp, thiếu oxy, các chất hữu cơ chưa cháy hết sẽ tạo thành CO.
Loại khí này cực kỳ độc, không màu, không mùi, không tan trong nước, có khả năng đem đến cái chết từ từ, không nhận biết.
Khi than bắt lửa không còn khói đen, nhưng phát thải ra khi CO2 và SO2″, PGS.Côn nói.
Theo PGS Côn, nếu mỗi ngày Hà nội dùng tới 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường, điều này sẽ có tác động tới sức khỏe người dân.
Không chỉ than tổ ong phát thải ra khi CO2 mà bất cứ chất liệu nào có cacbon khi cháy đều thoát ra CO2 như: đốt giấy, củi…
Ngoài ra, thói quen đốt rơm rạ của người dân hiện nay cũng là một trong những cách gây ô nhiễm môi trường.
“Đốt rơm rạ thì hàm lượng lưu huỳnh thấp, sinh khói bụi, chủ yếu là các chất hữu cơ chưa cháy hết. Chúng tạo ra các hạt bụi mịn, ngăn cản tầm nhìn, ảnh hưởng sinh hoạt bình thường của người dân”, PGS Côn khuyến cáo.
Để cho môi trường được cải thiện hơn các chuyên gia đã khuyến cáo người dân nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.