Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Nghịch lý “có tiền nhưng khó tiêu”. Bài 1: Doanh nghiệp khó vay vốn “giá rẻ”

Được ví như “phao cứu sinh” để giúp doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ sau khi ban hành được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế, giúp các DN, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đã gần 1 năm triển khai nhưng tiến độ giải ngân gói cho vay hỗ trợ lãi suất này trên địa bàn tỉnh hiện vẫn rất chậm chạp do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng

“Khát vốn” là thực trạng mà nhiều DN, HTX trong tỉnh đang gặp phải, đặc biệt là sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Để tạo động lực cho các DN có thể phục hồi và tăng trưởng, ngoài nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước với DN, HTX, hộ kinh doanh.

Tổng quy mô của gói này khoảng 40.000 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 11 lĩnh vực ngành nghề được hỗ trợ, chủ yếu là hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, nông nghiệp… Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Đây được đánh giá là chủ trương rất phù hợp trong điều kiện hiện tại khi đã chạm đúng nhu cầu vốn của DN.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 3/2023, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chỉ mới giải ngân được cho 7 khách hàng gồm 3 DN, 1 HTX, 3 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến chế tạo với số tiền được hỗ trợ lãi suất là 280 triệu đồng, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 101,68 tỉ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 100,38 tỉ đồng.

Doanh nghiệp mong muốn sẽ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ để phát triển sản xuất, kinh doanh – Ảnh: H.T

Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng, thời gian qua, đơn vị đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất và đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ NHNN, trong đó tập trung có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 của NHNN Việt Nam; gửi các văn bản đến Hiệp hội DN tỉnh để phối hợp tuyên truyền về chương trình hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – DN, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các ngân hàng thương mại và các DN trên địa bàn. Tuy vậy, kết quả hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh còn ít ỏi và chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Vướng mắc từ nhiều phía

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhật Tân Tứ Hải, ở phường Đông Thanh, TP. Đông Hà cho biết: “Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2022 là chủ trương, chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. DN chúng tôi đã từng rất kỳ vọng gói cho vay lãi suất ưu đãi này của Chính phủ. Thế nhưng, từ tháng 5/2022 đến nay, nguồn thông tin về gói hỗ trợ lãi suất này cứ xa dần. DN mang hồ sơ đi hỏi thì phía ngân hàng trả lời rất khó khăn vì có nhiều chính sách thắt chặt, không thể tiếp cận”.

Qua trao đổi với đại diện nhiều DN, hộ kinh doanh, HTX trên địa bàn, đa số đều khẳng định sự cần thiết của nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tuy nhiên hiện nay thủ tục và các điều kiện vay vốn khá rườm rà, nhiều quy định không sát với thực tế, không cụ thể, khiến khách hàng gặp khó khăn khi muốn tiếp cận. Ông Hồ Sỹ Anh, đại diện HTX Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng chia sẻ: “HTX Đơn Quế hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31. Để mở rộng quy mô sản xuất, HTX có nhu cầu vay vốn khoảng 1 tỉ đồng để mua thêm giống và vật tư nông nghiệp.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì hồ sơ thủ tục khá phức tạp, rườm rà, đặc biệt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên tập thể nên rất khó trong việc thế chấp. Mặt khác, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính, thời gian hỗ trợ ngắn, không giải quyết được những khó khăn của HTX”. Cũng giống như HTX Đơn Quế, nhiều DN, HTX trong tỉnh không “mặn mà” với gói hỗ trợ lãi suất 2% vì những vướng mắc liên quan đến cơ chế, thủ tục, do đó chính sách chưa phát huy được hiệu quả do thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tế.

“Đang triển khai” là câu trả lời chung của không ít ngân hàng thương mại khi được hỏi về tiến độ giải ngân của gói tín dụng này. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng rất khó xử trong việc cho vay, không phải ngân hàng không hỗ trợ, mà các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. Thực tế, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa nếu DN không đủ điều kiện vay.

Bên cạnh đó, khách hàng kinh doanh đa ngành nghề, nhiều lĩnh vực nên rất khó bóc tách, xác định mục đích sử dụng vốn vay, khó thu được chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Đến khi thanh tra, kiểm tra về mục đích sử dụng vốn sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho cả khách hàng và ngân hàng. Ngoài ra, trong quy định có điều kiện “DN phải có khả năng phục hồi”, trong khi không có hướng dẫn đánh giá cụ thể về khả năng phục hồi, dẫn tới việc mỗi ngân hàng áp dụng một cách khác nhau.

Theo đánh giá của NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân như: đối tượng, ngành nghề áp dụng cho vay hỗ trợ lãi suất khá hạn chế; số lượng khách hàng thuộc ngành nghề bán buôn và bán lẻ khá nhiều nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khách hàng thuộc đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng được đầy đủ điều kiện cho vay hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều khách hàng còn e ngại và thận trọng do chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, quá trình thực hiện phải đáp ứng những điều kiện đưa ra và phải chịu sự thanh tra, kiểm tra…

Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân hàng khó khăn trong khi rất cần vốn để hồi phục, đầu tư phát triển, không ít DN cho biết đã phải “vay ngoài” với lãi suất cao. Do vậy, DN vẫn kỳ vọng những chính sách tài chính từ phía nhà nước sẽ được cải thiện và mở rộng nhằm giải quyết vấn đề “khát vốn” cho DN, HTX, hộ kinh doanh.

Hà Trang – Thanh Trúc

Nguồn Báo Quảng Trị: https://baoquangtri.vn/kinh-te/goi-ho-tro-lai-suat-2-nghich-ly-co-tien-nhung-kho-tieu-bai-1-doanh-nghiep-kho-vay-von-gia-re/175854.htm

Bài 2: Gỡ vướng để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn