Vinasun và Grab lại đưa nhau ra tòa trong vụ án “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” – đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng, dự kiến diễn ra sáng 24/9.
Theo dự kiến, sáng nay (24/9), sau 7 tháng tạm dừng, TAND TP HCM lại đưa vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) ra xét xử sơ thẩm.
Trước đó, vụ án từng 2 lần được đưa ra xét xử nhưng tòa buộc tạm hoãn phiên tòa để hai bên thu thập bổ sung thêm tài liệu chứng cứ.
Đại diện nguyên đơn và bị đơn tranh luận tại phiên xử trước đó (Ảnh: N.D)
Cụ thể, phía nguyên đơn đưa ra những chứng cứ để chứng minh GrabTaxi vi phạm Đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Theo đề án này, GrabTaxi chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ.
Tuy nhiên, Grab đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm… trong quá trình kinh doanh. Cũng theo Đề án 24, GrabTaxi không có chức năng định giá cước, chức năng này của hợp tác xã.
Đại diện nguyên đơn cũng cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ. Trong khi số xe lên tới 12.000 chiếc ở TP.HCM, nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ.
Ông Trương Đình Quý (Phó Tổng Giám đốc Vinasun) cho rằng hành vi của Grab đã khiến 8.000 lao động của Vinasun mất việc cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Từ cáo buộc này, Vinasun yêu cầu Grab bồi thường một lần là 41,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, phía Grab cho rằng yêu cầu khởi kiện của Vinasun là không có cơ sở, đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.
Nhiều tài xế, nhân viên của Vinasun có mặt tại phiên tòa để theo dõi tại các phiên xử trước đó.
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, thời gian trở lại đây, công ty Grab đã gây thiệt hại cho các hãng taxi truyền thống bằng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…
Nguyên đơn cho răng việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương, theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày. Tuy nhiên, Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định, bất kể thời gian.
Bên cạnh đó, Vinasun còn tố cáo chương trình GrabShare (dịch vụ đi chung) rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật vì Bộ GTVT đã liên tục có văn bản chấn chỉnh hành vi kinh doanh này.
Ngoài ra, nguyên đơn còn cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video để chứng minh Grab vi phạm pháp luật kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa án buộc Grab phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
Hồi tháng 10/2017, các xe của Vinasun từng đồng loạt dán biểu ngữ phản đối Grab với nội dung “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Những hành động này được dư luận đánh giá là cạnh tranh không lành mạnh nên các tài xế đã gỡ bỏ những khẩu hiệu trên. Đại diện Vinasun lên tiếng cho rằng hãng không chỉ đạo, đó là tình trạng tự phát của một số tài xế.