Giữa “tâm bão” ở quê nhà, vì sao TT Trump bất ngờ nhận được lời ngợi khen hiếm hoi của phe Dân chủ?

Ảnh: Tuấn Mark.

Một số lãnh đạo Quốc hội Mỹ thuộc phe Dân chủ cho biết họ đã “thở phào” nhẹ nhõm trước quyết định của ông Trump tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.

Ngày 28/2 vừa qua, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đột ngột kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên.

Lí giải về điều này, Tổng thống Trump cho biết ông đã quyết định “bước đi” do những bất đồng giữa hai bên về những điều khoản liên quan đến việc Washington dỡ bỏ cấm vận để đổi lấy hành động phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

“Đôi khi bạn phải bước đi, và đây chỉ là một trong số những lần như vậy”,ông Trump nói.

Theo CNBC, các lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã khen ngợi quyết định “bước đi” và từ chối kí kết thỏa thuận với những điều khoản được cho là bất lợi đối với Mỹ của Tổng thống Trump.

Điều bất ngờ là trong số đó có rất nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ cũng lên tiếng hoan nghênh động thái của ông Trump. Trước đó, họ đã bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống có thể sẽ đồng ý với một thỏa thuận không thỏa đáng với Triều Tiên – một phần là để giảm bớt áp lực trước việc cựu luật sư Michael Cohen tiếp tục đưa ra những lời khai bất lợi đối với ông hôm thứ Tư vừa qua.

“Tôi rất hài lòng khi Tổng thống nhận ra rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng để kí kết một thỏa thuận toàn diện”, Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện Chuck Schumer phát biểu trước các Thượng nghị sĩ hôm thứ Năm (28/2) vừa qua.

“Tổng thống Trump đã làm điều đúng đắn khi rời khỏi [cuộc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un], và không chấp nhận kí kết một thỏa thuận bất lợi chỉ vì một cơ hội chụp ảnh… Tôi đã luôn lo sợ rằng ông ấy sẽ làm như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh ông ấy đang phải chịu nhiều áp lực bủa vây”, ông Schumer nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo khác của đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ là chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng dành lời khen hiếm hoi cho Tổng thống Trump vì đã “bước đi” khỏi cuộc đàm phán với Chủ tịch Triều Tiên. Trả lời các phóng viên, bà Pelosi cho biết: “Thật tốt là Tổng thống [Trump] đã không cho [ông Kim] bất cứ điều gì trước những khoản nhượng bộ ít ỏi của họ”.

Mặc dù vậy, bà Pelosi vẫn cho rằng Chủ tịch Kim là “người chiến thắng” vì đã có được hai cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Mỹ.

Lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã đánh giá việc ông Trump gặp gỡ ông Kim 2 lần tại Singapore và Việt Nam là những bước đi “khôn khéo” nhằm cho lãnh đạo Triều Tiên thấy rằng họ có thể đạt được “kinh tế thịnh vượng” nếu từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Theo ông McConnell, “Tổng thống cần được khen ngợi vì đã rời khỏi cuộc đối thoại khi hai bên chưa thể đạt được tiến triển như kì vọng trong vấn đề phi hạt nhân hóa”.

Giữa tâm bão ở quê nhà, vì sao TT Trump bất ngờ nhận được lời ngợi khen hiếm hoi của phe Dân chủ? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo. Ảnh: Tuấn Mark.

Vì sao thượng đỉnh Mỹ-Triều không thể đạt được thỏa thuận?

Trong cuộc họp báo công bố kết quả cuộc gặp thượng đỉnh chiều hôm qua (28/1) tổ chức tại khách sạn Metropole, Tổng thống Trump cho biết Triều Tiên sẵn sàng phá hủy phần lớn cơ sở hạt nhân để đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ toàn bộ cấm vận, nhưng phía Mỹ không đồng ý với điều đó. “Chúng tôi đã phải bước đi sau lời đề nghị đó”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo đột xuất vào lúc nửa đêm 28/1 – rạng sáng 3/1, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lại đưa ra lí do khác so với điều được ông Trump công bố:

“Chúng tôi chỉ yêu cầu xóa bỏ một số chứ không phải tất cả các lệnh trừng phạt. Cụ thể, [chúng tôi đề nghị xóa bỏ] 5 trong số 11 lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Năm lệnh này được áp dụng từ năm 2016-2017.

Đây là những lệnh trừng phạt tác động tiêu cực tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân. Đây cũng là bước tiến lớn nhất mà chúng tôi có thể chấp nhận được về phi hạt nhân hóa trong giai đoạn này dựa trên sự tin cậy giữa hai nước”.